Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

18/12/2024

Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 96 của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng vừa có văn bản công bố Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành.

Chiều 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh;

Quy mô dự án: đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục;  23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án được thực hiện với hình thức đầu tư: đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng (một triệu, bảy trăm mười ba nghìn, năm trăm bốn mươi tám tỷ đồng); Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.

Tiến độ thực hiện dự án: lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 59/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc bổ sung các dự án luật vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Bổ sung dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.

Bổ sung dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.

Bổ sung dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để chuẩn bị hồ sơ các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ, trong đó cần lưu ý tiếp tục hoàn thiện nội dung các chính sách, đánh giá tác động chính sách đầy đủ, nghiêm túc theo quy định; rà soát các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa những vấn đề thực tiễn đang biến động mà giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm tính ổn định của luật và linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết; thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng ký ban hành Nghị quyết số 1321/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Điều chỉnh giảm 52,26 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn trong nước nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho Bộ Khoa học và Công nghệ để điều chỉnh tăng tương ứng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn trong nước nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Văn phòng Trung ương Đảng là 42 tỷ đồng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là 10,26 tỷ đồng.

Điều chỉnh giảm 310,772 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho Bộ Khoa học và Công nghệ để điều chỉnh tăng tương ứng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương: Ninh Thuận 103 tỷ đồng, Đắk Nông 69,772 tỷ đồng, Kiên Giang 138 tỷ đồng.

Đồng thời điều chỉnh giảm 1.000,369 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn trong nước nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và 180,230 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2024 đã phân bổ cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để điều chỉnh tăng tương ứng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn trong nước nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho Thành phố Hà Nội.

Điều chỉnh giảm 187,71 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (vốn trong nước là 95,15 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 92,56 tỷ đồng) đã phân bổ cho Bộ Xây dựng để điều chỉnh tăng tương ứng Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 tại Điều 1 của Nghị quyết này chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội…

Các Nghị quyết được đăng tải toàn văn trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tại địa chỉ: https://quochoi.vn

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác