Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng

11/12/2024

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 40, chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.

Bổ sung 04 dự án luật, 01 dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Toàn cảnh Phiên họp

Nội dung của dự thảo Pháp lệnh đạt sự đồng thuận cao

Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó, quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh gồm chi phí tố tụng hình sự, chi phí tố tụng dân sự, chi phí tố tụng hành chính và chi phí tố tụng cho Hội thẩm; đồng thời, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, tiếp thu tối đa ý kiến của các cơ quan hữu quan. Đến nay, hầu hết các nội dung của dự thảo Pháp lệnh đã đạt sự đồng thuận cao giữa Thường trực UBTP, TANDTC và các cơ quan hữu quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Về các loại chi phí tố tụng (Điều 3), đa số ý kiến nhất trí với Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh quy định về các loại chi phí tố tụng. Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, vừa tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ, vừa bảo đảm có căn cứ pháp luật. Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, Thường trực UBTP đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và quy định tại Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh về 09 loại chi phí tố tụng trên cơ sở cụ thể hóa Điều 169 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Điều 370 của Luật Tố tụng hành chính (TTHC), Điều 135 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Điều 130 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Điều 44 của Luật Giám định Tư pháp.

Liên quan đến trách nhiệm quy định cách tính và nguyên tắc tính chi phí giám định (Điều 40), quá trình chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh có 02 loại ý kiến về vấn đề này. Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất, đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý tổ chức giám định tư pháp công lập  trong việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở cho tổ chức giám định thu chi phí giám định tư pháp.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Phiên họp

Về dự toán, thanh toán kinh phí chi phí tố tụng (Điều 72), có ý kiến đề nghị rà soát để quy định đầy đủ trong Pháp lệnh các nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH; đối với một số nội dung cụ thể khác, giao thẩm quyền quy định chi tiết cho Chính phủ. Thường trực UBTP và TANDTC thống nhất chỉnh lý khoản 2 Điều 72 dự thảo Pháp lệnh như sau: “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập dự toán, thanh toán chi phí tố tụng”.

Liên quan đến chi phí thù lao cho người tham gia hoạt động tố tụng là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, căn cứ ý kiến của Chính phủ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, TANDTC và các cơ quan có liên quan, Thường trực UBTP đề nghị dự thảo Pháp lệnh tiếp tục quy định về chi phí thù lao khi tham gia hoạt động tố tụng, không phân biệt giữa đối tượng được hưởng lương và đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Về thẩm quyền quy định Danh mục chi phí tố tụng, tiếp thu ý kiến của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan hữu quan, Thường trực UBTP thống nhất với TANDTC đề nghị UBTVQH ban hành Danh mục chi phí tố tụng kèm theo Pháp lệnh này.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực UBTP đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát hoàn diện dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, trình UBTVQH thông qua gồm có 12 chương, 73 điều.

Cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Tư pháp

Qua thảo luận, các thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng của Ủy ban Tư pháp.

Góp ý về thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm căn cứ xác định chi phí giám định ở Điều 40, vấn đề này có 02 loại ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý tổ chức giám định tư pháp công lập (như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, VKSNDTC) trong việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm căn cứ xác định chi phí giám định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc quy định như vậy là phù hợp, vì trong các lĩnh vực giám định như giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định kỹ thuật hình sự đã được giao cho các Bộ, ngành nêu trên quản lý; đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan này, đồng thời bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng tổ chức giám định tư pháp công lập.

Về chi phí thù lao cho người tham gia hoạt động tố tụng là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các ý kiến cơ bản tán thành với ý kiến của UBTP: Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được trả chi phí thù lao khi tham gia hoạt động tố tụng, đồng thời không phân biệt chi phí thù lao giữa người hưởng lương và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các ý kiến cũng tán thành về mức chi cụ thể cho Hội thẩm là 900.000 đồng/ngày như đề nghị của TANDTC là phù hợp.

Ngoài ra, các ý kiến cũng góp ý về chi phí vật tư tiêu hao (Điều 23 của dự thảo Pháp lệnh), về chi phí hao mòn, khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao (Điều 35 của dự thảo Pháp lệnh).

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã giải trình, làm rõ ý kiến của các thành viên UBTVQH nêu.

100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau thời gian làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, UBTVQH đánh giá cao UBTP đã chủ trì, phối hợp với TANDTC, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại các phiên làm việc trước, đã hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng cơ bản đảm bảo chất lượng để trình UBTVQH. Các ý kiến còn khác nhau đều được báo cáo đầy đủ, về cơ bản các cơ quan liên quan đều thống nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao UBTP phối hợp với Ủy ban Pháp luật và TANDTC hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật và cố gắng hoàn thành dự thảo Pháp lệnh trong tháng 12/2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Về nội dung, UBTVQH cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại về mặt kỹ thuật tại Điều 23 và Điều 35 (nội dung chỉ thông báo 1 lần, tránh cách hiểu là thông báo 2 lần).

Về Điều 40 quy định trách nhiệm quy định cách tính và nguyên tắc tính chi phí giám định, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bỏ chữ “ngang bộ”, bỏ cụm từ “phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp”, đồng thời bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 40: “giao cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ và cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý nhà nước quy định cách tính và nguyên tắc tính chi phí giám định trong trường hợp giám định tư pháp đối với các lĩnh vực khác”. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quy định như vậy để bảo đảm tính bao quát, dự phòng các trường hợp xảy ra trong tương lai và khắc phục sự chậm trễ trong công tác giám định, ảnh hưởng đến công tác tố tụng hiện nay.

100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Về danh mục chi phí tố tụng và Phụ lục kèm theo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa lại từ ngữ cho dễ hiểu hơn, nên sửa lại là “danh mục và chi phí tố tụng” theo khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh; đồng thời rà soát thêm về mặt kỹ thuật trong dự thảo Pháp lệnh.

Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực UBTP hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành trong tháng 12/2024.

Cũng tại Phiên họp, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực UBTP hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành trong tháng 12/2024

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy giải trình, làm rõ một số vấn đề các thành viên UBTVQH nêu

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng góp ý về chi phí vật tư tiêu hao (Điều 23), về chi phí hao mòn, khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao (Điều 35)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tham gia góp ý về Điều 40 của dự thảo Pháp lệnh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Phiên họp

Các đại biểu dự Phiên họp

Bích Ngọc - Phạm Thắng