Sửa đổi Luật Việc làm: Thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng công nghiệp 4.0
Kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo
Các đại biểu thảo luận tại Tổ 13.
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật và quan điểm xây dựng luật. Dự thảo Luật đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Dự thảo Luật bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15.
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 9 chương và 94 điều, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.
Góp ý về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân đánh giá cao việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Chính phủ đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp thời gian qua về việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.
Theo quy định hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cố định bằng 1% tiền lương tháng. Dự thảo Luật quy định giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng linh hoạt: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Đồng thời giao cho Chính phủ căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp quy định chi tiết mức đóng.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị: Bỏ quy định thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng, đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng, sau đó đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp; Bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng; Đối với người lao động khi nghỉ hưu còn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng cũng được hưởng một khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp một lần tương tự như khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm tính công bằng có đóng, có hưởng của người lao động.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk dự phiên thảo luận Tổ 13.
Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 59): Tại khoản 1, 2, Điều 59 dự thảo Luật quy định: “Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.”
Tại điểm đ, khoản 1, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định: “Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.”
Như vậy, dự thảo Luật quy định tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cũng chính là tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, quy định về mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cao nhất đang chưa thống nhất giữa hai luật (Luật Bảo hiểm xã hội cao nhất, thấp nhất căn cứ theo mức tham chiếu nghĩa là theo mức lương cơ sở hiện nay còn dự thảo Luật Việc làm quy định đang tính mức cao nhất căn cứ mức lương tối thiểu vùng là chưa thống nhất). Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị rà soát để quy định thống nhất giữa hai Luật.
Đồng thời, đề nghị bỏ quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa (hay “trần” mức hưởng) tại khoản 1, Điều 65 mà chỉ quy định mức đóng tối đa (“trần” mức đóng), còn mức hưởng theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp.
Đại biểu Thái Thu Xương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tự nguyện. Thực tế cho thấy, đối tượng tham gia chủ yếu là đối tượng có hợp đồng lao động, còn các đối tượng không có hợp đồng lao động, lao động tự do không được đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi những đối tượng này có nguy cơ thất nghiệp nhiều hơn. Việc mở rộng đối tượng này cũng nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 của Trung ương, qua đó nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp. "Chúng ta cũng nên đưa ra và có hướng xử lý như với bảo hiểm xã hội. Vừa qua, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động bị ảnh hưởng. Với bảo hiểm thất nghiệp cũng như vậy, người lao động mong muốn đóng góp bảo hiểm thất nghiệp để chẳng may khi bị mất việc làm thì còn có sự hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng thì người lao động sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu để thực hiện, không nên đẩy vấn đề khó khăn này cho người lao động", Đại biểu Thái Thu Xương nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Việc làm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Góp ý về Quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc Kinh đang sinh sống tại vùng biên giới; đồng thời cũng bổ sung thêm các đối tượng này trong quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để các trường hợp này cũng được hưởng những chế độ chính sách ưu đãi hơn trong vấn đề giải quyết việc làm…