Thảo luận tại Tổ 3: Nhận diện rõ nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả, thúc đẩy kinh tế phát triển
Đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt hơn để đẩy nhanh giải ngân vốn
Góp ý về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2024. Tuy nhiên, qua theo dõi việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy, hiện nay việc tổ chức triển khai và giải ngân nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) vẫn còn rất chậm.
Đối với CTMTQG về xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 8/2024 mới giải ngân đạt khoảng 50%, CTMTQG giảm nghèo bền vững đạt 51%, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt khoảng 53%. Ước đến tháng 8/2024, giải ngân 3 CTMTQG đạt khoảng 47%. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan đầu mối. “Đây là những nguồn vốn thực hiện trong khi đó chương trình của chúng ta chỉ còn năm sau nữa là tổng kết để kết thúc cho cả giai đoạn. Theo dự kiến của Chính phủ, giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2024 dự kiến đạt 98%, giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đạt 95%, tôi nghĩ nội dung này cần phải xem xét kỹ vì sẽ rất khó khả thi”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Theo dõi nguồn vốn từ năm 2023 chuyển sang năm 2024, Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội sẽ giải ngân tốt nhưng cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Chính phủ cần xem xét điều chỉnh cho kịp thời. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, khi cơn bão số 3 tác động đến 26 tỉnh/thành phố, đại biểu bày tỏ băn khoăn việc thực hiện 3 CTMTQG ở 26 tỉnh, thành phố này như thế nào, đề nghị cần rà soát, tổng hợp, đánh giá lại đối với thành quả chúng ta đã đạt được.
Qua nghiên cứu Báo cáo số 594 ngày 2/10/2024 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của Ban Chỉ đạo CTMTQG, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhận thấy, trong lĩnh vực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù thời gian qua đã có nhiều kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ của Chương trình này, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khắc phục được một số vướng mắc thực hiện trong giai đoạn 2021- 2025.
Đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, trong báo cáo, Chính phủ chưa đánh giá rõ tác động trực tiếp của các chương trình, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong 4 năm qua, nhất là việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn.
Mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo cơ chế rõ hơn về phân cấp, phân quyền và để địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện, tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về tỷ lệ giải ngân đạt thấp cũng như các số liệu được nêu trong Báo cáo. Vì vậy, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Chính phủ cần xem xét, đánh giá chính xác hơn về các số liệu, cụ thể như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đào tạo nghề và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thấp còi.
Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa làm rõ được việc đánh giá thực hiện dự án thành phần của Chương trình mục tiêu về tính sinh kế bền vững qua cơn bão số 3 và lũ lụt, lũ quét vừa qua, chưa được thể hiện trong Báo cáo Chính phủ. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ và chi tiết để đảm bảo phát triển sinh kế bền vững của Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là tỉ lệ giải ngân hiện nay.
“Giải ngân vốn sự nghiệp đến nay mới chỉ đạt 8%. Tôi thấy là rất thấp mà cả giai giai đoạn như vậy thì việc tạo sinh kế cho người dân thực chất của mục tiêu đặt ra đã đảm bảo hay chưa? Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm về vấn đề này, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, đến tháng 10/2025, chúng ta phải có báo cáo đánh giá tổng kết thực hiện cả giai đoạn 1. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số nội dung, dự án và tiểu dự án vướng mắc mà cần tiếp tục điều chỉnh từ văn bản đến chính sách có liên quan, nhất là điều chỉnh về Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng hiện nay Chính phủ và các bộ, ngành vẫn chưa hoàn thành được văn bản điều chỉnh này”, đại biểu Leo Thị Lịch phân tích.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Chính phủ cần có đánh giá chi tiết cụ thể từng mục tiêu, từng dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm căn cứ, tiến tới hoàn thiện tổng kết cho giai đoạn 1 năm 2021-2025. Với tỷ lệ giải ngân đầu tư công kéo dài ở các năm, chuyển sang năm 2024 chỉ đạt 32% và giải ngân vốn sự nghiệp chỉ đạt 8%, đại biểu đề nghị Chính phủ phải có giải pháp đôn đốc và điều hành chỉ đạo một cách tăng tốc hơn, quyết liệt hơn, nắm chi tiết tình hình để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương chưa hoàn thành phân bổ và giải ngân vốn thấp.
Rà soát vướng mắc, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp kịp thời khắc phục
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Leo Thị Lịch, đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, vấn đề giải ngân chậm không phải là câu chuyện bây giờ mới diễn ra mà trong những năm vừa qua chúng ta đã bàn rất nhiều.
“Năm nay, theo Báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm nay chỉ giải ngân được 37%, trong khi theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao là 40,49%, như vậy là thấp. Vấn đề đặt ra là tiền có mà chúng ta không tiêu được thì bây giờ nguyên nhân ở đâu, nguyên nhân khách quan hay chủ quan, nguyên nhân về cơ chế hay là nguyên nhân nào?”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân để có giải pháp kịp thời khắc phục vướng mắc trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án đầu tư cho người nghèo, đầu tư cho vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ nghiên cứu và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để tìm ra nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn các Chương trình này.
Chỉ rõ một số khó khăn, tồn tại hiện nay như tỷ lệ giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, đại biểu Vi Văn Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan, khá phổ biến là do sợ vi phạm pháp luật và sợ sai, còn lại nguyên nhân khách quan vẫn là chủ yếu.
“Đối với nguồn vốn đầu tư cơ bản là giải ngân theo kế hoạch trừ những công trình đặc thù. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, cái gì chi trực tiếp cho người dân thì chúng ta đã triển khai theo quy định và đúng quy định như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, cho vay tín dụng… Còn những nội dung không giải ngân được chủ yếu thứ nhất là do không có đối tượng, thứ hai là do hướng dẫn, chỉ có hai nguyên nhân này chứ không có nhiều nguyên nhân”, đại biểu phân tích.
Từ những vướng mắc về giải ngân, đại biểu Vi Văn Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo để sửa đổi kịp thời Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 141. Cùng với đó, đại biểu đề nghị cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn đến 31/12/2025; đề nghị khi xây dựng kế hoạch giai đoạn 2025-2030, không phân bổ vốn cụ thể theo dự án, tiểu dự án, có thể phân bổ ra nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đầu tư riêng nhưng không phân chi tiết để địa phương chủ động, sau đó Hội đồng dân tỉnh sẽ quyết định.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, theo báo cáo Chính phủ, trong những tháng đầu năm, Chính phủ đã thực hiện tốt việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản chỉ đạo và đã được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai và thực hiện. Tuy nhiên nhìn vào kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm nay, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp vẫn đang rất chậm.
“Đây là những con số biết nói, ví dụ như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn sự nghiệp, đối vốn chuyển nguồn từ 2023 chuyển sang là 8%, vốn 2024 là 11 %. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 8%. Còn đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 15,4%. Vướng mắc lớn nhất trong giải ngân vốn sự nghiệp lại là giải ngân nguồn vốn về hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề và việc làm”, đại biểu nêu một số hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, đây là những nội dung chương trình, các tiểu dự án liên quan trực tiếp đến thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, đến phát triển kinh tế, đến việc nâng cao đời sống người dân và đảm bảo phát triển bền vững nhưng tiến độ giải ngân của các chương trình này lại rất chậm. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Chính phủ cần rà soát những vướng mắc, khó khăn về thể chế, về cơ chế để Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ, đồng thời có các giải pháp cụ thể để đôn đốc các địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia./.