Làm rõ hơn mô hình tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật Dữ liệu

25/10/2024

Trước yêu cầu cấp bách đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Dữ liệu. Một trong những quy định mới, đáng chú ý là việc xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia được đại biểu quan tâm, góp ý tại phiên thảo luận tổ; đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Thảo luận Tổ 12: Rà soát các quy định trong Luật Dữ liệu đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật Dữ liệu là rất quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Quy định rõ các cấp độ dữ liệu được phổ biến

Về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia; Đồng thời đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia; làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; đồng thời có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình kỳ vọng, nếu Trung tâm dữ liệu quốc gia được triển khai hoạt động sẽ thúc đẩy quá trình phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam, đảm bảo điều kiện để Việt Nam hội nhập với nền kinh tế số thế giới.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ và việc xây dựng Trung tâm đang được triển khai thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, Nghị quyết xác định rõ quan điểm xây dựng, vị trí, vai trò của Trung tâm, mục tiêu yêu cầu và các giải pháp để triển khai thực hiện việc xây dựng, phát triển Trung tâm theo từng giai đoạn. Trong khi đó, dự thảo Luật Dữ liệu có một số điều quy định mang tính chất luật hóa các nội dung nghị quyết của Chính phủ. Do đó, để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các quy định của dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định khái quát một số nội dung mang tính nguyên tắc về xây dựng, phát triển Trung tâm.

“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cơ cấu, tổ chức, vị trí, vai trò của Trung tâm này do một đơn vị thuộc Bộ Công an hay là đơn vị thuộc Chính phủ thực hiện. Mặc khác, trong khi chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế, việc hình thành Trung tâm này có làm tăng biên chế, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ thêm”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cơ bản tán thành cần có quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo luật theo hướng chỉ quy định khái quát một số nội dung mang tính nguyên tắc về xây dựng, phát triển Trung tâm; đồng thời, cần tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ giữa Trung tâm với các cơ quan quản lý dữ liệu, hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý, chia sẻ, khai thác và sử dụng dữ liệu, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, an toàn.

Tương tự, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong dự thảo Luật Căn cước có quy định về Trung tâm dữ liệu, hoạt động tổ chức theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, tại Điều 55 của dự thảo Luật Dữ liệu đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất của Trung tâm dữ liệu Quốc gia để phục vụ phát triển, quản lý thị trường dữ liệu. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ nội dung này, tránh sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Một số đại biểu cũng quan tâm đến đảm bảo nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Điều 4 của dự thảo luật. Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng dự thảo luật giao quyền cho Trung tâm dữ liệu quốc gia rất lớn; đề nghị quy định cụ thể ở những cấp độ nào dữ liệu được phổ biến ra công chúng; dữ liệu nào phổ biến ở những cấp cơ quan an ninh, quốc phòng, những dữ liệu nào phổ biến ở cấp cơ quan Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, cũng cần quy định việc tiếp cận thông tin của các nhà khoa học, các nhà phân tích, các chuyên gia để tạo thuận lợi trong việc hỗ trợ, phân tích tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề khác, để phục vụ công tác tham mưu.

Quy định rõ cơ chế kiểm soát Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

Quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia trong dự thảo luật cũng được đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý. Nhiều ý kiến cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia. Có ý kiến đề nghị làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ, bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Có ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Quỹ; đề nghị cân nhắc các nội dung chi của Quỹ để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Thống nhất với sự cần thiết thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách, được huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để phục vụ công cuộc chuyển đổi số nói chung, trong đó có việc phát triển dữ liệu. Nếu quản lý chặt chẽ, phù hợp với Luật Ngân sách sẽ phát huy tác dụng trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn. Đại biểu cũng nhận thấy, có nhiều đối tượng, lĩnh vực hỗ trợ từ Quỹ này, trong đó cần thiết hỗ trợ chuyển đổi số cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy, trong các nhiệm vụ chi của Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia nêu trong dự thảo luật, cần tiếp tục rà soát để không chồng chéo với các hoạt động chi từ ngân sách nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng tán thành với việc thành lập Quỹ Phát triển dữ liệu, việc thành lập quỹ sẽ cùng với ngân sách Nhà nước gánh một phần trong việc hỗ trợ xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia trên cơ sở nguồn tài chính được huy động, hỗ trợ, viện trợ tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Pháp luật về ngân sách nhà nước đã quy định Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phải đảm bảo có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và tại điểm d khoản 4 Điều 29 dự thảo Luật cũng quy định nguyên tắc chi của quỹ là “Không được chi trùng với ngân sách nhà nước” là phù hợp, thống nhất. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị khi giao Chính phủ quy định việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia cần quy định rõ cơ chế kiểm soát đối với quy định này nhằm phát huy vai trò của Quỹ để tránh lãng phí nguồn lực.

Lan Hương