Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp vào dự án Luật Nhà giáo

10/10/2024

Sáng 09/10, tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp xúc cử tri phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh

Tham dự có các ông, bà: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội; Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam; Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Lương Tài.

Cùng dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh; Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hơn 200 cử tri là cán bộ quản lý, giáo viên, Chủ tịch Công đoàn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kết luận Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh thông báo đến cư tri dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và giới thiệu về dự án Luật Nhà giáo. Theo đó, Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 25 điều, cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ một số kiến nghị của cử tri.

Xác định đây là luật mới, khó, tác động rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn, các đại biểu tập trung trao đổi, đóng góp ý kiến về nhiều nội dung liên quan tới: Chế độ, chính sách cho nhà giáo; bảo lưu thâm niên đối với giáo viên tại các trường học biệt phái đến công tác tại phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên trực tiếp đứng lớp, nhất là giáo viên mầm non; cơ chế bảo vệ nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng đội ngũ nhà giáo, sử dụng và phát triển đội ngũ nhà giáo; biên chế cơ quan quản lý ngành giáo dục đào tạo… Các ý kiến mong muốn khi pháp luật về nhà giáo được xây dựng thành một đạo luật riêng sẽ mang tính nhân văn cao hơn, với những chính sách, chế độ xứng đáng, bảo đảm sự công bằng để các nhà giáo yên tâm cống hiến, sống với nghề và gắn bó với sự nghiệp trồng người; tạo điều kiện cho nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục phát huy được tối đa năng lực, sở trường của mình góp phần chung vào phát triển sự nghiệp giáo dục của cả nước.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh và cư tri.

Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, làm rõ quá trình xây dựng và tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự án Luật; các ngành chức năng của tỉnh trả lời làm rõ ý kiến của cử tri liên quan đến vấn đề sáp nhập cơ sở giáo dục, chi trả cho giáo viên hợp đồng, nhân viên nấu ăn trong các cơ sở giáo dục, chế độ chính sách biệt phái đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục…

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn thông tin nhanh về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2024, chúc mừng những thành tích đạt được trong năm học 2023 - 2024 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà. Khẳng định quan điểm, chủ trương đối với phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh là không khuyến khích việc tự chủ các cơ sở giáo dục công lập. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong đó quan tâm đầu tư thích đáng cho giáo dục đào tạo. Tỉnh khuyến khích các cơ sở có chính sách để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn hằng năm, đi nghiên cứu học tập các địa phương trong nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh làm rõ các ý kiến, kiến nghị của cử tri về chính sách thâm niên đối với giáo viên biệt phái về làm nhiệm vụ quản lý giáo dục, vấn đề tự chủ, sáp nhập cơ sở giáo dục, biên chế ngành giáo dục, chế độ đối với giáo viên mầm non. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, đề xuất bố trí biên chế phù hợp; nghiên cứu các chính sách của Trung ương để vận dụng, ban hành chính sách của tỉnh về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới. Các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền.

(Theo báo Bắc Ninh)

Các bài viết khác