Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

16/09/2024

Chiều 16/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân

Các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia có đại diện các Sở, ban, ngành, đại diện Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh. Ảnh: Đ.C

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Tại hội nghị các đại biểu tham dự cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và phù hợp.

Theo đó, các đại biểu tập trung thảo luận, phản biện về phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Luật; điều phối về tư pháp người chưa thành niên; trách nhiệm của người làm công tác xã hội; các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên.

Đại diện Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Đ.C

Đồng thời, phản biện về hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên. Bình đẳng giới trong dự thảo Luật; vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên tham gia hoạt động tố tụng và tái hòa nhập cộng đồng đối người chưa thành niên.

Trong khi đó, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Đ.C

Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như: Những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại, nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, đề nghị bổ sung hành vi cần nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” là xác đáng, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Để tiếp tục hoàn thiện thêm dự thảo, đề nghị bổ sung một số thủ đoạn khác như “lợi dụng tư vấn du học, nuôi con nuôi, lợi dụng việc đưa người đi du lịch ở nước ngoài; uy hiếp tinh thần” vào khoản 9, Điều 2 của dự thảo Luật.

Một luật sư nêu ý kiến góp ý vào các nội dung dự thảo luật. Ảnh: Đ.C

Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, đề nghị xem xét, cân nhắc lại thời gian tiếp nhận, hỗ trợ, xác minh nạn nhân mua bán người tự đến trình báo...

Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, các đại biểu dự họp. Các ý kiến sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổng hợp nghiên cứu và có ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới.

(Theo báo Nghệ An)

Các bài viết khác