ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG LÀM VIỆC VỚI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

13/08/2024

Sáng 13/8, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát đã đến làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.

TIỀN GIANG: CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP HUYỆN GÒ CÔNG TÂY TỪNG BƯỚC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG

Tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức triển khai nghiêm túc việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Cụ thể, Sở đã thực hiện đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Đề án số 02-ĐA/TU ngày 21-3-2018 của Tỉnh ủy Tiền Giang nhằm quản lý thống nhất một đầu mối chỉ đạo, quản lý đối với đội ngũ viên chức chuyên môn trong toàn tỉnh.

Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành đã thực hiện đúng quy định về tinh giản biên chế và số lượng người làm việc; gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối.

Cụ thể, năm 2015, UBND tỉnh giao 3.135 số người làm việc; qua từng năm Sở GD-ĐT đã giảm theo quy định của cấp trên. Năm 2023 UBND tỉnh giao 2.648 số người làm việc. Dự kiến năm 2024, UBND tỉnh giao 2.581 số người làm việc (giảm 67 số người làm việc so với năm 2023, tương đương 2,53%).

Đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Cùng với đó, Sở GD-ĐT đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế giai đoạn, để giải quyết tình trạng dôi dư do sắp xếp cơ cấu tổ chức; thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Kết quả đã tinh giản 15 trường hợp...

Đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT đã được UBND tỉnh giao quyền tự chủ tài chính và phân loại mức tự chủ tài chính giai đoạn từ năm 2023 - 2025 đối với đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, với 30 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, mức tự chủ tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên, 10 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Nhìn chung, việc tinh giản biên chế đã nâng cao năng lực quản trị của các hiệu trưởng, giảm bộ máy làm việc... thực hiện theo đúng chủ trương của Trung ương về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối quản lý, giảm bớt chi ngân sách; tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị; tránh việc đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất một cách dàn trải trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Bên cạnh những mặt được thì lãnh đạo Sở cũng cho biết còn một số tồn tại, hạn chế như: Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chưa nâng mức độ tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ do mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3, của các đơn vị trực thuộc không cao, với 30 đơn vị ở mức tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên; nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn tự chủ tài chính được UBND tỉnh giao từ năm 2023 - 2025 không thể tăng nên khó khăn trong việc thực hiện tăng mức độ tự chủ tài chính theo quy định của Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, do giảm biên chế hằng năm, nên số kinh phí cấp giảm, từ đó gây khó khăn cho các đơn vị trong hoạt động dạy và học.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đã kiến nghị Đoàn giám sát có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn về việc xem xét cho để lại toàn bộ nguồn thu của đơn vị, giúp các đơn vị tự chủ thuận lợi trong tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị cũng như góp phần tăng thu nhập cho đội ngũ thầy, cô giáo, động viên các thầy, cô giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ và gắn bó với công việc.

Đồng thời, các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh cũng đã có nhiều nội dung trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT liên quan đến một số vấn đề như: Bất cập của Trung ương trong quy định về biên chế của ngành Giáo dục; việc hỗ trợ kinh phí, sinh hoạt phí cho sinh viên chuyên ngành sư phạm; những quy định của việc sáp nhập, tinh giảm biên chế đến nay còn phù hợp không; về xây dựng các tiêu chí tiêu chuẩn giáo dục trường đạt chuẩn quốc gia; một số vấn đề liên quan đến việc giao nhiệm vụ đào tạo cho Trường Đại học Tiền Giang; nguyên nhân khó khăn trong thực hiện tự chủ tài chính; vấn đề cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường…

Lãnh đạo ngành GD-ĐT phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát đặt ra tại buổi làm việc.

Đoàn giám sát ghi nhận các đề xuất kiến nghị của lãnh đạo Sở GD-ĐT. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp và xem xét chuyển ý kiến, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền của Trung ương và địa phương để có giải pháp tháo gỡ những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập về mặt cơ chế, chính sách, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới…

(Theo Báo Ấp Bắc)

Các bài viết khác