CẦN NHẬN DIỆN ĐẦY ĐỦ CÁC LOẠI HÌNH DI SẢN

29/07/2024

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật đã tương đối toàn diện. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định đầy đủ, rõ ràng hơn về các loại hình di sản văn hóa.

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ QUỸ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA

Bước tiến lớn trong nhận thức về vai trò của di sản văn hóa

Theo dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật có bố cục gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật bỏ 2 chương: Chương II về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa, Chương VI về khen thưởng và xử lý vi phạm; bổ sung 4 chương: Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, Chương V về bảo tàng, Chương VI về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa, Chương VII về điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hồ sơ dự án Luật cũng kèm theo 7 dự thảo Nghị định và 7 dự thảo Thông tư quy định chi tiết.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, về tổng thể, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh (di sản tư liệu) và bổ sung đối tượng áp dụng (cộng đồng); bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; các điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…; kế thừa có bổ sung các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ngoài ra, dự thảo Luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật như điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đánh giá việc Luật Di sản văn hóa được sửa đổi toàn diện lần này, tuy có thể chậm hơn so với các luật khác, nhưng là bước tiến lớn, nắm bắt kịp thời vướng mắc, tháo gỡ cho hoạt động thực tiễn. Điều đó chứng tỏ nhận thức xã hội về vai trò của di sản văn hóa ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.

Đặc biệt, theo PGS.TS Đặng Văn Bài, việc dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung đối tượng áp dụng đã thể hiện sự đổi mới về tư duy xây dựng luật. PGS. TS Đặng Văn Bài cũng ấn tượng khi đọc dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vì đã cố gắng tiệm cận, tương thích với các Công ước, quy định quốc tế; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho toàn xã hội tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều quy định được chi tiết hóa, không chung chung. “Như thế, những gì phải xin phép, cái gì bị cấm được rành rẽ, mọi người biết đường làm, tránh cái gì cũng phải xin phép, khó khăn trong thực hiện”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Cần nhận diện đầy đủ các loại hình di sản

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vẫn cần nghiên cứu, hoàn thiện nội dung để nhận diện đầy đủ các loại hình di sản văn hóa. Bởi quá trình nhận diện di sản ảnh hưởng đến việc hình thành các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tại nhiều nước, các loại hình di sản được nhận diện rất rõ ràng và bảo tồn tốt để đề cử di sản thế giới UNESCO. Đây là những đóng góp quan trọng để khiến một số quốc gia trở thành những quốc gia đứng đầu về số lượng di sản thế giới được UNESCO ghi danh.

ĐBQH Thích Đức Thiện – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Theo ĐBQH Thích Đức Thiện – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, việc dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này đưa khái niệm “di sản tư liệu” vào là rất hợp lý. Bởi di sản tư liệu với nội hàm là di sản văn hóa được thể hiện dưới dạng tư liệu có giá trị đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia hay đối với nhân loại nói chung.

Đại biểu Thích Đức Thiện lý giải, mặc dù chúng ta có thể tìm thấy di sản tư liệu ở đâu đó trong cả hai dạng thức: Di sản văn hóa vật thể và cả phi vật thể. Song, việc tách di sản tư liệu ra thành một loại hình di sản mới là cần thiết. Có như vậy mới đáp ứng việc nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu ở nước ta hiện nay và mở ra hướng phát triển trong tương lai. Đồng thời, đảm bảo phù hợp với các Chương trình của UNESCO, thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp và cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản tư liệu, cũng như hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Việt Nam tới đông đảo cộng đồng trong nước và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

Ngoài ra, hiện nay nhiều loại hình di sản như: Di sản đô thị, di sản công nghiệp, di sản nông thôn, di sản tự nhiên, di sản văn hóa làng … cũng đang có khoảng trống về chính sách quản lý. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cũng cần cân nhắc bổ sung một số khái niệm như: Di sản đô thị, di sản nông thôn, di sản tự nhiên, di sản công nghiệp... Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cần có quy định về di sản công nghiệp trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bởi di sản công nghiệp gắn bó chặt chẽ với sự ra đời của giai cấp công nhân nhưng chúng ta chưa bảo vệ, nhiều di sản đã mất đi. Ngay ở Hà Nội cũng đã mất rất nhiều di sản công nghiệp. Trong khi ở Nhật Bản đã có 3 di sản công nghiệp được đưa vào đề nghị trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; châu Âu cũng đã hình thành con đường di sản công nghiệp. 

PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

Cũng cho rằng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần nhận diện, bổ sung đầy đủ hơn các loại hình di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết, hiện nước ta đã có 4 ngôi làng cổ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, gồm: Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Phước Tích (Phong Điền, Thừa Thiên Huế), Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang) và Lộc Yên (Tiên Phước, Quảng Nam). Thế nhưng, khái niệm trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) hiện nay lại chưa có di sản văn hóa làng. Tương tự, thế giới có khái niệm di sản đô thị, Việt Nam cũng đã có phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An, cố đô Huế. “Tôi nghĩ chúng ta đã có các Di sản thế giới (Đô thị cổ Hội An, Quần thể di tích cố đô Huế), nhưng không có khái niệm di sản đô thị thì sẽ không toàn diện. Chúng tôi thấy cần cụ thể hóa thêm 2 khái niệm ấy, vì là di sản nhưng cách thức, nguyên tắc, thái độ ứng xử đối với di sản văn hóa làng và di sản đô thị có đặc thù, không thể giống với di tích đơn lẻ”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, cũng cho rằng, việc xếp Quần thể di tích cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, làng cổ Đường Lâm… vào di tích kiến trúc, nghệ thuật như trong dự thảo Luật là không ổn. Bởi đây là tổ hợp di sản đa dạng, có nhiều loại hình. Nếu xếp vào loại hình di tích kiến trúc, nghệ thuật sẽ trói sự tương tác của người dân. Làng cổ Đường Lâm, làng cổ Phước Tích là cả quần cư sống trong di sản, nếu di tích hóa là di sản bị khóa cứng, không phát triển được…

"Khái niệm phải tương thích, nó là di sản nhưng không phải di tích, cộng đồng sống hòa đồng với di sản, di sản đồng hành trong cuộc sống, thậm chí là nguồn lực để họ giàu có lên. Những năm qua, bởi quá trình phát triển diễn ra rất nhanh, nhiều di sản đô thị, di sản nông thôn, di sản tự nhiên… đã bị mất đi. Nếu quy định thiếu khái niệm thì chắc chắn sẽ bỏ sót, việc triển khai thực hiện sẽ có vướng mắc. Bên cạnh đó, nếu không bổ sung các khái niệm này cũng sẽ không tương thích với Công ước, quy định của UNESCO”, TS. Phan Thanh Hải nói./.

Thu Phương

Các bài viết khác