GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI BÌNH THUẬN

17/07/2024

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 do đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BẮC NINH VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng… là thành viên Đoàn giám sát.

Về phía tỉnh Bình Thuận có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiêu Hồng Phúc, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng cho biết: nhờ chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối với các khu vực, Bình Thuận đã thu hút đầu tư vào các dự án khu đô thị, khu dân cư và phát triển nhà ở trên địa bàn. Từ đó, đã tạo điều kiện cho thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng báo cáo với đoàn giám sát

Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, từ năm 2015 đến hết nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tích cực, nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội nhằm đảm bảo thị trường bất động phát triển ổn định, lành mạnh giải quyết tốt nhu cầu nhà ở đất ở cho người dân nhất là người dân có thu nhập thấp.

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có 31 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại còn hiệu lực và 5 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở đất ở cho người dân địa phương. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 24,72m2/người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay thị trường bất động sản và nhà ở xã hội ở Bình Thuận còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, thị trường bất động sản du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng, các khái niệm về bất động sản du lịch và sản phẩm của bất động sản du lịch chưa có trong trong các quy định pháp luật về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật đất đai …, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện loại hình bất động sản này.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, qua thống kê, để một dự án bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh phải tuân thủ quy định của rất nhiều Luật và hàng chục Nghị định quy định chi tiết, hàng chục Thông tư hướng dẫn thực hiện nên chủ đầu tư rất khó khăn, mất nhiều thời gian để thực hiện. Hiện nay, nhiều dự án đang gặp khó khăn do vướng mắc trong việc xác định giá đất và chuyển hình thức thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đây cũng là vướng mắc chung của nhiều địa phương trên cả nước trong suốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho việc thiết lập các đồ án quy hoạch rất hạn chế, bao gồm cả vốn bố trí cho điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung. Do đó, quy hoạch xây dựng còn thiếu, đặc biệt là tại nhiều địa bàn chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 làm ảnh hưởng đến việc phát triển nhà ở trên địa bàn…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh phát biểu

Trên cơ sở này, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Đoàn giám sát báo cáo với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định, cơ chế; ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định giá bán nhà ở tái định cư do nhà nước đầu tư để áp dụng thực hiện; quy định việc đặt cọc giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… Bình Thuận cũng đề nghị các Bộ, ngành có liên quan quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao UBND tỉnh Bình Thuận đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các yêu cầu đoàn đề ra. Báo cáo do UBND tỉnh chuẩn bị đã nêu rõ những khó khăn hạn chế về công tác quản lý nhà nước về bất động sản, cũng như có kiến nghị cụ thể gửi đến Đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên trong Đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Thúy Anh đề nghị UBND tỉnh cần có báo cáo bổ sung tổng hợp những ý kiến, vấn đề mà Đoàn giám sát đã nêu ra tại buổi làm việc. Báo cáo bổ sung của UBND tỉnh Bình Thuận cần nêu rõ những khó khăn vướng mắc; đối với kiến nghị, cần nêu rõ những quy định cụ thể cần sửa đổi, điều chỉnh. Hoàn thiện tất cả thông tin bổ sung, gửi báo cáo cho đoàn trước ngày 22/7/2024.

Đồng chí Nguyễn Thúy Anh cũng ghi nhận những thông tin mà địa phương và doanh nghiệp đã kiến nghị liên quan đến thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, nhất là những vướng mắc liên quan đến Luật, Nghị định.

Qua buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao UBND tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc, có những chính sách phù hợp để triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời đã tập trung chỉ đạo chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong thời gian đến, UBND tỉnh Bình Thuận trong quyền hạn của mình cần tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Đối với những vướng mắc, kiến nghị của địa phương tại buổi làm việc, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp để báo cáo Quốc hội. Đối với những vướng mắc, vấn đề cần giải quyết ngay, đoàn sẽ tổng hợp và có báo cáo gửi Trưởng đoàn giám sát để thông tin đến Chính phủ.

Đại diện tập đoàn NovaLand chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của dự án NovaWorld

Trước đó, Đoàn giám sát đã đến khảo sát thực tế tại dự án Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết và dự án nhà ở xã hội khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Tại đây, Đoàn đã nghe Chủ đầu tư dự án trình bày các khó khăn đang gặp phải, nhất là vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Lê Trang

Các bài viết khác