CUỐN SÁCH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐÃ CỤ THỂ HÓA NỘI HÀM NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

17/07/2024

Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phạm trù rất rộng, nhưng trên cơ sở kế thừa, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cụ thể hóa nội hàm này trong cuốn sách: “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

TIẾP TỤC THỂ CHẾ, CỤ THỂ HÓA QUAN ĐIỂM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỀ ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Ngày 16/7, tại Nhà Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lê ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Toàn cảnh Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cuốn sách tuyển chọn 95 bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược sâu sắc về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đồng thời phản ánh sự quan tâm sâu sát của đồng chí Tổng Bí thư trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chia sẻ cảm nhận về cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khoá X, XI cho biết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ khóa XI, XII. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã có nhiều đóng góp để lại dấu ấn quan trọng, đặc biệt là việc cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; và chú trọng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phạm trù rất rộng, nhưng trên cơ sở kế thừa, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những luận điểm, nội hàm, phương thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các văn kiện Đại hội Đảng từ khóa XI đến nay.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khoá X, XI

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, vấn đề nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã từng được đề cập, nhưng đến thời điểm đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư, nội dung này đã được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, lần lượt cụ thể hóa nội hàm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cụ thể, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ nội hàm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Trong các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bàn về vấn đề này đã khẳng định: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam khác về bản chất với nhà nước pháp quyền tư sản. Nhà nước của giai cấp tư sản phục vụ cho giai cấp tư sản và nhóm lợi ích của những người lãnh đạo; còn Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của Nhân dân, Nhân dân làm chủ thể của quá trình hoạt động do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý.

Theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhân dân phải là nhân vật trung tâm của mọi sự nghiên cứu và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước có trách nhiệm đề ra chủ trương, đường lối, chính sách và sự quản lý của Nhà nước làm cho Nhân dân thực hiện được quyền của mình (là chủ và người làm chủ).

Thông qua hình thức dân chủ trực tiếp hoặc gián tiếp, Nhân dân thực hiện quyền làm chủ bằng cách bầu ra các cơ quan của Nhà nước; đồng thời có quyền giám sát mọi hoạt động của Nhà nước đó, cũng như Đảng lãnh đạo đó. Đối với những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh, những vấn đề hệ trọng của đất nước, Nhân dân đều có quyền lên tiếng, kiến nghị xử lý những người vi phạm lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh cho biết, trong toàn bộ quá trình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị xây dựng các văn kiện đều thể hiện tinh thần đó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ nội hàm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước

Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã làm rõ nội hàm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Trong đó, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, nghị quyết về đường hướng phát triển kinh tế-xã hội, cũng như toàn diện các lĩnh vực trong đời sống xã hội, kể cả đường lối đối ngoại Việt Nam với bạn bè năm châu. Nhà nước dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng để cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua việc cử cán bộ lãnh đạo của Đảng có đủ năng lực và phẩm chất để tham gia vào bộ máy Nhà nước, thực hiện toàn bộ chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực cuộc sống. Đảng lãnh đạo bằng sự nêu gương, trước hết là người đứng đầu, là công bộc của Nhân dân.

Nhà nước quản lý bằng cách cụ thể hóa các cơ chế, chính sách sát hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ và phải lắng nghe các đại biểu Quốc hội, cũng như Nhân dân góp ý kiến trước mỗi chủ trương, chính sách. Có những vấn đề lớn, cần lấy ý kiến toàn dân, như trước khi xây dựng luật hoặc những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhà nước phải lắng nghe, tập hợp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thiết thực, phục vụ toàn bộ đường lối, quan điểm của Đảng.

“Đảng, Nhà nước, Nhân dân là ba mối quan hệ liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng Nhân dân là chủ thể, trung tâm của ba mối quan hệ này. Chúng ta có đạt được mục tiêu, chỉ tiêu của từng nhiệm kỳ hay không, đều phụ thuộc vào sự đồng thuận, ủng hộ và tán đồng của Nhân dân”, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển 

Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, trong thời điểm chúng ta đang xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ cung cấp rất nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là những đặc điểm và nguyên tắc, tổ chức bộ máy, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khác với các nước, ở Việt Nam, nguyên tắc quyền lực Nhà nước thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp – đây được coi là một trong những nguyên tắc đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước và các mô hình đã tương đối rõ trong văn kiện của Đảng, cũng như trong các bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng trong thời gian tới cần tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc này. Do vậy, việc chúng ta công bố cuốn sách của Tổng Bí thư tại thời điểm này có ý nghĩa, tính thời sự và giá trị sâu sắc về mặt lý luận và thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng cho rằng, những bài viết trong cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến những nội dung liên quan đến hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và vai trò của Quốc hội trong thực thi nhiệm vụ quan trọng này.

Các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư chứa đựng không chỉ về mặt lý luận mà còn đúc rút từ thực tiễn, đã tạo ra điểm khác biệt, khiến người đọc ấn tượng sâu sắc, lý luận được dẫn dắt từ những vấn đề thực tiễn – đây chính là thành công của cuốn sách. Cách viết, cách nói, cách tiếp cận vấn đề của Tổng Bí thư cũng rất dễ hiểu, bởi khi đề cập đến các vấn đề lý luận, nếu không lồng ghép thực tiễn sinh động thì sẽ khó hiểu.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng xuất phát từ thực tiễn trực tiếp là đại biểu Quốc hội, là Chủ tịch Quốc hội. Do vậy, những bài viết của đồng chí đúc rút kinh nghiệm, cách tổ chức Quốc hội và những điều cần lưu ý, không chỉ là những vấn đề trước mắt, mà còn đề cập cách làm lâu dài của Quốc hội nhằm thể hiện đúng vai trò của cơ quan lập pháp.

“Tôi cho rằng, những bài viết và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua đã gợi mở cách làm rất cụ thể cho Quốc hội. Những vấn đề Tổng Bí thư đã viết, đã phát biểu đang được hiện thực hóa và đang mang lại những kết quả, với tác động tốt đối với đời sống Nhân dân, đặc biệt được cử tri tin tưởng”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, Lễ ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cách thức để truyền cảm hứng ngay từ đầu cho quảng đại bạn đọc. Bởi những vấn đề về Quốc hội nói chung, việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền nói riêng không chỉ dành cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội đọc, mà đây là những nội dung liên quan đến tiếng nói của cử tri, Nhân dân cả nước.

“Sau Lễ ra mắt cuốn sách, cần được tiếp tục lan tỏa đến tất cả các đối tượng cần thiết, nhằm tiếp tục chuyển tải thông tin về Quốc hội. Từ biết, đến hiểu và thực hiện theo cuốn sách”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu cảm nhận: Các quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và định hướng yêu cầu, nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong Nhà nước pháp quyền ở nước ta trong các thời kỳ được hệ thống, tổng hợp trong Cuốn sách này là sự đúc kết lý luận, tổng kết sâu sắc thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam qua kết quả nghiên cứu dày công, tâm huyết, trách nhiệm của người lãnh đạo hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu rất quý, rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đọc cuốn sách giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân hiểu rõ hơn quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

“Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học nghiên cứu về nhà nước pháp quyền, về thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, về quyền con người, tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước… Cuốn sách cuốn hút các nhà nghiên cứu của chúng tôi với sự quan tâm, tham khảo và trân trọng đón nhận”, PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho biết thêm.

Lan Hương

Các bài viết khác