THÁO GỠ VƯỚNG MẮC ĐỂ THÚC ĐẨY CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

13/07/2024

Trong tình hình kinh tế có những biến động, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang diễn ra chậm hơn so với mục tiêu đề ra. Các đại biểu cho rằng, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần có đánh giá thận trọng để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả, khả thi, không thất thoát tài sản Nhà nước.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI ĐẦU TƯ, SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ ĐÓNG GÓP VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, thúc đẩy đổi mới, phát triển nền kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức trong thực tế. Cụ thể, việc xác định giá trị hợp lý của doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, bất cập, các điều kiện đảm bảo minh bạch và công bằng trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn chưa được đáp ứng chặt chẽ, nhiều thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, năng lực quản trị, trình độ chuyên môn của một số cán bộ phụ trách cổ phần hóa, thoái vốn còn hạn chế. Nhìn nhận rõ thực trạng này, tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện hiệu quả, cần có sự đồng bộ về chính sách, quy định pháp luật cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.

Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Số thu từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp mặc dù tăng 6,8 nghìn tỷ đồng so dự toán, tăng 2,3 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội, song chủ yếu do tăng thu nộp ngân sách tiền thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc địa phương từ các năm trước. Điều này cho thấy, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa có giải pháp hữu hiệu trong công tác này.

Tham gia ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ làm rõ những vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức triển khai, nếu vướng mắc xuất phát từ cơ chế, chính sách, thì cần sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước,sắp xếp lại nhà, nhà đất của doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban quản lý vốn nhà nước đưa ra định hướng rõ ràng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có đánh giá thận trọng, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức triển khai thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm phù hợp, khả thi, không thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn đến việc triển khai không đạt được yêu cầu đề ra.

Nhận định tình hình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đại biểu Nguyễn Văn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, nguồn thu từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước không đạt được như mục tiêu đề ra, thậm chí chỉ đạt một phần nhỏ, đây là vấn đề nan giải chưa được khắc phục trong thời gian dài, cần nghiêm túc đánh giá, phân tích nguyên nhân chủ yếu, đề ra biện pháp cụ thể để khắc phục tình hình.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận định, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là rất chậm, không đạt yêu cầu, dù cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo quyết liệt. Đại biểu nêu quan điểm, cổ phần hóa cần được thực hiện đúng và trúng. Những doanh nghiệp có tình hình sản xuất, kinh doanh khả quan, hiệu quả, nộp ngân sách cao, thì có thể không cần thiết phải cổ phần hóa, thay đổi cách thức, mô hình quản trị, vận hành. Cần có sự lựa chọn, tính toán kỹ lưỡng, khoa học để việc cổ phần hóa thực sự phát huy giá trị, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và nội lực của doanh nghiệp, không nên cổ phần hóa một cách ồ ạt, thiếu cân nhắc.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, xử lý doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, cho phá sản các công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh, công ty cấp nước, còn nhiều vướng mắc, khó triển khai thực hiện, nguyên nhân chủ yếu do pháp luật về doanh nghiệp, về xử lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, cơ chế giá dịch vụ công ích vv... còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Đại biểu đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp công ích, đơn vị sự nghiệp kinh tế và xử lý tài chính tại các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, giải thể, xử lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc danh.

Đại biểu cho biết Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán kỹ lưỡng vấn đề này và chỉ ra rất nhiều những vướng mắc về thể chế, chính sách, đồng thời đề nghị Chính phủ từng bước tháo gỡ, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí.  

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Quan tâm đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp công lập phục vụ công ích cho phát triển đô thị, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay hầu như mỗi tỉnh đều có doanh nghiệp nhà nước chăm lo môi trường cảnh quan của của tỉnh, tuy nhiên, theo quy định của của Luật Đấu thầu thì tất cả những gói thầu về cây xanh, môi trường đều phải thực hiện đấu thầu một cách công khai. Đại biểu nêu thực trạng, một số tỉnh rất khó khăn trong việc đảm bảo môi trường cảnh quan của địa phương, vì khi không trúng thầu thì công ty nhà nước đó không thể hoạt động, không thể hoàn thành trách nhiệm chính trị. Một số doanh nghiệp đã thực hiện đấu thầu ở các tỉnh xa, bỏ giá cực thấp để trúng thầu, nhưng không thể đảm bảo chất lượng duy tu, bảo dưỡng, tu bổ cảnh quan môi trường.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị chuyển từ đấu thầu sang đặt hàng đối với dịch vụ về cây xanh, môi trường đô thị của các tỉnh, đồng thời, từ trường hợp này, cần nghiên cứu kỹ các loại hình, lĩnh vực của doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa một cách có chọn lọc, có cân nhắc hợp lý, đảm bảo nguồn lực cần thiết đáp ứng các yêu cầu trong vận hành và phát triển. 

Hồ Hương

Các bài viết khác