KHẢO SÁT VIỆC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI BÌNH DƯƠNG VÀ TP. HỒ CHÍ MINH

11/07/2024

Ngày 11/7, Đoàn công tác số 3 của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo làm Trưởng đoàn đã khảo sát thực tế một số dự án bất động sản, dự án nhà ở xã hội và làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH HƯNG YÊN VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ NHÀ Ở XÃ HỘI

Tại Bình Dương, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Một Thế Giới tại phường Thuận Giao và Dự án Khu nhà ở Bình Quới tại phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An. Tại TP. Hồ Chí MInh, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Khu dân cư Nguyên Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. 

Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh

Đại diện các doanh nghiệp phản ánh tình hình thị trường bất động sản nhà ở của địa phương gặp nhiều khó khăn như: nguồn cung suy giảm mạnh, việc triển khai các dự án mới gặp bế tắc, chỉ triển khai được những dự án mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất ở, nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc không thể tiếp tục thực hiện, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị đọng vốn trong các dự án, chịu gánh nặng về chi phí tài chính; nhiều dự án đã có quyết định giao đất, đã thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa được cấp có thẩm quyền xác định giá đất để nộp tiền sử dụng đất và đưa sản phẩm ra thị trường. 

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản giá tăng cao, mất cân đối cung - cầu trong các phân khúc; có những dự án nhà ở thương mại không có người mua, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển hướng sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do các sản phẩm nhà ở thương mại không có khách hàng; có những dự án nhà ở chưa cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người mua. 

Về việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, một số doanh nghiệp cho biết còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến một số vấn đề như: việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục xác nhận đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và thực trạng nhà ở; nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của các đối tượng, trong khi vốn vay qua ngân hàng thương mại lại có lãi suất cao so với thu nhập của các đối tượng mua nhà ở xã hội. Một số ý kiến phản ánh trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài hơn so với dự án nhà ở thương mại; các chính sách hỗ trợ không phát huy hiệu quả.

Các doanh nghiệp kiến nghị sớm ban hành, hướng dẫn chi tiết, đồng bộ các thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở xã hội để địa phương và doanh nghiệp phối hợp thuận lợi trong quá trình triển khai; sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, có quy định để được đầu tư linh hoạt hơn; xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư; mở rộng diện khách hàng được mua nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người mua được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo ghi nhận, chia sẻ với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; đề nghị các đơn vị cập nhật các quy định mới của pháp luật, rà soát, bổ sung, làm rõ một số nội dung, số liệu theo yêu cầu; các kiến nghị sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)