ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC VIỆT NAM TỪ NGUỒN DƯỢC LIỆU MANG THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA
Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Luật Dược năm 2016 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam. Từ khi có hiệu lực thi hành, Luật Dược năm 2016 đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dược, trong đó có chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 điều của 08 chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016. Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung là chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược. Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định tại khoản 3, 4, 5, 6, 9 và 11 Điều 7 Luật Dược; bổ sung khoản 12 vào Điều 7, sửa đổi khoản 1 Điều 8 Luật Dược nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học....
Đại biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Quan tâm tới chính sách phát triển công nghiệp dược, đại biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt do có hàm lượng hoạt chất nhỏ nhưng có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe con người; thuốc có hàm lượng khoa học, công nghệ, trí tuệ cao nên giá trị sử dụng cũng cao. Do đó, để phát triển công nghiệp dược, đại biểu cho rằng cần chú ý tập trung đầu tư vào các loại thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao như thuốc có nguồn gốc dược liệu, thuốc sinh học, vaccine, sinh phẩm y tế, các thuốc sản xuất nhượng quyền, thuốc chuyển giao công nghệ, thuốc có dạng bào chế đặc biệt, nguyên liệu làm thuốc generic chuyên khoa đặc trị có hàm lượng nhỏ và cần duy trì đổi mới tư duy, đổi mới khoa học công nghệ trong vấn đề sản xuất thuốc generic tạo ra nhiều sản phẩm mới đặc thù, dần dần tiến tới sản xuất thuốc phát minh khi có khả năng làm được.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu gắn liền với nhu cầu của thị trường, như vậy các nhà khoa học phải gắn liền với doanh nghiệp để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của Việt Nam. Sản phẩm nhượng quyền, chuyển giao công nghệ cần đầu tư tập trung từ khâu đầu đến khi có sản phẩm cuối cùng để thương mại hóa, đổi mới tư duy trong xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với đổi mới sáng tạo, tạo ra được bước đột phá trong việc phát triển ngành dược. Thêm vào đó, cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế, các hoạt động dịch vụ trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm tương đương sinh học. Song song với việc sửa đổi Luật Dược năm 2016, đại biể cho rằng cần thiết sửa đổi hoặc bổ sung các luật như Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu.
Cũng theo đại biểu, để phát triển công nghiệp dược cần chú ý đến vấn đề rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc cũng như cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành thuốc, đảm bảo vấn đề an ninh và tự chủ một phần nguyên liệu làm thuốc. Từ đó xây dựng ngành dược phẩm nội địa bền vững, đảm bảo cho an ninh y tế, mở ra cơ hội xuất khẩu cho ngành này cũng như phát triển hệ sinh thái đi kèm.
Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược là nội dung rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến an ninh y tế. Nêu thực tế hiện nay, đại biểu cho biết, khi xảy ra dịch bệnh, nguồn thuốc, vaccine tại chỗ, khả năng huy động các doanh nghiệp dược tham gia rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc phát triển dược đã được đề cập rất nhiều trong các văn bản luật, các chiến lược, nghị định,... và được giao rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, đến nay phát triển dược liệu vẫn còn nhiều khó khăn với "5 điều thiếu" cơ bản, đó là thiếu tập trung, thiếu thị trường, thiếu cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho phát triển, thiếu công nghệ và thiếu mô hình tổ chức sản xuất phù hợp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, lĩnh vực dược liệu được nhiều nhà khoa học và nhà quản lý đánh giá là có lợi thế cạnh tranh bởi Việt Nam có điều kiện thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, đa dạng về sinh học và kho tàng tri thức sử dụng phong phú của các cộng đồng dân tộc khác nhau. Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết nhìn nhận lại việc xây dựng chiến lược, rà soát bổ sung hay loại bỏ một số chính sách để tổ chức triển khai công tác phát triển dược liệu ở Việt Nam nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, từ đó từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh về dược của Việt Nam.
Để phát triển dược liệu đúng hướng, theo đại biểu, cần rà soát bổ sung chính sách ở các lĩnh vực trồng dược liệu, sản xuất sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam, phát triển chuỗi gắn với tổ chức kinh tế cộng đồng, phát triển dược liệu gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp dược thảo, xây dựng vườn cây thuốc công nghệ cao. Các chính sách cơ bản cần xem xét là vay vốn ưu đãi, ưu đãi thuế, quy định đăng ký sản phẩm theo hướng đơn giản hóa hoặc phù hợp với từng loại sản phẩm, đầu tư công,... Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định trong luật để vừa đảm bảo phát triển công nghiệp dược, vừa đảm bảo an ninh y tế, tạo điều kiện cho ngành dược phát triển đúng hướng của Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030-2050.
Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, Việt Nam phải nhập khẩu 90% nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước bao gồm dược chất và dược liệu, trong khi đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu trong khu vực Đông Nam Á với gần 4000 loài cho công dụng làm thuốc. Trên thực tế, hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu như chính sách về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn khó khăn trong việc mở rộng vùng trồng. Đối với các tỉnh có diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ lớn, việc bảo vệ rừng gắn với khai thác nguồn lợi từ rừng hiện nay chưa hiệu quả. Trồng cây dược liệu dưới tán rừng là biện pháp giúp người dân vừa quản lý, bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cũng góp phần vào việc phát triển ngành dược liệu nhưng hiện nay chưa có quy định hay hướng dẫn về nội dung này.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về nuôi trồng, phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong rừng và dự thảo Đề án phát triển cây dược liệu, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm ban hành và quan tâm đến các vấn đề như quy chế quản lý giống, hướng dẫn kỹ thuật, mức hỗ trợ đối với các chương trình, dự án trồng cây dược liệu sử dụng kinh phí nhà nước để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển các nhà máy chế biến, tạo vùng nguyên liệu để các địa phương có kế hoạch triển khai phù hợp.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn
Bên cạnh đó, hiện nay việc phát triển cây dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra không ổn định, chưa có nhiều vùng phát triển theo chuỗi giá trị, nhiều loại dược liệu được trồng theo quy hoạch nhưng khi thu hoạch lại không có thị trường đầu ra. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có quy định về chính sách hỗ trợ ưu đãi cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp hợp tác xã thực hiện sản xuất theo liên kết chuỗi gắn với các vùng nguyên liệu dược.
Đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng các quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược cần thể hiện được tính đột phá, đủ mạnh, đồng bộ khả thi về đầu tư đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt Nam. Để thực hiện được nội dung này thì cần nghiên cứu, lựa chọn những loại cây dược liệu được coi là cây chủ lực quốc gia hoặc có thể được gọi là cây "Quốc dược" để hỗ trợ đầu tư từ nghiên cứu khoa học, giống, kỹ thuật, vùng nguyên liệu đến thị trường có trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 3 Điều 7 theo hướng có ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các loại dược liệu chủ lực quốc gia. Bổ sungvề trách nhiệm của Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lập danh sách các loại dược liệu chủ lực quốc gia; trách nhiệm của Bộ Công Thương về hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, xúc tiến quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường sản phẩm dược liệu chủ lực của Việt Nam; trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xúc tiến bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các loại dược liệu chủ lực quốc gia của Việt Nam trên thị trường thế giới./.