TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 26/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)
Hoàn thiện chính sách cho bảo tàng, hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật
Quan tâm tới hoạt động của bảo tàng và chính sách đối với bảo tàng tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chỉ rõ, Chương V của dự thảo Luật đề cập về bảo tàng. Đây là chương mới, được tách ra từ Mục 3 Chương IV Luật Di sản văn hóa hiện hành, thiết kế thành 18 điều (từ Điều 62 đến Điều 79). Các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn hoặc quy định mới, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tàng.
Đại biểu chỉ ra thực tế, hệ thống bảo tàng đã phát triển và hiện có 197 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. Đặc biệt, các bảo tàng tư nhân có chủ đề rất phong phú, từ gốm sứ, nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa, hiện vật chiến tranh, truyền thống gia đình, văn hóa vùng đất... Sự góp mặt của các bảo tàng nghệ thuật tư nhân đang làm thay đổi nhận thức về loại hình bảo tàng, mở ra xu thế mới, tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật và qua đó hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay chính sách cho bảo tàng ngoài công lập ở nước ta chưa được quan tâm nhiều; hành lang pháp lý cũng chưa rõ, nhất là vấn đề điều kiện và tiêu chí để xếp hạng đối với bảo tàng ngoài công lập. Và cái khó của các bảo tàng tư nhân là những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu đội ngũ nhân sự làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp
Trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được quy định tại khoản 2 Điều 64 còn chung chung; việc cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được quy định tại khoản 2 Điều 66 cũng chung chung, và giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập. Điều này rất khó để cho các cá nhân, doanh nghiệp xin mở bảo tàng. Vì vậy, trong dự án Luật cần quy định cụ thể hơn nữa góp phần để các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý hoạt động của bảo tàng tư nhân…
Đại biểu cũng nhấn mạnh, ngoài bảo tàng có những hiện vật, tư liệu đang được trưng bày thì cũng có bảo tàng sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trên không gian mạng để phản ánh các vấn đề văn hóa, đưa thông tin, hình ảnh về các hiện vật, sự kiện lịch sử… Do đó, trong dự án Luật, cần có quy định rõ ràng hơn về các loại bảo tàng số, bảo tàng ảo có sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia ý kiến
Cùng quan tâm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhận thấy, dự thảo Luật có quy định các khảo cổ thu thập được đưa về bảo tàng của cấp tỉnh nhưng trong dự Luật lại không có quy định bảo tàng cấp tỉnh. Chỉ có Luật Di sản văn hóa 2001 có quy định các cấp bảo tàng tại Điều 47: bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân. Do đó, cần rà soát lại các quy định này.
Bên cạnh đó, ở các địa phương khi tổ chức bảo tàng kế bên thư viện hoạt động rất hiệu quả và thuận tiện cho người tham quan cũng như người dân và học sinh trong vấn đề nghiên cứu các tài liệu học tập. Vì vậy, đề nghị trong nội dung bảo tàng cần bổ sung một nội dung trong quy hoạch giữa bảo tàng và thư viện quy hoạch gần nhau. Nếu không quy hoạch được gần nhau thì trong bảo tàng cấp tỉnh có thể có thư viện cấp huyện, như vậy sẽ thuận tiện trong hoạt động của bảo tàng.
Bên cạnh công tác bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa, đại biểu Nguyễn Duy Minh – Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho rằng, việc phát huy các giá trị di sản văn hóa như thế nào cho thật sự hiệu quả, nhất là việc phục những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thời gian qua cũng là vấn đề đáng quan tâm. Vì vậy, vấn đề khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh một cách có hiệu quả cần phải được quan tâm và quy định cụ thể trong luật. Dự thảo Luật lần này đã bổ sung thêm 2 chương là Chương VI quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ về di sản văn hóa và Chương VII quy định về điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và tại Điều 75 cũng quy định về hoạt động dịch vụ của bảo tàng.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh – Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng tham gia thảo luận
Qua nghiên cứu, đại biểu thấy rằng việc quy định như dự thảo Luật là chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh đặt ra trong hoạt động khai thác và phát huy các loại hình di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh. Các nội dung chỉ mới đề cập ở phạm vi dịch vụ bảo tàng trùng tu, tôn tạo di tích khảo cổ, kinh doanh di vật, cổ vật. Các dịch vụ liên quan được tổ chức tại các khu di tích, các danh lam thắng cảnh cũng như trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, tổ chức khai thác chưa được đề cập một cách cụ thể và rõ ràng. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo yêu cầu vừa bảo tồn, vừa phát huy được một cách có hiệu quả các giá trị trong khai thác, phục vụ nhân dân. Đặc biệt là để tạo nên những sản phẩm du lịch, thu hút và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ứng dụng công nghệ số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã thiết kế Điều 84 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Theo đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lưu giữ, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tuân thủ quy định quản lý về cơ sở dữ liệu quốc gia theo pháp luật về giao dịch điện tử và các yêu cầu về chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào, theo phân cấp xây dựng và cập nhật, nhằm mục đích quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật…
Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đánh giá, đây là quy định phù hợp với chính sách cải cách hành chính, hiện đại hóa trong quản lý nhà nước và phù hợp với điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã bảo đảm không phát sinh tổ chức nhân sự và vận hành hệ thống quản lý thông tin về di sản văn hóa, đã kết nối liên thông với 63 tỉnh, thành phố. Do đó, đại biểu hoàn toàn nhất trí quy định này, hướng đến tích hợp để người dân có thể kết nối cho những mục đích xác nhận, mua bán, chuyển nhượng cổ vật, di vật thuộc sở hữu tư nhân hoặc cung cấp các tài liệu bổ sung để hoàn thiện cơ sở dữ liệu của nhà nước về lĩnh vực này.
Đại biểu cũng nhất trí với quy định tại Điều 85, 86, tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó thông qua các công nghệ số phục dựng lại hình ảnh các di tích lịch sử đã bị hủy hoại do nhiều nguyên nhân, các phong tục, tập quán... vừa làm tư liệu cho tuyên truyền, giáo dục giúp đa dạng trong phương thức, lưu trữ bảo tồn di sản văn hóa.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia ý kiến
Ủng hộ quan điểm ứng dụng công nghệ số trong chính sách phát triển di sản văn hóa, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới...