THẢO LUẬN TỔ 5: HỢP NHẤT CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ, QUY HOẠCH NÔNG THÔN VÀO MỘT LUẬT LÀ PHÙ HỢP

20/06/2024

Chiều ngày 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

THẢO LUẬN TỔ 5: TIẾP TỤC RÀ SOÁT ĐỂ BẢO ĐẢM HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN 01 LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 04 LUẬT

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội tại Tờ trình số 133/TTr-CP ngày 09/4/2024 được thiết kế với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều. Sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý thành 06 Chương, 65 Điều.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đề xuất là: “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn”.

Các đại biểu tại Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành dự thảo Luật theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 133/TTr-CP của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV về “tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030”.

Theo các đại biểu, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Bày tỏ quan điểm ủng hộ sự cần thiết của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật này sẽ góp phần thể chế hóa định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó có nhiệm vụ: “Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn”; Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước…

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, hiện nội dung về quy hoạch đô thị và nông thôn đang tản mạn và tồn tại trong nhiều Luật có liên quan thuộc hệ thống pháp luật đang gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành; pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về quy hoạch cây dựng còn chưa thống nhất trong một bộ luật; mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định Luật Quy hoạch 2017 chưa được quy định rõ; quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, khắc phục...

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 9, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, cần bổ sung thêm 1 khoản quy định việc Nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Đại biểu cho rằng, đây là tiền đề cho các quy định tại Điều 10 liên quan đến kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn của dự thảo Luật.

Đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 13, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Hạn chế sự hỗ trợ” vào trước cụm từ “tiếp nhận” của khoản 9. Cụ thể: Hạn chế sự hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động quy hoạch  đô thị và nông thôn không đúng quy định tại Luật này”. “Vì hiện tại nhiều địa phương không muốn cho doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để lập quy hoạch chi tiết trên khu vực đã có quy hoạch được phê duyệt.”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Quan tâm đến nội dung về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại Điều 3, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung việc đánh giá sự phù hợp về quy hoạch với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… để đảm bảo thống nhất về điều kiện, nguyên tắc áp dụng các cấp độ quy hoạch khi cơ quan nhà nước thẩm định dự án đầu tư. “Bên cạnh đó, trong quy hoạch đô thị và nông thôn có nội dung quy hoạch sử dụng đất… Do vậy cần làm rõ quy hoạch nào có trước và có sau để thuận lợi cho việc áp dụng khi thực hiện triển khai các dự án đầu tư gắn với sử dụng đất.”, đại biểu nói.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng cho biết, trong thực tiễn áp dụng tại địa phương, công tác thực hiện việc giới thiệu địa điểm, phạm vi, ranh giới khu đất thực hiện dự án là rất cần thiết, nhằm xác định phạm vi, ranh giới, kích thước lô đất nhằm tiết kiệm đất đai, đảm bảo tính khả thi về quy mô xây dựng công trình, mật độ xây dựng, tầng cao đáp ứng với quy chuẩn, tiêu chuẩn và yêu cầu về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan theo quy định của pháp luật về xây dựng; làm cơ sở xác định phạm vi thu hồi đất, cắm mốc giới nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng...  đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa các dự án của tỉnh và địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về cách thức giới thiệu địa điểm sẽ thực hiện bước nào của quy trình đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất và được thực hiện trước hay sau khi có chủ trương đầu tư… Do vậy đại biểu đề nghị, cần điều chỉnh khoản 1 Điều 54 về giới thiệu địa điểm, lưu trữ, lưu giữ hồ sơ quy hoạch đô thị và nông thôn của dự thảo Luật theo hướng: “1. Cơ quan quản lý về quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho các chủ đầu tư khi có yêu cầu. Địa điểm được giới thiệu để đầu tư xây dựng phải bảo đảm tuân thủ đúng quy hoạch đô thị và nông thôn, phù hợp với quy mô, tính chất đầu tư, tiết kiệm đất; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển và môi trường của đô thị, nông thôn; được thực hiện sau khi dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư ”.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch 2017, Luật Đất đai 2024, Luật Đấu thầu 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và nhiều luật có liên quan khác… Do vậy, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành./. 

Vạn Xuân– Nghĩa Đức