QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ

03/06/2024

Chiều 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Theo đó, đa số ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi một số điều của Luật nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua; đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.

CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ THIẾT KẾ MỘT ĐIỀU RIÊNG VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẢNH VỆ

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Qua 05 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ…

Đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đa số các ĐBQH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án luật. Việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.

Các ĐBQH tham dự Phiên thảo luận

Cho ý kiến về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ (khoản 12 Điều 1), đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhất trí với quy định của dự thảo Luật và cho rằng, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài, trường hợp lực lượng Cảnh vệ không đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật mang theo thì việc phải thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong thực hiện công tác cảnh vệ là cần thiết, phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị các quy định về thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về cảnh vệ, pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Đóng góp ý kiến về đối tượng cảnh vệ là “khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam", Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ để quy định đầy đủ các đối tượng khách quốc tế thuộc diện được đảm bảo chế độ và biện pháp cảnh vệ, phù hợp đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, pháp luật của Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu của tình hình thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị các đối tượng cảnh vệ là “khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam” nên được quy định cụ thể và chi tiết hơn, ngoài các chức danh được quy định tại các điểm a và b, khoản 2 Điều 10, gồm “Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ”; “Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên nguyên tắc có đi có lại hoặc đối đẳng, yêu cầu đối ngoại”, thì nên bổ sung một số chức danh như người đứng đầu Đảng cầm quyền của các nước, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của một số định chế liên chính phủ cấp khu vực, quốc tế, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế mà Việt Nam có quan hệ mật thiết hoặc là thành viên… Cụ thể, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung một số chức danh như: Nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu Đảng cầm quyền; Người đứng đầu Đảng cầm quyền; Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền; Nhà Vua, Nữ hoàng, Người kế vị nhà Vua, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc; Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương; Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á; Chủ tịch một số diễn đàn Liên nghị viện khác…

Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH còn cho ý kiến  về đối tượng cảnh vệ, chế độ, biện pháp cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ…

Thay mặt cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cảnh vệ, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã có ý kiến tham gia đóng góp vào dự án Luật; đồng thời làm rõ thêm những ý kiến kiến nghị về một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh. Đó là về văn bản dự thảo Luật cụ thể, nhất là khẳng định về tính cấp thiết và sự cần thiết của dự án Luật. Quy định rõ hơn về một số trường hợp cụ thể để tránh lạm dụng, lợi dụng hoặc tùy tiện trong việc áp dụng. Bổ sung về việc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cảnh vệ, quy định rõ hơn và cụ thể hơn về đối tượng cảnh vệ, chế độ và biện pháp cảnh vệ, bố trí về lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ và điều kiện đảm bảo thực hiện về công tác cảnh vệ.

Đối với những nội dung trên, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, ngay trong quá trình về xây dựng, chỉnh lý và hoàn thiện về văn bản dự thảo Luật cũng đã được Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan về chủ trì soạn thảo, phối hợp với các cơ quan có chức năng nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo ý kiến của quốc tế, đánh giá tác động đa chiều một cách kỹ lưỡng, tạo tiền đề cho việc xây dựng nội dung về quy định trong dự thảo Luật được đảm bảo về tính khả thi, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

 Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh: Những ý kiến phát biểu của các ĐBQH tại Phiên thảo luận đều rất tâm huyết và trách nhiệm. Bộ Công an sẽ lựa chọn tối đa, nghiêm túc, tiếp thu đầy đủ đối với những ý kiến hợp lý để khẩn trương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo sớm về việc hoàn chỉnh các văn bản dự thảo lần cuối được chặt chẽ hơn, chất lượng hơn và khả thi hơn trước khi trình Quốc hội thông qua.

 Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng  tướng Trần Quang Phương khẳng định: Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, kịp thời có các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các ĐBQH thảo luận tại Tổ. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng có báo cáo thẩm tra đề cập 14 nội dung cụ thể của dự án Luật, kịp thời xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến của ĐBQH để phục vụ cho phiên thảo luận.

Tại Phiên thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, nhất trí về bố cục, nhiều nội dung dự thảo luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp nghiên cứu để làm rõ các nội dung:

Thứ nhất là xung quanh về phạm vi sửa đổi của dự thảo luật. Cần bổ sung quy định hoạt động cảnh vệ của lực lượng cảnh vệ ngoài lãnh thổ Việt Nam. Về đối tượng cảnh vệ cần rà soát kỹ đối tượng là khách quốc tế thăm, làm việc tại Việt Nam để thể hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng  tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận Phiên thảo luận

Về sửa đổi quy định hội nghị theo hướng thu hẹp như dự thảo Luật, cần rà soát để bổ sung cho đầy đủ. Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc quy định của Luật cảnh vệ thì cần quy định rõ việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ một cách chặt chẽ, không để bị lạm dụng.

Về một số nội dung khác, tại Phiên thảo luận cũng có đại biểu tham gia ý kiến vào dự thảo nghị định của Chính phủ để thống nhất với các quy định của Luật này, Luật Ngân sách nhà nước và các luật liên quan. Ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ và sẽ được tiếp thu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương giao cho Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan để chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như hoàn thiện, chỉnh lý luật để thông qua đúng kế hoạch của chương trình tại Kỳ họp thứ 7.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cùng lãnh đạo Bộ Công an tham dự Phiên thảo luận

Các ĐBQH tham dự Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đóng góp ý kiến

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

 

 Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ làm rõ một số nội dung được các ĐBQH nêu tại Phiên thảo luận./.

Bích Lan - Phạm Thắng