QUỐC HỘI XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT TỐI CAO NĂM 2025

30/05/2024

Sáng 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 chuyên đề để xem xét, lựa chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao, liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển, sử dụng nguồn nhân lực.

TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH LỰA CHỌN 01 CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT TỐI CAO NĂM 2025

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT NĂM 2023 VÀ NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2024: ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRỌNG VỚI NHIỀU ĐỔI MỚI, CẢI TIẾN

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. 

Trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 01 chuyên đề để giám sát tối cao

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2025 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Các đại biểu dự phiên họp.

 Vấn đề trình Quốc hội giám sát tối cao năm 2025 đều rất quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, xác định đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ hoạt động giám sát, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Đối với chương trình giám sát năm 2025, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc trình ra Quốc hội 2 chuyên đề để xem xét, quyết định lựa chọn; cho rằng, đây đều là những vấn đề rất quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Lựa chọn giám sát chuyên đề 1, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng đây là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao. Bởi ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng và được đông đảo cử tri hết sức quan tâm. Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nói riêng đã được nhiều đại biểu đề cập đến. Trên thực tế việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn. Đưa nội dung trên vào giám sát là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng.

Đại biểu đề nghị năm 2025 Quốc hội tiếp tục xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề để đánh giá sự chuyển biến sau chất vấn và giám sát chuyên đề. Đây là hình thức tái giám sát hiệu quả cao và là cơ sở cho các đại biểu đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát, về chất vấn, và các lời hứa của các thành viên Chính phủ.

Cùng chọn chuyên đề 1, nhưng đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội quan tâm giám sát kết quả việc trả lời kiến nghị cử tri. Qua báo cáo kết quả giám sát thấy tỷ lệ kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6 được trả lời đạt 99,7%. Nhưng số kiến nghị được giải quyết rất thấp chỉ 4,3%. Nội dung trả lời kiến nghị của cử tri được tổng hợp báo cáo chủ yếu là đã được cơ quan Nhà nước giải trình, cung cấp thông tin. Theo đại biểu, số liệu này rất cần được giám sát và làm rõ.

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Tán thành với nội dung Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh đây là gốc rễ của tất cả vấn đề.

Đại biểu cho rằng nếu chọn việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thì Nhân dân sẽ tán dương.

Theo đó, nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao có 2 nhóm lĩnh vực. Đó là nhóm lành nghề, thạo việc, biết quy trình quy phạm vận hành công việc đúng theo chức năng nhiệm vụ được giao và nhóm nhân tài. Nhân tài có 5 yếu tố gồm: Nhân tài trong lãnh đạo; trong quản lý, quản trị; trong lĩnh vực chuyên gia, lành nghề thạo việc và có sáng kiến; nhóm khoa học và nhân tài trong văn hoá giáo dục.

“Phải giám sát quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng đối xử với nhân tài trong 5 lĩnh vực này, tiến hành tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ. Nếu như làm được điều này sẽ chuyển biến căn bản cho cả hệ thống chính trị, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đễn sự thịnh vượng của Quốc gia. Tuy nhiên, 3 năm gần đây chúng ta không đạt chỉ tiêu tăng năng suất lao động do Quốc hội giao. Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau khi bỏ lỡ cơ hội dân số vàng.

Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội giám sát tối cao đối với Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Kết quả giám sát chuyên đề này sẽ là căn cứ thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế, xác định giải pháp tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về nội dung này trong Nhiệm kỳ tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các đại biểu đánh giá cao việc lựa chọn hai chuyên đề giám sát năm 2025 là phù hợp, đều là những vấn đề rất quan trọng, những vấn đề nóng, có những vấn đề đột phá và đều là những vấn đề quan trọng.

Đồng thời, đại biểu đề nghị tiếp tục giám sát việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, giám sát các chuyên đề của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua. Đại biểu đề nghị giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn những nội dung cụ thể trong các chuyên đề giám sát tối cao cũng như giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát cho phù hợp với thực tiễn của địa phương và báo cáo với các đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở các phát biểu và kết quả phiếu xin ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2025./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp​ Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Các đại biểu dự phiên họp.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH Thanh Hóa

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng