ĐBQH KHƯƠNG THỊ MAI: CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI, BẢO ĐẢM YÊU CẦU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÔ THỊ

28/05/2024

Phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nêu rõ, với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng, cần phải chú trọng đầu tư, phát triển Thủ đô Hà Nội như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt. Việc quy định Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW và Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 28/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Chú trọng đầu tư, phát triển Thủ đô Hà Nội

Qua nghiên cứu dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Khương Thị Mai đánh giá cao Báo cáo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia góp ý tại Kỳ họp thứ 6. Hồ sơ dự thảo Luật đã được chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 15-NQ/TW, đặc biệt là Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó là, tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, cơ chế hợp tác công tư, quy hoạch đất đai, tạo sự chủ động sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô.

Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, đại biểu cho rằng cần phải chú trọng đầu tư, phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt. Đồng thời nhấn mạnh, việc dự thảo Luật quy định Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW và Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị.

Bày tỏ nhất trí với các quy định về phân cấp, phân quyền trong dự luật, đại biểu nêu rõ, dự thảo Luật đã có nhiều nội dung thể hiện được tính tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chỉ đạo, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị.

Dẫn chứng quy định trong dự thảo Luật, đại biểu cho biết, khoản 3 Điều 9 quy định Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội được chủ động hơn trong việc thành lập các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, giao Hội đồng nhân dân Thành phố một số thẩm quyền như quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố. Hội đồng nhân dân Thành phố được xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Dự luật cũng phân quyền trực tiếp cho Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp gần nhất.

Toàn cảnh phiên họp

Thể hiện rõ vai trò động lực thúc đẩy liên kết phát triển vùng 

Liên quan tới việc phân quyền, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, đại biểu nhận thấy, đây là cơ sở pháp lý để chính quyền Thành phố Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật giao cho Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi và các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố có thể sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng và quỹ đất của thành phố.

Liên quan tới huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô, đại biểu nhận thấy, quy định trong dự thảo Luật cho phép thành phố thực hiện thí điểm, tạo lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.

Đại biểu Khương Thị Mai cũng bày tỏ nhất trí với những quy định về vấn đề phát triển vùng. Theo đó, với tinh thần Hà Nội vì cả nước, dự thảo Luật đã thiết kế một chương riêng về phát triển vùng theo hướng thể hiện rõ vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, là động lực thúc đẩy liên kết phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời bày tỏ tán thành với quy định cho phép thành phố Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng chuyển giao trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để có thể huy động nguồn lực đầu tư xã hội./.

Minh Thành

Các bài viết khác