ĐBQH VƯƠNG THỊ HƯƠNG: NGHIÊN CỨU NÂNG MỨC TRỢ CẤP MỘT LẦN VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ THỜI GIAN ĐÓNG BHXH CAO HƠN SỐ NĂM TƯƠNG ỨNG

27/05/2024

Để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% (35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). 

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhất trí cao với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như dự thảo Luật sửa đổi trình tại kỳ họp lần này. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Vương Thị Hương có ý kiến tham gia vào một số điều khoản cụ thể của dự thảo Luật.

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Thứ nhất, về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và tự nguyện (quy định tại Điều 3 Dự thảo Luật). Khoản i và n Điều 3 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm “Người quản lý doanh nghiệp”. Theo Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp sửa đổi, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Còn theo Khoản 7, Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định người quản lý doanh nghiệp bao gồm: Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.

Như vậy, cùng 1 thuật ngữ “người quản lý doanh nghiệp” nhưng 2 Luật trên đã có giải thích khác nhau. Vì vậy, theo đại biểu Vương Thị Hương, để thống nhất cách hiểu và tránh việc áp dụng tùy tiện trong thực tế, đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ đối với thuật ngữ "Người quản lý doanh nghiệp" áp dụng trong phạm vi Luật này.

Thứ hai, về giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm (quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật), đại biểu Vương Thị Hương nhấn mạnh: Chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển; tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn hơn so với quy định hiện nay được hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%). Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất (như quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai. Do vậy, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống.

Thứ ba, về mức trợ cấp một lần tại điểm a, khoản 2 Điều 72 của dự thảo Luật đang quy định “bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật”; trong khi đó mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Do đó, để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% (35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ).

Thứ tư, về điều kiện hưởng BHXH một lần (quy định tại Điều 74 và Điều 107 dự thảo Luật), đại biểu Vương Thị Hương đề xuất lựa chọn Phương án 1, vì: Phương án này cơ bản bảo đảm kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội; đồng thời hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần như thời gian qua. Đồng thời, sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho xã hội, ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội. Ngoài ra, đề nghị có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động để họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm, như: Tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động để giảm thiểu tình trạng người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí về sau.

Ngoài những nội dung liên quan đến các điều khoản cụ thể nêu trên, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung. Theo đó, bên cạnh việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm và tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, dự thảo luật cũng cần có quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.  

Liên quan đến việc các tổ chức, công ty, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị cần có quy định chế độ công khai rộng rãi thông tin tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp này để người lao động theo dõi, có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động; Đề xuất thông tin về chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động ngoài công khai thì phải có cách để người lao động có thể tiếp cận, tra cứu nhanh chóng. Từ đó, người lao động có thể nhận biết được, tạo sự cạnh tranh trong thị trường lao động giữa các doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi cho người lao động một cách tốt nhất.

Theo đại biểu Vương Thị Hương, người lao động rút BHXH một lần có nhiều lý do như: Mức lương thấp không đảm bảo cuộc sống tối thiểu; hoàn cảnh khó khăn; chưa tin tưởng vào quyền lợi mà bảo hiểm xã hội mang lại; do áp lực về việc làm; lo lắng bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng sớm không thể đợi đến ngày về hưu... Do vậy, cần nghiên cứu có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi của người lao động phù hợp với thực tiễn và nguyên lý của BHXH./.

Bích Lan