ĐBQH SÙNG A LỀNH: TẠO ĐIỀU KIỆN CHO ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN ĐƯỢC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH

25/05/2024

Góp ý về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai - Sùng A Lềnh đề nghị, cần bổ sung một số danh mục, nội dung nhằm tạo điều kiện cho địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

ĐBQH SÙNG A LỀNH: HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐẢM BẢO CHẶT CHẼ, PHÙ HỢP

ĐBQH SÙNG A LỀNH: CẦN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỂ ĐỊA PHƯƠNG ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN, GIẢI NGÂN VỐN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai - Sùng A Lềnh

Bước đầu có tác động tích cực

Chiều ngày 25/05, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Góp ý về nội dung này tại Phiên thảo luận Tổ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai - Sùng A Lềnh nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong thời gian triển khai vừa qua Chương trình đã bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát, từ những phản ánh của cử tri và Nhân dân, trong thực tiễn triển khai Chương trình phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần phải điều chính đối tượng, phạm vi, nội dung và chỉ tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án, nội dung dự án thành phần thuộc Chương trình.

Tạo điều kiện cho địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ

Qua nhiên cứu báo cáo đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai - Sùng A Lềnh còn trăn trở về một số nội dung.

Thứ nhất, về vấn đề liên quan đến nội dung chính phủ trình Quốc hội điều chính chủ trương đầu tư chương trình. Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung các danh mục: Trường Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện tại một số địa phương.

Bởi lĩnh vực đầu tư cơ sở đào tạo nghề có địa điểm ngoài xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được đề cập trong nội dung Tờ trình số 190 của Chính phủ. Các Trường Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở công lập giáo dục nghề nghiệp có chức năng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề theo quy định. Đây là các đối tượng (Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được thực hiện Tiểu dự án 03 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tuy nhiên, địa điểm của Trường Cao đẳng và trụ sở của các Trung tâm này không thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Tờ trình số 190 ngày 24/4/2024 của Chính phủ chưa có danh mục này, do vậy đại biểu đề nghị bổ sung các danh mục, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Bên cạnh đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung quy định của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng thực hiện Chương trình theo chức năng (không bắt buộc theo đúng tên gọi). Bởi tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 quy định đối tượng thực hiện Tiểu dự án 3 của Dự án 5: “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương đang gặp vướng mắc đó là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện của tỉnh đã được thực hiện xong công tác sáp nhập với Trung tâm giáo dục thường xuyên và đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ); do đó chưa đúng với tên “cơ sở giáo dục nghề nghiệp” theo Quyết định 1719, nên chưa giải ngân được vốn của Chương trình.

Đại biểu tỉnh Lào Cai nêu rõ, bên cạnh đó hiện nay trong Dự thảo bước 01 chưa có nội dung điều chỉnh tên đối tượng thực hiện Tiểu dự án thuộc Dự án 5 thuộc Chương trình. Việc giải quyết về vướng mắc do địa điểm, tên gọi đối tượng thực hiện Chương trình sẽ tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, không làm phát sinh nhu cầu vốn của Chương trình ở tỉnh.

Cần có hướng dẫn về nhóm dân không thuộc đối tượng hỗ trợ

Thứ hai, liên quan đến quy định về quản lý thực hiện Chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành chức năng. Cụ thể,  về nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, Nghị định 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 20 Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định: “Các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (gọi chung là dự án) phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia”.

Đại biểu Sùng A Lềnh băn khoăn, hiện nay, một số địa phương đang lúng túng đối với nhóm người dân còn lại không thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia, khi tham gia vào các dự án phát triển sản xuất thì họ có được hỗ trợ như các hộ thuộc đối tượng hay không? Hoặc họ được hỗ trợ những nội dung gì trong mỗi dự án?

Thực tế, nếu các hộ không thuộc đối tượng được hỗ trợ như các hộ thuộc đối tượng trong cùng dự án thì họ sẽ không tham gia dự án (mà đây lại chính là nhân tố có vai trò quan trọng tác động dẫn dắt, thúc đẩy nâng cao hiệu quả dự án) và dẫn tới tình trạng các dự án không khả thi.

Vì vậy, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho ý kiến hướng dẫn các địa phương giải quyết vấn đề này để tổ chức lĩnh vực hỗ trợ phát triển sản xuất theo các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo có hiệu quả, đúng theo quy định của Chính phủ.

Đề nghị bổ sung nội dung về hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép

Đối với Dự án 2 (quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư nơi cần thiết) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719,  đại biểu Sùng A Lềnh cho biết, hiện nay, có các văn bản của Trung ương quy định đối với nội dung “Hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép” như: Tại Quyết định 1719/QĐ-TTg quy định về hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép: Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân khi thu hồi đất); Tại Điều 8 của Thông tư 55/2023/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định Chính sách hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép: Ngân sách trung ương hỗ trợ địa bàn bố trí dân cư xen ghép mức 60 triệu đồng/hộ để thực hiện các nội dung: Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân khi thu hồi đất).

Đại biểu Sùng A Lềnh nêu thực trạng, đối với các địa phương miền núi, hiện nay việc sắp xếp, bố trí dân cư nông thôn chủ yếu theo hình thức xen ghép (tính khả thi và hiệu quả cao hơn hình thức sắp xếp tập trung). Tuy nhiên, quỹ đất phục vụ công tác sắp xếp, bố trí dân cư tại các xã không có sẵn, mà phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh mục đích sử dụng để tạo quỹ đất và diện tích thường là nhỏ lẻ, xen kẽ từ trong các điểm dân cư hiện có (có điểm chỉ bố trí bổ sung 1- 3 hộ); bên cạnh đó, điều kiện để thu hồi đất cho sắp dân cư phải lập và quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công.

“Thực trạng này rất khó khăn hình thức hỗ trợ địa bàn việc thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất, nên chưa giải ngân được vốn sự nghiệp hỗ trợ các dự án bố trí dân cư xen ghép của tỉnh.”, đại biểu Sùng A Lềnh trăn trở.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, mong muốn của các hộ dân và chính quyền cơ sở ở địa phương là Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ để họ tự mua bán, chuyển nhượng đất với hộ có đất dưới sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương đảm bảo sắp xếp dân cư phù hợp các quy định của pháp luật đề đất đai, quy hoạch.

Từ những thực tiễn trên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung nội dung quy định tại Quyết định 1719/QĐ-TTg quy định về hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép, cụ thể: Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân khi thu hồi đất, san tạo mặt bằng đất ở). Trường hợp địa phương khó khăn thực hiện hình thức hỗ trợ địa bàn thì được chuyển sang hình thức hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình thực hiện các nội dung này dưới sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương.

Cùng với đó, bổ sung nội dung tại Điều 8 của Thông tư 55/2023/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định chính sách hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép. Cụ thể: Ngân sách trung ương hỗ trợ địa bàn bố trí dân cư xen ghép mức 60 triệu đồng/hộ để thực hiện các nội dung: Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân khi thu hồi đất, san tạo mặt bằng đất ở). Trường hợp địa phương khó khăn thực hiện hình thức hỗ trợ địa bàn thì được chuyển sang hình thức hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình thực hiện các nội dung này dưới sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương.

Đồng thời, bổ sung nội dung hỗ trợ “san tạo mặt bằng đất ở”. Bởi thực tế nội dung này rất cần thiết cho chính quyền địa phương bố trí sắp xếp dân cư xen ghép (nội dung này phần hỗ trợ trực tiếp cho hộ chưa có). Cụ thể, bổ sung nội dung hỗ trợ này trong chi phần vốn sự nghiệp 60 triệu đồng/hộ theo quy định tại Thông tư 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, không làm phát sinh nhu cầu vốn của dự án./.

Thu Phương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác