Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Trong đó, năm 2023, các bộ và cơ quan liên quan đã ban hành 30 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528 thủ tục hành chính trên 1.086 thủ tục hành chính và đạt 49%. Vì vậy, kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2023 của Việt Nam đã tăng 12 bậc. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc chỉ đạo quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu con số đầu tư tư nhân giảm tốc đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng. Cụ thể, năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,5% so với năm 2022). Quý I/2024 có 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bằng gần một nửa số liệu này của cả năm 2023. Như vậy, bình quân mỗi tháng có khoảng trên 21. 600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong bốn tháng đầu năm thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này rất cần được Chính phủ lưu tâm, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng và có quyết sách kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động.
Đại biểu cũng nêu thực tế tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn khó khăn. Quý I/2024 mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum bày tỏ lo ngại số lượng lớn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh qua cũng đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm, không có thu nhập, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Theo đại biểu, những khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kể từ sau đại dịch Covid -19 đến nay hầu như vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ, nên thời gian tới Chính phủ cần quan tâm hơn trong việc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền các tỉnh, thành phố đề ra các giải pháp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực trong việc đóng góp ngân sách nhà nước và tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động.
Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị cần có nhóm giải pháp để động viên tinh thần của doanh nghiệp, khơi dậy niềm tin, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu lấy dẫn chứng về số liệu khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Theo đó, khảo sát về kế hoạch kinh doanh trong 2 năm tới, sự lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với những năm trước. Trong đó, chỉ có 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, giảm đáng kể so với con số 35% của năm 2022. Tỷ lệ này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, các doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm. Một trong những yếu tố mà doanh nghiệp đang lo lắng hiện nay là những biến động chính sách, pháp luật. Điều này gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi buộc phải tuân thủ các quy định mới, có những quy định chưa thực sự phù hợp thực tế.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, đầu tư tư nhân giữ vai trò rất quan trọng, là động lực phát triển. Nhưng trong những năm gần đây, đầu tư tư nhân đã giảm sút rất mạnh. “Tôi đề nghị một trong những vấn đề hiện nay chúng ta cần phải làm, đó là tạo niềm tin của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đối với việc đầu tư của mình bằng cách phải giải quyết sớm một số những vụ việc liên quan đến thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản để tạo niềm tin. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn để cho các nhà đầu tư yên tâm”.
Một số ý kiến cũng khuyến nghị Chính phủ đẩy nhanh số hoá, tăng cường tích hợp, chia sẻ đồng bộ dữ liệu, tạo chuyển biến rõ nét trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo, đầu tư kinh doanh trong môi trường kinh tế số. Tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực.
Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên kiến nghị tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí phù hợp với thực tế ở Việt Nam và cách đo lường trên thế giới nhằm thống nhất một cách đánh giá về kết quả hoạt động kinh tế số; tạo thuận lợi để so sánh giữa Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyển đổi số, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, cần có cơ chế, chính sách, đặc biệt là các giải pháp tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ trong nước tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa và có giải pháp để kích thích tiêu dùng nội địa. Bởi tiêu dùng nội địa là một trong những động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế chiếm khoảng 70% của GDP Việt Nam; khi tiêu dùng tăng sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo động việc làm và thu nhập của người dân.