LONG AN: CỬ TRI TP. TÂN AN KIẾN NGHỊ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC KINH TẾ - XÃ HỘI
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Lê Thị Song An chủ trì hội nghị
Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu đến từ nhiều sở, ngành tỉnh Long An: UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Sở Tài chính; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Thuế; Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông;... tập trung đóng góp ý kiến đối với dự án: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 Chương, 102 Điều, tăng 2 Chương, 29 Điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào một số nội dung: Bổ sung hoàn thiện thuật ngữ; quy định quyền sở hữu và các quyền khác đối với di sản văn hóa; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài; chính sách hay quy định phân cấp, phân quyền bảo đảm các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan; việc đầu tư kinh phí cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do cá nhân cộng đồng sở hữu;...
Đại biểu đề xuất nên có chính sách thu hồi, đền bù thỏa đáng cho người dân đang được cấp quyền sử dụng đất nơi có di sản, di tích (Trong ảnh: Di tích Óc Eo Bình Tả, ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Nguyệt Nhi
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm sửa đổi, bổ sung 43 Điều của 8 Chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016. Luật tập trung vào: Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc ;...
Về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu đề xuất nên có chính sách thu hồi, đền bù thỏa đáng cho người dân đang được cấp quyền sử dụng đất nơi có di sản, di tích, nhằm giúp cơ quan chức năng có thể thực hiện tốt việc bảo quản, đầu tư khai thác di tích, di sản và bảo đảm quyền lợi của người dân. Vấn đề về nguồn tài chính khi phân cấp, phân quyền quản lý di tích, di sản cũng được đề cập tới.
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu có ý kiến đóng góp liên quan đến quy định về chứng chỉ hành nghề và cũng như lộ trình cần thiết nếu có thay đổi trong quy định về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người hành nghề. Ngoài ra, các ý kiến góp ý về hình thức, thể chế văn bản trong các dự án cũng được tiếp thu, ghi nhận.