THẨM TRA MỞ RỘNG ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CTMTQG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS&MN TRƯỚC KHI TRÌNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

05/04/2024

Sáng 5/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra “Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu góp ý vào 2 vấn đề chính mà Chính phủ đề xuất là bổ sung nguồn vốn thực hiện Chương trình và đối tượng thực hiện Chương trình.

PHIÊN HỌP MỞ RỘNG THẨM TRA BÁO CÁO ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp về phía Quốc hội có: các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, đại diện các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía các Bộ, ngành có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân một số tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Thanh Hóa.

Thẩm tra mở rộng trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4/2024

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, cuối nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình này có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng; có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình và đón nhận của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, yếu thế, khó khăn.

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia được Đảng lãnh đạo; Quốc hội đồng hành, giám sát, kiến tạo; Chính phủ điều hành quyết liệt và Nhân dân tích cực tham gia, ủng hộ và đã đạt được một số kết quả nhất định. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, theo dõi, giám sát, thể hiện rõ qua Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Trong đó, đối với lĩnh vực dân tộc, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “trong năm 2023, nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực”. Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ này và rà soát khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, ngày 21/12/2023, Chính phủ có Tờ trình số 698 báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã có Báo cáo số 1404 ngày 30/01/2024 thẩm tra sơ bộ Tờ trình số 698 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, đến thời điểm này, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia để Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp thẩm tra mở rộng trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Nhấn mạnh đây là nội dung thẩm tra quan trọng, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu, dự thảo Báo cáo thẩm tra, bám sát gợi ý thảo luận của chủ trì Phiên họp để góp ý vào 02 vấn đề chính được nêu tại Tờ trình số 105, Báo cáo số 106 ngày 15/3/2024 của Chính phủ là:

(1) Đề xuất bổ sung đối tượng thực hiện Chương trình;

(2) Đề xuất bổ sung cơ chế phân bổ, giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình vào Nghị quyết 120 của Quốc hội.

“Đáng lưu ý là cho ý kiến về sự cần thiết (cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn) và tính hiệu quả của các đề xuất này. Các đề xuất đã đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết 100/2023/QH15 về việc điều chỉnh nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia, và đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chưa?”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.

Bên cạnh đó, đề nghị các đại biểu cho ý kiến về hình thức điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia là đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội hay nên ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về vấn đề này.

Chính phủ đề xuất bổ sung nguồn vốn thực hiện Chương trình và đối tượng thực hiện Chương trình

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Thừa ủy quyền Chính phủ, trình bày Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tại Phiên họp ngày 30/01/2024, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó, tên Chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chủ Chương trình là Ủy ban Dân tộc. Địa bàn thực hiện Chương trình ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; Giai đoạn II: Từ năm 2026 đến năm 2030.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình. Chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương cùng tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

Thời gian vừa qua Chương trình đã được triển khai tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình, cụ thể như sau:

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Một là, theo điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Tuy nhiên nguồn vốn NSTW của Chương trình gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch và phân bổ vốn của các địa phương, do vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình chưa được quy định. Ủy ban Dân tộc tiếp thu ý kiến của HĐDT và tham mưu cho Chính phủ đề nghị Quốc hội, trong nội dung Nghị quyết Kỳ họp thường kỳ lần thứ 7, tháng 5 năm 2024 đề xuất đưa vào nội dung “Kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định”.

Hai là, một số bộ, ngành, địa phương đề nghị điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn về đối tượng tham gia thực hiện Chương trình tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7 đang được triển khai chưa được quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

Trong thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thiết chế văn hóa DTTS tiêu biểu, cơ sở y tế… có vai trò quan trọng và trực tiếp tác động đến các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, tổ chức nêu trên chưa được quy định tại chủ trương đầu tư Chương trình được Quốc hội phê duyệt, dẫn đến một số khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch bố trí vốn, thanh quyết toán trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy cần thiết phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh, bổ sung đối tượng nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Cụ thể, các đối tượng đầu tư của Chương trình tại Tiểu dự án 2, Dự án 4; Tiểu dự án 1, Dự án 5; Dự án 6; Dự án 7 chưa được quy định, dẫn đến khó khăn trong quá trình lập dự án cũng như tổ chức triển khai thực hiện, thậm chí ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ giải ngân. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, đây là nội dung cần được điều chỉnh theo hướng bổ sung, làm rõ các đối tượng như đã nêu ở trên trong khuôn khổ chủ trương đầu tư của Chương trình.

Tiếp đó, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Quang cảnh Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Hoàng Anh

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đinh Ngọc Minh

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình làm rõ vấn đề liên quan đến lĩnh vực Bộ phụ trách

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đóng góp ý kiến tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu ý kiến tại Phiên họp./.

Bích Ngọc - Đình Thành