ĐỀ XUẤT CHO PHÉP KÉO DÀI THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN VỀ CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI, GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
ĐỀ NGHỊ CÁC BỘ HOÀN THIỆN BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VÀ CÁC NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA ĐỂ BÁO CÁO QUỐC HỘI
Đoàn Giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” vừa có cuộc làm việc với một số Bộ ngành.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Lê Xuân Định nhấn mạnh, thực hiện Công văn số 548/ĐGS-TCNS ngày 10/10/2023 của Đoàn giám sát về việc báo cáo phục vụ Đoàn giám sát theo Nghị quyết số 94/2023/QH15, Bộ đã có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các chính sách về công nghệ.
Đoàn Giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” làm việc với một số Bộ ngành.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Trong đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính và Bộ KH&CN “khẩn trương sửa đổi các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý tại Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 trong Quý I năm 2022 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”. Đồng thời, Nghị quyết số 11/NQ-CP cũng nêu rõ “trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thì thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn”.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 của Bộ KH&CN về hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp sửa đổi Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC. Theo đó, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 và Điều 17 của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC và bổ sung các hướng dẫn về nội dung chi được quy định tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN); Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về doanh nghiệp KH&CN. Cụ thể như sau:
Đối với nội dung chi cho nhiệm vụ KH&CN do doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp: Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN quy định Quỹ bố trí vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh do doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp thực hiện trên cơ sở hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được ký kết và trên cơ sở thuyết minh nhiệm vụ đã được phê duyệt theo quy định pháp luật về KH&CN.
Đối với nội dung chi hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp: Điều 4 Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN quy định chi tiết 09 nội dung chi, trong đó các nội dung chi của Quỹ được cụ thể hóa hơn so với Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC. Đặc biệt là quy định nội dung chi mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp; bổ sung nội dung chi mua nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; bổ sung thêm nội dung chi tài trợ, hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đến năm 2025”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định.
Đối với nội dung chi thực hiện hoạt động CGCN: Điều 5 Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN đã quy định chi tiết 5 nội dung chi mới, cụ thể hóa Nghị quyết số 43/2022/QH15 và bổ sung nội dung chi theo Điều 28 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP bằng nguồn chi của Quỹ.
Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN cũng đã bãi bỏ các thủ tục thành lập Hội đồng KH&CN của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp tự quyết định về loại hình, tiêu chuẩn, số lượng thành viên hội đồng để tư vấn cho Quỹ trong hoạt động quản lý, sử dụng Quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã rất chủ động và linh hoạt trong lựa chọn chuyên gia, quy định số lượng chuyên gia trong từng hội đồng khoa học, thậm chí có doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các hội đồng KH&CN của địa phương để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý khi sử dụng Quỹ.
Như vậy, đối với những vướng mắc về nội dung chi, thủ tục trích lập Quỹ, quản lý và sử dụng Quỹ, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN và Thông tư số 67/2022/TT-BTC ngày 07/11/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (Thông tư số 67/2022/TT-BTC) thay thế Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC về cơ bản đã tháo gỡ các vướng mắc chính trước đây của các doanh nghiệp trong việc sử dụng Quỹ cho các khoản chi tiêu lớn như chi tiêu để đổi mới, chuyển giao công nghệ hay mua sắm nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, đồng thời cũng tăng sự chủ động, tự chủ của các doanh nghiệp trong việc quyết định sử dụng Quỹ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN cũng quy định cụ thể hơn về thủ tục yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển KH&CN của quốc gia, của bộ, ngành và địa phương cho hoạt động nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp.
Nhiều chuyển biến tích cực khi các Bộ ngành, địa phương tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ
Đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách quy định tại Nghị quyết số 43, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định khẳng định: Ngày 25/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Quyết định số 118/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Để triển khai Chương trình, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BKHCN ngày 18/06/2021 về việc hướng dẫn việc quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.
Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 26/01/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 1851). Một trong những nội dung được phân công trong Đề án là giao Bộ KH&CN xây dựng, ban hành, triển khai Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở đó, ngày 17/02/2023, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 168/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030”.
Nhiều hoạt động hỗ trợ cho việc nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ được triển khai rộng khắp ở các địa phương và doanh nghiêp (ảnh minh họa: Internet).
Thông qua thực hiện Đề án 1851, nhiều Bộ ngành, địa phương đã tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ có những chuyển biến tích cực. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, dây chuyền, thiết bị, quy trình công nghệ mới đã được nhập khẩu từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Italia, Mỹ… chuyển giao về Việt Nam để ứng dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua các dự án hợp tác chuyển giao, thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, môi trường…
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN còn tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, xây dựng và cập nhật bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ để định hướng nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ trong các ngành lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
Tại các địa phương, các kế hoạch hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ và sản phẩm đã được triển khai thực hiện nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn từ khi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có hiệu lực từ 01/7/2018 đến hết năm 2022, cả nước có 479 hợp đồng chuyển giao công nghệ nghệ (bao gồm cả hợp đồng được gia hạn, sửa đổi, bổ sung), với giá trị các hợp đồng khoảng trên 97 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 402 hợp đồng chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (chiếm 83,92% số lượng hợp đồng), với giá trị khoảng trên 90 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 92,11% giá trị các hợp đồng). Các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, ô tô, xe máy (bao gồm sản xuất linh kiện, phụ tùng), dược phẩm, thiết bị y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, đồ uống, sinh học, chăn nuôi, khai chế biến khoảng sản, xây dựng.
Các doanh nghiệp đều chú trọng tới việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ
Đề cập về kết quả thực hiện các chính sách về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, điển hình như: Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (toàn bộ hoặc một phần) được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn trừ trưởng hợp thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia; Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030; Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiêp đổi mới sáng tạo quốc gia; Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước...
Bộ KH&CN đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh” trong đó, chú trọng chính sách chấp nhận rủi do trong hoạt động KH&CN; khuyến khích hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; xây dựng hành lang pháp lý mở về thí điểm về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đối với tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Tính đến tháng 31/12/2022, 712 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, tăng 76 doanh nghiệp so với cùng thời điểm năm 2021.
Về lĩnh vực công nghệ: Doanh nghiệp KHCN được cấp giấy chứng nhận có kết quả KH&CN thuộc hầu hết các lĩnh vực công nghệ được khuyến khích phát triển, trong đó chủ yếu: công nghệ sinh học (39,9%), công nghệ tự động hóa (25,5%), công nghệ thông tin (17%), vật liệu mới (10%).
Về cơ cấu vốn chủ sở hữu: Doanh nghiệp KHCN chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân (97,7% doanh nghiệp không có vốn nhà nước). Doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm khoảng 2,3% tổng số doanh nghiệp KHCN được cấp Giấy chứng nhận (chủ yếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực giống, y dược và bảo vệ môi trường).
Phân bố theo địa phương: Những địa phương có số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN vẫn là những địa phương phát huy thế mạnh của các trung tâm kinh tế - xã hội - khoa học công nghệ như: Hà Nội (135); Hồ Chí Minh (117); Thanh Hoá (32); Quảng Ninh (24); Hải Phòng (23); Đà Nẵng, Long An (20). Những địa phương không có doanh nghiệp KHCN hoạt động: Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định khẳng định, các doanh nghiệp KHCN đều chú trọng tới việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong tổng số 712 doanh nghiệp KHCN được cấp giấy chứng nhận có khoảng 7% doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận từ kết quả KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; hơn 90% doanh nghiệp còn lại tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KH&CN bằng toàn bộ nguồn vốn của chính doanh nghiệp./.