BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHÍ LÀM CĂN CỨ ĐỂ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XEM XÉT TIẾN HÀNH PHIÊN GIẢI TRÌNH

08/03/2024

Vừa qua, Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được hoàn thiện và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Quan tâm tới nội dung này, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, cần bổ sung quy định về những yếu tố, tiêu chí làm căn cứ để các Ban của Hội đồng nhân dân xem xét tiến hành phiên giải trình…

GÓC NHÌN: CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

GÓC NHÌN: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của BCH Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội”. Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Vừa qua, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo,Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật, Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã được hoàn thiện và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội (từ ngày 01/12/2023), gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo dự kiến, Hồ sơ lập đề nghị sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện, gửi lấy ý kiến Chính phủ sẽ được thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3/2024.

Chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể, thống nhất thực hiện phiên giải trình tại các Ban của Hội đồng nhân dân

Một trong năm nội dung trọng tâm được sửa đổi, bổ sung lần này là hoàn thiện các quy định của Luật về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quan tâm tới quy định về hoạt động giải trình tại các Ban của Hội đồng nhân dân, TS. Nguyễn Đình Quyền cho biết, công khai, minh bạc trong báo cáo của Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan hữu quan khác luôn luôn gắn liền với giải trình và trách nhiệm giải trình.

Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành thì “giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát”. Theo Luật Phòng chống tham nhũng thì “trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”. Như vậy, giải trình luôn gắn liền với việc minh bạch, công khai đối với tất cả vấn đề được coi là sự thật liên quan đến những quyết định, hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Tổ chức Phiên giải trình là một trong những hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân (Ảnh minh họa)

Để tổ chức phiên giải trình, công tác chuẩn bị đóng vai trò quyết định hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế trong một số phiên giải trình còn thiếu những thông tin, tư liệu, con số cần thiết mang tính phản biện, làm căn cứ cho đánh giá, thiếu sự tham dự của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn hoặc đối tượng chịu sự tác động của các chính sách, pháp luật đã dẫn tới không có đủ điều kiện, cơ sở vững chắc, khách quan mang tính thuyết phục trong việc xem xét trách nhiệm, đánh giá năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Một số phiên giải trình chủ yếu còn mang tính chất nghe báo cáo để thu thập thông tin, tài liệu. Việc phản biện, phân tích, đánh giá chưa sâu, chưa đưa ra được nhiều câu hỏi có tính phản biện cao ... Thành phần mời tham gia giải trình còn hẹp, chưa đa dạng, toàn diện, chủ yếu là các cơ quan nhà nước…

Trong một số trường hợp, việc chọn chủ đề giải trình cũng chưa “đắt”, “sắc”, chưa phản ánh đúng những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc, khách sống đang đặt ra cần phải khẩn trương giải quyết mà còn phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ quan của cơ quan, người tiến hành giải trình; chưa bao quát được vấn đề trình một cách toàn diện, khái quát ở tầm vĩ mô, tầm kiểm soát quyền lực, ban hành chính sách, pháp luật.

Cũng theo nhận định và phân tích của TS. Nguyễn Đình Quyền, các quy định của pháp luật về giải trình mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, thiếu các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành, nguyên tắc làm việc, mục đích, yêu cầu, nội dung, kế hoạch và công tác chuẩn bị cho phiên giải trình.

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Do đó, trên thực tế cách thức tiến hành phiên giải trình của các Ban của Hội đồng nhân dân đều do các cơ quan này tự thiết kế, thực hiện, nên không thông nhất. Công tác chuẩn bị giải trình, thông báo về mục đích, yêu cầu, cách thức thực hiện, thời gian, địa điểm, nội dung giải trình, yêu cầu đối với chủ thể chịu trách nhiệm giải trình ở mỗi địa phương thực hiện cũng khác nhau. Có nơi bố trí truyền hình trực tiếp phiên giải trình, nơi khác thì không bố trí; có Ban yêu cầu cơ quan giải trình chuẩn bị báo cáo và trình bày tại phiên giải trình, nhưng cũng có Ban tiến hành ngay vào việc hỏi đáp, đối thoại, thảo luận, tranh luận... Đây là những vấn đề do chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể, thống nhất thực hiện.

Việc phối kết hợp giữa hoạt động giải trình của các Ban với các hình thức giám sát khác như: thẩm tra, giám sát chuyển đề; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dẫn... chưa thường xuyên, chặt chẽ, nên chưa phát huy hiệu quả của mỗi hình thức giám sát.

Một số hạn chế được TS. Nguyễn Đình Quyền chỉ ra như: Hoạt động giải trình hiện nay thường thiên về việc thu thập thông tin, chưa chú trọng đúng mức đến việc làm rõ trách nhiệm, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, người có chức vụ quyền hạn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Ngoài ra, một số phiên giải trình lựa chọn vấn đề có nội dung quá rộng, trong khi thời gian tiến hành lại chỉ có hạn nên không có điều kiện để làm rõ và đi đến cùng những vấn đề đặt ra, giải quyết, khắc phục những bức xúc phát sinh. Điều đáng lưu ý là, sau phiên giải trình, một số Ban còn thiếu sự theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện kết luận tại phiên giải trình, làm giảm hiệu lực, hiệu quả. Mặt khác, hoạt động giải trình cũng chưa huy động được báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin,

Bổ sung quy định về căn cứ tiến hành giải trình

Nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hơn nữa hiệu quả hình thức giám sát này, TS. Nguyễn Đình Quyền cho rằng, để giải trình phải xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi khách quan đặt ra trong đích việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc và Hội đồng nhân dân cần nghiên cứu bổ sung quy định về những yếu tố, tiêu chí mà khi hội đủ thì các Ban của Hội đồng nhân dân cần xem xét để tiến hành các phiên giải trình làm rõ trách nhiệm. Việc bổ sung này sẽ góp phần bảo đảm tính khách quan, thống nhất, tránh tùy tiện, chủ quan, duy ý chí hoặc thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đồng thời cũng bỏa đảm tính công khai, minh bạch, có căn cứ trong việc tiến hành.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của giải trình. Theo đó, cần tiếp cận, thu thập, yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết cho việc tiến hành phiên giải trình. Thông tin đó có thể thu thập từ các báo cáo kết quả công tác của các cơ quan hữu quan ở địa phương, các cuộc tiếp xúc cử tri, qua hoạt động khảo sát thực tiễn, giám sát chuyên đề, chất vấn, hội thảo khoa học, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, qua việc tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, qua hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, qua phản ánh của báo chí... Trên cơ sở đó, tổ chức nghiên cứu, phân tích, phản biện, tổng hợp các cơ sở dữ liệu, luận chứng, chuẩn bị các nội dung, câu hỏi phản biện, đối thoại, tranh luận phục vụ cho phiên giải trình

Việc tiến hành giải trình có thể thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất trên cơ sở yêu cầu khách quan, cấp thiết mà nhiệm vụ đặt ra. Mỗi cuộc giải trình phải làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, tính chất và đối tượng giải trình, bảo đảm tính chủ động, tổ chức bài bản, công khai, minh bạch, khách quan...

Phiên giải trình tại Hội đồng nhân dân (Ảnh minh họa)

Quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong hoạt động giải trình

Đồng thời, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, phạm vi, những nội dung cơ bản, cách thức tiến hành, trách nhiệm của các bên và hậu quả pháp lý của hoạt động giải trình. Kế hoạch tổ chức, chủ đề, nội dung, thời gian, địa điểm, phạm vi vấn đề phải giải trình cần được gửi trước cho người có trách nhiệm giải trình trong thời hạn luật định; câu hỏi yêu cầu giải trình có thể được bổ sung trong quá trình tiến hành giải trình hoặc trong đối thoại, tranh luận tại phiên giải trình. Trong trường hợp cần thiết thì các nội dung này có thể được đăng tải công khai trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng khác hoặc phiên giải trình có thể được tiến hành họp kín trong trường hợp có những vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước...

Để bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, đúng đắn trong hoạt động giải trình thì cần quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong hoạt động giải trình. Theo đó, các báo cáo, thông tin mà các cơ quan có trách nhiệm giải trình cung cấp phải kịp thời, chính xác, trung thực, đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của các Ban tiến hành giải trình, phải chịu trách nhiệm về những thông tin, báo cáo đó; trong trường hợp liên quan đến những hạn chế, thiếu sót, yếu kém, vi phạm thì cần phân tích làm rõ trách nhiệm, mức độ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp để khắc phục.

TS. Nguyễn Đình Quyền cũng lưu ý, việc lựa chọn chủ đề, vấn đề giải trình cần phải được chuẩn bị kỹ, sát với đích, yêu cầu đặt ra trong hoạt động giám sát. Cần xác định trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực thật sự bức xúc, cấp thiết phải giải quyết, đang đặt ra, tránh ôm đồm, dàn trải và hình thức. Trong phiên giải trình cần tăng cường đối thoại, phản biện, tranh luận, trao đi đổi lại mang tính hợp tác để làm rõ những vấn đề mà các Ban của Hội đồng nhân dân quan tâm, rõ sự thật khách quan, rõ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm và hướng tới việc đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót, yếu kém, vi phạm…./.

Lê Anh

Các bài viết khác