LẤY Ý KIẾN VỀ HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

29/02/2024

Sáng 29/02, tại Hòa Bình, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chủ trì Hội thảo.

HỘI THẢO THAM VẤN Ý KIẾN HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật và Phó Chủ tịch Hội Đồng Dân tộc - Phó Trưởng Ban Thường trực ban Chỉ đạo Cao Thị Xuân đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, một số thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập tại khu vực phía Bắc, các chuyên gia Thường trực, nguyên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia của các cơ sở nghiên cứu và cơ sờ đào tạo, các phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội các tỉnh phía Bắc và thành phố Hà Nội, đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thời gian qua, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự, thủ tục và góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân”; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn khác đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa, lan tỏa sự đổi mới trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ Quốc hội tới Hội đồng nhân dân các cấp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo

Ở địa phương, trong bối cảnh ngày càng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thông qua hoạt động giám sát với các kiến nghị, kết luận thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác giám sát cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay, cụ thể đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật, Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã được hoàn thiện và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội (từ ngày 01/12/2023), gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, đã có 11/13 cơ quan của Quốc hội, 23/24 Bộ, ngành, 61/63 Đoàn Đại biểu Quốc hội và 58/63 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có ý kiến góp ý đối với hồ sơ lập đề nghị. Các ý kiến của các cơ quan hữu quan đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ và Hồ sơ lập đề nghị sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện, hiện đang được gửi lấy ý kiến Chính phủ (từ ngày 31/01/2024) trước khi gửi thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3/2024.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng cho biết, Hội thảo này là hội thảo thứ ba trong chuỗi các hoạt động của quy trình lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật. Đây là các diễn đàn rất quan trọng để Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập dự án Luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật. Vì vậy, nội dung Hội thảo này sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của các các cơ quan dân cử tại địa phương trong Luật hoạt động giám sát, như: chương trình giám sát, xem xét báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục cập nhật thông tin Hội thảo…

Ngọc Thúy - Nghĩa Đức