CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CUỐI CÙNG LÀ NGƯỜI DÂN ĐƯỢC THỤ HƯỞNG TỐI ĐA LỢI ÍCH TỪ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐẤT NƯỚC
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski
Cùng dự có Ủy viên Thường trực của Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Triệu Văn Bình, đại diện Vụ đối ngoại, Vụ Lễ tân thuộc Văn phòng Quốc hội.
Vui mừng khi được đón tiếp Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm giới thiệu đôi nét về Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Dân tộc. Theo đó, Quốc hội Việt Nam có 499 đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Hội đồng Dân tộc nhiệm kỳ khóa XV gồm 45 thành viên, trong đó có 06 đại biểu dân tộc đa số và 39 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong 45 thành viên, có 11 thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách và 34 thành viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm tại địa phương.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ của Quốc hộ Việt Nam là thúc đẩy và phát triển quan hệ với đối tác các nước, các Nghị viện trên thế giới, thông qua cầu nối hữu nghị là các Đại sứ để chia sẻ, lắng nghe các kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy quan hệ các dân tộc phát triển, hỗ trợ khó khăn để người dân có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Toàn cảnh cuộc tiếp
Nêu rõ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Việt Nam là hai cơ quan được Nhà nước giao phụ trách công tác dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, hai cơ quan thường xuyên trao đổi với nhau để đánh giá việc thực hiện chính sách, sửa đổi chính sách, hỗ trợ và phát triển đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây cũng là cách để chia sẻ thông tin, sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn nữa về những hoạt động của Hội đồng Dân tộc nói chung và những đặc điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng.
Cho biết Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa dạng bản sắc văn hóa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, chủ trương và định hướng của Việt Nam là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các dân tộc thể hiện sự tôn trọng văn hóa và kết nối với nhau để cùng xây dựng tập thể đoàn kết, chung sức chung lòng. Mặc dù nhiều dân tộc trên cả nước còn gặp khó khăn đặc thù về số lượng, dân số, nhận thức, trình độ phát triển nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chủ trương và quyết sách rất lớn, và hiện nay đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cho cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là các cộng đồng rất ít người sinh sống ở những vùng khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm
Nhấn mạnh Việt Nam là điểm sáng trên thế giới về thành tích giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, những thành tích đó vẫn chưa thể cân bằng hết các khó khăn mang tính chất tự nhiên, nơi mà các đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Đặc điểm đó có một số nét giống với Australia. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm tin tưởng rằng, với sự chia sẻ thẳng thắn, hai bên có thể học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau các nội dung rất hữu ích để có cách làm hiệu quả.
Từ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đặc biệt là nhiệm vụ chủ trì thẩm tra, giúp Quốc hội trong việc xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm mong muốn Australia nói chung và Ngài Đại sứ nói riêng hỗ trợ các hoạt động sau:
Thứ nhất, hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Dân tộc nghiên cứu chuyên đề về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất có tính bao trùm, thúc đẩy bình đẳng giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, tập huấn, nâng cao năng lực cho các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về kiến thức và kỹ năng trong xây dựng, phân tích, phản biện, giám sát, đánh giá về các chính sách nói chung và hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi dựa trên nguyên tắc thị trường, có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và thúc đẩy bình đẳng giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách liên quan.
Thứ ba, hỗ trợ chuyên gia và kỹ thuật thực hiện nghiên cứu, đánh giá Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở, tiền đề cho việc thẩm tra, xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Qua buổi làm việc này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm mong muốn Đại sứ cùng các thành viên quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ Hội đồng Dân tộc trong việc hoạch định chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski
Cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tại Nhà Quốc hội, Ngài Andrew Goledzinowski - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho biết, mặc dù sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng Australia cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề về dân tộc thiểu số. Là một quốc gia mà các dân tộc khác di cư đến và sinh sống, 1/3 dân số Australia không sinh ra ở Australia. Đại sứ Andrew Goledzinowski bày tỏ vui mừng khi nhóm dân tộc di cư và đến sinh sống ở Australia rất thành công, bao gồm cả người Việt Nam.
Chia sẻ thẳng thắn với Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đại sứ Andrew Goledzinowski cho biết, một trong những lĩnh vực ở Australia chưa thành công là chính sách cho những người bản địa ở nước này, người bản địa ở Australia có mức độ phát triển kém hơn so với những người không phải bản địa; chưa thành công trong việc giải quyết các khó khăn liên quan đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của những người bản địa. Đây là vấn đề không mới của Australia.
Trong khi đó, Đại sứ Andrew Goledzinowski nhận thấy, Việt Nam tương đối thành công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, Đại sứ Andrew Goledzinowski mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
Đánh giá cao Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (Dự án GREAT) trong giai đoạn 1 (2017-2022) do Australia hỗ trợ Việt Nam thực hiện rất thành công, nhiều hoạt động đa dạng được triển khai, tuy nhiên Đại sứ Andrew Goledzinowski nhận thấy, giai đoạn 2 (2022-2025) của Dự án này vẫn chưa được triển khai do quá trình phê duyệt từ phía Việt Nam còn khá chậm. Do đó, đề nghị Quốc hội và Chính phủ Việt Nam sớm thúc đẩy quá trình phê duyệt Dự án này trong thời gian sớm nhất để đảm bảo việc thực hiện Dự án được hiệu quả và khả thi. “Nếu Dự án được phê duyệt thì quá trình hỗ trợ của Australia cho hai giai đoạn lên tới 64,7 triệu USD. Đây là kết quả rất đáng mong đợi”, Đại sứ Andrew Goledzinowski chia sẻ thêm.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc tiếp:
Toàn cảnh cuộc tiếp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Dân tộc nghiên cứu chuyên đề về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất có tính bao trùm, thúc đẩy bình đẳng giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Các đại biểu tham dự cuộc tiếp
Đại sứ Andrew Goledzinowski nhận thấy, Việt Nam tương đối thành công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, Đại sứ Andrew Goledzinowski mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
Các đại biểu tham dự cuộc tiếp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm./.