ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÀO CAI TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN BẮC HÀ SAU KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV
Đồng chí Lê Quang Huy, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng Đoàn công tác. Tham gia Đoàn có các đồng chí Phó Chủ nhiệm, ủy viên thường trực, ủy viên Ủy ban; đại diện lãnh đạo các vụ, cục liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Văn phòng Quốc hội, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; một số chuyên gia về địa chất, khoáng sản.
Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Quốc Khánh, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và các phòng, ban chuyên môn.
Quang cảnh buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; dự kiến Thường trực Ủy ban sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2024 và kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2024. Thường trực Ủy ban đã xây dựng kế hoạch làm việc, khảo sát thực tế tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Lào Cai. Lào Cai có hàng chục loại khoáng sản khác nhau, trong đó có những khoáng sản quý như apatit, đồng, sắt… Có những loại khoáng sản của tỉnh Lào Cai được đưa ngay vào Nghị quyết của Bộ Chính trị với trữ lượng dồi dào; một số mỏ có trữ lượng lớn để khai thác, dễ vận chuyển, đang có thị trường quốc tế, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến các loại khoáng sản ở địa phương.
Đồng chí Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh cần hết sức lưu ý đến tính đồng bộ, thống nhất trong thực hiện quy định pháp luật về địa chất, khoáng sản.
Để buổi làm việc đạt hiệu quả cao, đồng chí Chủ nhiệm, Trưởng Đoàn công tác đề nghị các đại biểu quan tâm đến việc công tác thể chế hoá các chính sách của của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thảo luận, trao đổi thêm khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ về chính sách; vướng mắc trong thực tiễn, làm rõ trách nhiệm thuộc trách nhiệm quản ký của cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan và đề xuất các phương án, giải pháp tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật đảm bảo tính hiệu quả, khả thi. Trên cơ sở kết quả buổi làm việc với tỉnh và chuyến khảo sát thực địa, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội theo quy định.
Theo báo cáo thực hiện quy định pháp luật về địa chất, khoáng sản, tỉnh Lào Cai đã lập và phê duyệt Quy hoạch quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản tỉnh Lào Cai giai đoạn 2007 - 2015, xét đến năm 2020; ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; thông tin, số liệu Quy hoạch các điểm mỏ thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Triển khai thực hiện công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng, vật liệu xây dựng thông thường; rà soát, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền (53 khu vực mỏ và điểm mỏ với tổng diện tích 383,103 ha/năm 2023); rà soát, cập nhật, điều chỉnh khu vực khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định, phù hợp với thực tế.
Về việc lập Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hàng năm; từ năm 2013 - 2023, UBND tỉnh Lào Cai ban hành 10 Quyết định với tổng số 50 khu vực. Đã thực hiện đấu giá 32 khu vực (gồm 37 điểm mỏ), số tiền thu từ trúng đấu giá trước khi cấp giấy phép khai thác khoảng 27 tỷ đồng. UBND tỉnh Lào Cai cấp phép chủ yếu đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, mỏ khoáng sản có quy mô phân tán, nhỏ lẻ; từ năm 2012 - 2023 đã thực hiện cấp 216 giấy phép hoạt động khoáng sản (144 giấy phép khai thác và 72 giấy phép thăm dò).
Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, chú trọng, tăng cường. Từ năm 2021 - 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 41 cuộc kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; các cấp, ngành quyết định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với 53 tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 08 tỷ đồng. Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản và về khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường được tăng cường. Tỉnh Lào Cai đã giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành và Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên nếu để tình trạng khai thác trái phép xảy ra trên địa bàn quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động điều tra địa chất đối với một số khoáng sản như: Đồng, chì, kẽm, sắt, vàng…
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai báo cáo công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản và tham gia ý kiến đối với dự thảo lần 3 Luật Địa chất và Khoáng sản.
Thu ngân sách nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 - 2023 đạt gần 11.700 tỷ đồng. Năm 2023, các đơn vị hoạt động khoáng sản có khoảng 4.606 lao động với tổng thu nhập bình quân 09 - 17 triệu đồng/người/tháng. Các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản được bồi thường tài sản, cây cối, vật nuôi, hoa màu; hỗ trợ tạo việc làm, di chuyển, bố trí tái định cư theo quy định. Các doanh nghiệp cũng đã tham gia đóng góp, ủng hộ công tác xây dựng nông thôn mới, đường nội bộ mỏ kết nối với đường giao thông chính, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn tại địa phương; thực hiện đóng góp kinh phí để xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định gần 1.144 tỷ đồng/năm 2015 - 2023.
Trước khó khăn chung của cả nước, tình hình khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai của các đơn vị không đạt so với kế hoạch đề ra. Một số đơn vị khai thác quặng sắt, graphit, cát, sỏi, đá làm vật liệu xây dựng thông thường phải tạm dừng hoạt động; các đơn vị khai thác có trữ lượng và quy mô lớn như đồng, apatit sụt giảm sản lượng… đã ảnh hưởng không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp, việc thực hiện thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng giảm mạnh. Công tác quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa đồng bộ với các quy hoạch khác. Công tác quản lý, kiểm soát sản lượng khai thác gặp nhiều khó khăn; chưa có hướng dẫn qua hình thức trạm cân, camera giám sát… Các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu năng lực về vốn, kinh nghiệm hoạt động, thị trường tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả sản xuất không cao. Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và thu hồi đất đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Trong việc thực thi pháp luật về địa chất, khoáng sản, tỉnh Lào Cai còn gặp một số khó khăn như: Chưa tiếp cận được các tài liệu kèm theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; không quy hoạch cụ thể các nhà máy chế biến quặng apatit tại Quy hoạch số 866; chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, khai thác, sử dụng đối với quặng tại các khối tài nguyên và quặng apatit loại IV nằm trong ranh giới được cấp phép; chưa có biện pháp thực tế về theo dõi, quản lý thu, nợ thuế, phí trong hoạt động khoáng sản; phát sinh thủ tục hành chính trong cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông…
Thảo luận tại buổi làm việc, thành viên Đoàn công tác trao đổi tập trung các nội dung về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; đề nghị tỉnh Lào Cai đánh giá thêm tính đầy đủ, kịp thời các chính sách về địa chất, khoáng sản của Trung ương; tính hiệu quả trong thực hiện các quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý; làm rõ nội dung quy định khoản thu đóng góp từ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác bảo vệ môi trường; thời gian cấp giấy phép khai thác khoáng sản; giao đất cho các đơn vị khai thác khoáng sản; kê khai sản lượng khai thác; thu thuế từ hoạt động khai khoáng; việc chồng lấn các quy hoạch, làm rõ nguyên nhân để điều chỉnh một số quy định tại Quy hoạch khoáng sản đảm bảo phù hợp với thực tế; vai trò của UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương; phân cấp quản lý, cấp phép khoáng sản đến cấp huyện, cấp xã; quy định về trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên tại địa phương; vướng mắc về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; việc chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản; đánh giá thêm về hiệu quả kinh tế mà hoạt động khoáng sản mang lại; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản; khó khăn, bất cập trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xây dựng đề án đóng cửa mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; quan điểm về khai thác, dự trữ khoáng sản; phát triển công nghiệp khai khoáng…
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Lào Cai thông tin thêm một số nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trênđịa bàn tỉnh.
Đồng thời đề nghị tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh việc khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên trên địa bàn; củng cố nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản, tài nguyên tại địa phương; cần nhận diện, phân loại từng mỏ khoáng sản để có các biện pháp, phương án cụ thể, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác khoáng sản; xây dựng các chính sách khuyến khích, phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản…
Đối với dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, thành viên Đoàn công tác đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của tỉnh Lào Cai trong việc đóng góp, tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật lần 2, lần 3; nhiều nội dung góp ý của địa phương đã được cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh trong dự thảo Luật.
Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Trước ý kiến của đồng chí Trưởng Đoàn và các thành viên Đoàn công tác, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết việc triển khai thực hiện pháp luật về địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định; trong đó có một số quy định tại Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch về đất đai, nước, khoáng sản, rừng còn chồng lấn, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến quy trình, tiến độ phê duyệt, cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Đoàn công tác nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về địa chất, khoáng sản cho phù hợp với thực tế. Đồng thời trả lời làm rõ một số nội dung thành viên Đoàn công tác đề cập tại buổi làm việc liên quan đến quy chế phối hợp; ban hành quy định về khoản thu từ khai thác khoáng sản; phân cấp công tác quản lý khoáng sản tại địa phương; các chính sách khuyến khích thu hút nhà đầu tư; đóng cửa mỏ, bãi thải mỏ, khai thác khoáng sản trái phép; việc dự trữ, khai thác, chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh… Lào Cai trân trọng cảm ơn Đoàn công tác đã giúp tỉnh nhìn nhận thêm các nội dung, vấn đề liên quan đến chiến lược, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; phát huy nguồn lực khoáng sản tại địa phương…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao UBND tỉnh Lào Cai đã tích cực chuẩn bị các nội dung báo cáo, đặc biệt đề cập thẳng thắn các vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý khoáng sản tại địa phương. Ghi nhận công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai nhiều nội dung được giao trong Luật Khoáng sản năm 2010. Đoàn công tác cũng cơ bản thống nhất với báo cáo của tỉnh Lào Cai về những tồn tại, hạn chế và có một số lưu ý về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đảm bảo an toàn hồ chứa thải các nhà máy tuyển quặng, khắc phục tình trạng sạt trượt mỏ khai thác khoáng sản. Công tác quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, kể cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa được đồng bộ với các quy hoạch khác. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án còn gặp khó khăn; một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong nghĩa vụ tài chính…
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Đoàn công tác kết luận buổi làm việc.
* Thực hiện nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì, thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Đoàn công tác đã được trực tiếp lắng nghe những nội dung, đề xuất, kiến nghị cụ thể của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, doanh nghiệp Lào Cai liên quan đến tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tồn tại trong thực thi pháp luật về khoáng sản. Đây là những thông tin hữu ích phục vụ cho công tác thẩm tra dự án Luật trước Quốc hội. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới. Đề nghị các bộ, ngành tham gia Đoàn Công tác giải quyết các nội dung vướng mắc, khó khăn của địa phương. Tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các kế hoạch, đề án, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản; sớm rà soát, hoàn thiện, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; khắc phục tình trạng chồng lấn với các quy hoạch khác; tăng cường biện pháp kiểm soát, quản lý sản lượng khai thác khoáng sản, tránh thất thu thuế, thực hiện tốt các quy định thu ngân sách liên quan đến hoạt động khoáng sản; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khoáng sản trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả kinh tế, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, chế biến khoáng sản theo quy định pháp luật...
Trước đó, trong ngày 26/02/2024, Đoàn công tác đã đi khảo sát, làm việc về tình hình thực hiện quy định pháp luật về địa chất, khoáng sản tại các dự án thuộc khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền, mỏ Vi Kẽm tại xã Bản Vược, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát thuộc Tổng công ty Khoáng sản TKV và Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai (ảnh dưới):