CẦN CÓ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM

26/02/2024

Quan tâm tới các vấn đề kinh tế -xã hội đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần có giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền của người cao tuổi ở Việt Nam.

BỔ SUNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI: CẦN NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI LUẬT NGƯỜI CAO TUỔI

Cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, cần phải điều chỉnh lại Luật Người cao tuổi. Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Người cao tuổi sau khi sửa đổi cần điều chỉnh nhiều vấn đề khác về người cao tuổi, còn nội dung trợ cấp với người cao tuổi sẽ trở thành một cấu phần trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Do đó, phải nghiên cứu kỹ các điều khoản cần sửa đổi để tương thích giữa hai luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội lưu ý, trợ cấp hưu trí xã hội là từ nguồn thuế chứ không phải theo nguyên tắc đóng – hưởng, không thể quay lại tư duy trợ cấp đóng – hưởng… Vấn đề này liên quan đến quá trình thực hiện nghị quyết của Trung ương, pháp luật phải có điều chỉnh. Về chính sách không có gì phải bàn. Trước mắt, tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là 75 tuổi, tương lai sẽ phải hạ dần xuống bằng với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và mức tiền hưởng sẽ tăng dần lên, phù hợp với khả năng của ngân sách.

Quan tâm đến vấn đề hoàn thiện pháp luật về người cao tuổi, PGS.TS Ngô Thị Hường, Trường Đại học Luật Hà Nội, Việt Nam là quốc gia luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền của người cao tuổi nói riêng. Quyền của người cao tuổi đã được ghi nhận trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Các quyền đó được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Người cao tuổi năm 2009, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (sẽ được thay thế bởi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 từ ngày 01/7/2023), Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Khám chữa bệnh năm 2009 (sẽ được thay thế bởi Luật Khám chữa bệnh năm 2023 từ ngày 01/01/2024), Luật Dược năm 2016, Luật Việc làm năm 2013... Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã tạo ra khung pháp lý bảo vệ người cao tuổi.

Cần hoàn thiện quy định về quyền của người cao tuổi theo hướng ghi nhận các nhóm quyền cụ thể

Qua nghiên cứu, PGS. TS Ngô Thị Hường đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền của người cao tuổi.

Một là, hoàn thiện Luật Người cao tuổi và các luật khác có liên quan. Để chăm sóc người cao tuổi toàn diện hơn, bảo vệ người cao tuổi tốt nhất, cần hoàn thiện quy định về quyền của người cao tuổi theo hướng ghi nhận các nhóm quyền cụ thể. Trên cơ sở các nhóm quyền đó, trong từng lĩnh vực, các luật liên quan có quy định tương thích.

Đồng thời, hoàn thiện quy định về phụng dưỡng người cao tuổi. Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009 cần sửa tên điều luật là “Người phụng dưỡng người cao tuổi” cho phù hợp với nội dung của các khoản trong điều luật. Hơn nữa, như đã phân tích tại các tiểu mục 2.1 và 2.4, Luật Người cao tuổi quy định người cao tuổi có một số quyền. Qua thực tế cho thấy nhiều trường hợp người cao tuổi bị con, cháu ngăn cản hoặc không tạo điều kiện, không hỗ trợ để họ thực hiện quyền. Trong khi đó Điều 10 không có quy định rõ ràng, cụ thể về nghĩa vụ và quyền của người phụng dưỡng người cao tuổi. Do vậy, cần bổ sung Điều 10b với tên là “Quyền và nghĩa vụ của người phụng dưỡng người cao tuổi”, trong đó quy định rõ nghĩa vụ của người phụng dưỡng người cao tuổi là phải tạo mọi điều kiện để người cao tuổi thực hiện các quyền được pháp luật quy định. Có như vậy mới bảo đảm các quyền của người cao tuổi được thực hiện.

Hoàn thiện quy định về uỷ nhiệm chăm sóc người cao tuổi. Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: Con, cháu và người thân thích khác của người cao tuổi có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi (khoản 2 Điều 10). Khi người có nghĩa vụ phụng dưỡng không có điều kiện trực tiếp chăm sóc người cao tuổi thì có thể uỷ nhiệm cho cá nhân hoặc tổ chức chăm sóc người cao tuổi và được người cao tuổi đồng ý (khoản 1 Điều 11). Quy định về uỷ nhiệm chăm sóc người cao tuổi là xuất phát từ thực tế của nhiều gia đình và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay khi dịch vụ chăm sóc gia đình ngày càng phát triển và được coi là một nghề, được đào tạo trong các trường chuyên nghiệp.

Luật Người cao tuổi cần bổ sung quyền yêu cầu thay đổi người được uỷ nhiệm chăm sóc

Đồng thời quy định việc uỷ nhiệm chăm sóc người cao tuổi phải có sự đồng ý của người cao tuổi là nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người cao tuổi. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi không còn minh mẫn thì việc đồng ý trong uỷ nhiệm chăm sóc khó có thể thực hiện được, nhất là người cao tuổi mất nhận thức hoàn toàn thì không thể thể hiện được ý chí. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho việc uỷ nhiệm chăm sóc người cao tuổi khi con, cháu, người thân thích khác không thể trực tiếp chăm sóc người cao tuổi, Luật Người cao tuổi cần quy định trong trường hợp người cao tuổi không có khả năng thể hiện ý chí của mình thì việc uỷ nhiệm chăm sóc không cần có sự đồng ý của họ. Đồng thời, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người cao tuổi thi Luật Người cao tuổi cần bổ sung quyền yêu cầu thay đổi người được uỷ nhiệm chăm sóc.

Hai là, hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Luật Người cao tuổi quy định người có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi có quyền uỷ nhiệm chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, khi con, cháu không đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc người cao tuổi thì thường thuê người giúp việc gia đình. Nhiều trường hợp, người giúp việc có hành vi ngược đãi, bạo hành người cao tuổi, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của người cao tuổi. Để có cơ sở pháp lí xử lý hành vi bạo lực của người giúp việc gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần mở rộng hành vi được coi là bạo lực gia đình, không chỉ giới hạn những hành vi bạo lực giữa các thành viên gia đình mà phải bao gồm cả hành vi bạo lực xảy ra trong gia đình. Như vậy mới có thể bảo vệ người cao tuổi một cách tốt nhất khi họ được chăm sóc bởi cá nhân được uỷ nhiệm.

Thứ ba, hoàn thiện Luật Bảo hiểm y tế Theo Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009 và Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì người cao tuổi thuộc hai đối tượng sau được cấp thẻ bảo hiểm y tế: Người cao tuổi đang hưởng lương hưu và người cao tuổi thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng. Như vậy, vẫn còn người cao tuổi không thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Do đó, muốn có thẻ bảo hiểm y tế thì họ phải tham gia bảo hiểm y tế và phải đóng tiền. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, trong số đó có khoảng hơn 6 triệu người đang được hưởng chế độ hưu trí, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và hưởng trợ cấp xã hội. Như vậy, còn khoảng hơn 5 triệu người cao tuổi không có thu nhập hàng tháng, nhiều người có cuộc sống khó khăn, sống phụ thuộc vào con, cháu.

Luật Bảo hiểm y tế cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí (do ngân sách nhà nước đóng) đến tất cả người cao tuổi mà không chỉ giới hạn đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.

Để bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi, Luật Bảo hiểm y tế cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí (do ngân sách nhà nước đóng) đến tất cả người cao tuổi mà không chỉ giới hạn đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định về chính sách trợ giúp xã hội Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có các mức trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp xã hội hằng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số. Người cao tuổi thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được trợ cấp xã hội hằng tháng và mức hưởng cụ thể theo từng nhóm với mức hệ số thứ nhất là 1,0 tương đương 360.000 đồng/tháng, mức thứ hai là 1,5 tương đương 540.000 đồng/tháng, mức thứ ba là 2,0 tương đương 720.000 đồng/tháng và mức thứ tư là 3,0 tương đương 1.080.000 đồng/tháng.

Có thể thấy, dù mức chuẩn trợ cấp xã hội đã tăng so với trước đây song vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thiết yếu của người cao tuổi. Do đó, cần phải tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên ít nhất bằng mức lương cơ sở. Hơn nữa, độ tuổi để được hưởng trợ cấp còn cao. Cụ thể, theo Nghị định số 20/2021/NĐCP, đối tượng được hưởng trợ cấp theo điểm b khoản 5 Điều 5 phải từ 75 tuổi đến 80 tuổi và theo điểm c khoản 5 Điều 5 phải đủ 80 tuổi trở lên. Có thể thấy quy định này chưa phù họp với thực tế.

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ mới đạt hơn 73 tuổi 22, nên có rất nhiều người không có cơ hội để được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Nên chăng cần điều chỉnh tuổi của đối tượng được hưởng trợ cấp theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5 xuống 65 tuổi và đối tượng được hưởng trợ cấp theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 5 xuống 70 tuổi để có thêm nhiều người cao tuổi được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, đối tượng người cao tuổi được trợ cấp xã hội còn hạn chế, cần mở rộng phạm vi để tăng cường an sinh xã hội đối với người cao tuổi.

Hồ Hương