HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC NĂM 2023 SÔI ĐỘNG TRÊN NHIỀU MẶT LĨNH VỰC CÔNG TÁC

10/02/2024

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khẩn trương, nỗ lực vượt mọi khó khăn, Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành có chất lượng nhiều nhiệm vụ công tác quan trọng, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động của Hội đồng Dân tộc sôi động trên nhiều mặt lĩnh vực công tác, từ công tác lập pháp, giám sát đến tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng.

DẤU ẤN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Bối cảnh thế giới hiện nay tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; suy giảm kinh tế, tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu và lạm phát, nợ công của các nước tăng cao, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... tiếp tục ảnh hưởng, tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta nói chung và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng.

Trong nước, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, tồn đọng, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm đang bộc lộ rõ hơn. Hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thấp so với yêu cầu; nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, hạn hán gây thiệt hại nặng nề ở các địa phương.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng; quyết sách phù hợp, có hiệu quả của Quốc hội, sự đồng hành với Chính phủ kịp thời có những biện pháp quan trọng phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có những chính sách quan trọng dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt sau giám sát tối cao 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, đóng góp tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Trong bối cảnh đó, năm 2023, Hội đồng Dân tộc đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khẩn trương, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành có chất lượng nhiều nhiệm vụ công tác quan trọng, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động của Hội đồng Dân tộc sôi động trên nhiều mặt lĩnh vực công tác, từ công tác lập pháp, giám sát đến tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng.

Điểm nổi bật đầu tiên phải kể đến Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành nhiệm vụ là cơ quan thường trực tham mưu tổ chức triển khai một trong hai Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023 về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào daan tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” (Giám sát 03 CTMTQG). Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ với 3 CTMTQG nên nội dung và phạm vi rộng giám sát rộng, khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều Ủy ban, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và địa phương.

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,29%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Tuy nhiên trước yêu cầu về đổi mới giám sát của Quốc hội, với vai trò là cơ quan thường trực Đoàn Giám sát, Hội đồng Dân tộc xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, điều kiện để các Tổ Công tác và Đoàn Giám sát làm việc với Chính phủ, với 11 Bộ, ngành và 15 địa phương theo kế hoạch; nhiều lần chỉ đạo, đôn đốc 63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo phục vụ giám sát; chuẩn bị nội dung, chương trình và điều kiện khác để phục vụ các cuộc họp của Đoàn Giám sát, các cuộc họp của UBTVQH có nội dung thảo luận, cho ý kiến về hồ sơ giám sát 03 CTMTQG.

Với tư cách là cơ quan chủ trì giám sát CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội đồng Dân tộc đã bám sát mục tiêu, nội dung trong Nghị quyết số 120/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư của Chương trình để xây dựng kế hoạch, nội dung và hoàn thiện báo cáo giám sát. Nhiều ý kiến, phát hiện của Hội đồng Dân tộc trong quá trình giám sát về những bất cập, vướng mắc của Chương trình đã được Chính phủ và và cơ quan được giao chủ trì Chương trình (Ủy ban Dân tộc) tiếp thu, sửa đổi, bổ sung ngay vào các văn bản quản lý, hướng dẫn.

Qua giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã cùng Chính phủ nhận diện, kiến nghị nhiều giải pháp hiệu quả để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó có việc xây dựng Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia mà Hội đồng Dân tộc đã chủ trì thực hiện thẩm tra để Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua.

Thứ hai, nhiệm vụ chủ trì lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được triển khai bài bản, đến nay đã hoàn thành phần lớn các bước trong quy trình lập đề nghị. Hội đồng Dân tộc được phân công là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật. Đây là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử, đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo, Tổ Biên tập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. 

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, mới, khó, lần đầu chủ trì thực hiện nhiệm vụ được giao, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã nghiêm túc, khẩn trương, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai những hoạt động và nội dung: (1) Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và phân công nhiệm vụ, xác định tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; (2) Ban Chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã ban hành Kế hoạch và Đề cương tổng kết 07 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân  và đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tổng kết thi hành Luật tại cơ quan, địa phương mình và gửi kết quả về Ban Chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; (3) Xây dựng đầy đủ các tài liệu thuộc hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; (4) Tổ chức 02 phiên họp Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập cho ý kiến về dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; (5) Tham vấn ý kiến của Ủy ban Pháp luật về dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và trình tự, thủ tục, thời gian xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và việc xây dựng dự án Luật; (6) Đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội để lấy ý kiến Nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân (ngày 01/12/2023); (7) Gửi hồ sơ đề nghị xây dựng Luật lấy ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (8) Tổ chức 01 Hội thảo tham vấn vào hồ sơ đề nghị xây dựng luật.

Thứ ba, Hồ sơ Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013” cũng đã được Thường trực Hội đồng Dân tộc tập trung xây dựng, hoàn thiện và báo cáo bước đầu Lãnh đạo Quốc hội.

Thứ tư, việc góp ý, phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc được đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng. Thường trực Hội đồng Dân tộc đã nghiên cứu đổi mới phương thức tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của các dự án luật, dự thảo nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng tham gia thẩm tra, bám sát thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều ý kiến góp ý của Hội đồng Dân tộc liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, đưa vào trong các quy định của luật.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, ĐBQH tỉnh Sơn La góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ năm, việc theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng; thường xuyên chăm lo, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiểu và chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc cũng được chú trọng, với những điểm nhấn trong quan hệ đối ngoại với Lào, Canada.

Bên cạnh đó, các đại biểu thành viên Hội đồng Dân tộc tại các địa phương vừa nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Hội đồng Dân tộc giao, vừa góp sức chung tay cùng với chính quyền các cấp trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị quan trọng tại địa phương.

Có thể nhận thấy, khối lượng công việc của Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc được giao trong năm 2023 là tương đối lớn. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo chương trình, kế hoạch từ trước với khối lượng lớn hơn nhiều so với năm 2022, Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc còn phải tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội.

Tuy nhiên, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của các năm trước, Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc và Vụ giúp việc đã tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực, chủ động thực hiện các công việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong từng bước triển khai, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, vào cuộc từ sớm, từ xa, quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào

Vì vậy, đến nay, hầu hết các nhiệm vụ, công việc được giao cho Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc, trong đó có nhiều nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi gấp về thời gian đều đã được triển khai và cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó nổi bật là: tham gia và tham mưu, phục vụ tốt các kỳ họp bất thường lần thứ 2, 3, 4 và Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nhiệm vụ được phân công, chuẩn bị phục vụ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; tham mưu đề xuất với Đoàn giám sát 03 Chương trình MTQG triển khai kế hoạch bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; nhiều ý kiến tham gia thẩm tra dự án luật được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu; ban hành kịp thời Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập việc lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và kế hoạch, đề cương báo cáo tổng kết thi hành luật; tham gia tích cực và đạt được một số kết quả nhất định trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Kết quả thực hiện được lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các Ủy ban, Bộ, ban ngành, địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Đạt được những kết quả nêu trên trước hết là do sự lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và chặt chẽ của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phụ trách trực tiếp Hội đồng, cùng cùng với đó là tinh thần làm việc tích cực, chủ động, hăng say, trách nhiệm của cả tập thể Hội đồng, Thường trực Hội đồng Dân tộc và bộ phận giúp việc. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc luôn đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, có sự kết nối, gắn bó, tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Hội đồng. Đồng thời, công tác phối hợp giữa Hội đồng với các cơ quan khác của Quốc hội, các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục được chú trọng và tăng cường, qua đó góp phần đáng kể hỗ trợ Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc hoàn thành tốt các công việc được giao./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác