ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC NHẬN VÀ XỬ LÝ ĐƠN THƯ, PHẢN ÁNH CỦA CÔNG DÂN

30/01/2024

Trong năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội; theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện việc giải quyết đơn thư của công dân và các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI THĂM VÀ CHÚC TẾT TẠI TỈNH BẮC GIANG

ĐẢNG ỦY - LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG QUỐC HỘI THĂM, CHÚC TẾT TRUNG ĐOÀN 101 TẠI BẮC GIANG

Đề cập về công tác xây dựng lập pháp, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn cho biết: Trong năm 2023, căn cứ vào chương trình xây dưng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội và sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 04 hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn, chuyên gia, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp và sở, ngành, đơn vị có liên quan vào các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 2, Kỳ họp thứ 5, thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn trong cuộc họp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tại các kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn đã tích cực tham gia thảo luận, tham luận tại tổ và tại các phiên họp toàn thể vào các dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội. Đã có 33 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 23 lượt ý kiến phát biểu tại phiên họp toàn thể và 02 lượt đại biểu tranh luận. Các ý kiến thảo luận, tham luận đều thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp vào nội dung các dự thảo luật, nghị quyết, tập trung vào các vấn đề như: Đề nghị bổ sung quy định ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng trụ sở làm việc và hạ tầng đối với Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; đề nghị quy định chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; đề nghị cho phép cá nhân người nước ngoài được quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn; đề nghị cần quy định nhà nước thu hồi đất đối với tất cả các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội; đề nghị không yêu cầu điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; đề nghị bổ sung quy định phương thức thanh toán trong giao dịch bất động sản không dùng tiền mặt; đề nghị quy định cơ chế xã hội hoá trong huy động các nguồn lực bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đề nghị bổ sung, hoàn thiện một số quy định quản lý chặt chẽ việc thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đề nghị không xác định tài khoản định danh điện tử là căn cước điện tử; đề nghị bổ sung quy định hệ thống thông tin khách hàng được bảo mật gắn với số căn cước công dân, mã số thuế của tổ chức, cá nhân; đề nghị bổ sung trách nhiệm chống thất thu thuế trong lĩnh vực chống rửa tiền.

Ngoài ra, các ĐBQH trong Đoàn cũng đề nghị nên quy định thời gian tối thiểu nộp tiền trúng đấu giá tài sản; đề nghị bổ sung quy định về các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sông, hồ chứa, đập chứa dưới vùng hạ lưu có trách nhiệm đóng kinh phí để chi trả người làm công tác bảo vệ; đề nghị cần đa dạng các hình thức, thiết kế nhiều gói chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện; đề nghị có chế tài hữu hiệu để tránh tình trạng nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc; đề nghị nên cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng cần có phương án trung gian; đề nghị xem xét bảo đảm tính độc lập của Toà án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử; cần rà soát, loại bỏ các thủ tục, điều kiện không cần thiết, tránh phát sinh chi phí đối với người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ… Các ý kiến thảo luận, tham luận đều thẳng thắn, trách nhiệm, được Chủ tọa kỳ họp, cơ quan soạn thảo, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp thu, giải trình.

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn, nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, các đại biểu trong Đoàn đã dành thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và các cơ quan chức năng trình Quốc hội, đồng thời nghiên cứu tình hình thực tiễn, yêu cầu các cơ quan của địa phương trao đổi, cung cấp thêm thông tin cần thiết về các nội dung liên quan.

Đoàn tiếp tục kiện toàn đội ngũ chuyên gia tư vấn bao gồm cả chuyên gia ở địa phương và chuyên gia ở Trung ương; trong năm, các chuyên gia đã tích cực nghiên cứu, tư vấn, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án Luật: Đấu giá tài sản (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Nhà ở (sửa đổi); Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia có giá trị để ĐBQH tham khảo, tham gia góp ý trong quá trình thảo luận, hoàn thiện các dự thảo luật; đồng thời Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp thu theo quy định.

Mặt khác, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cập nhật, thống kê, tổng hợp những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật tại địa phương, nhất là những nội dung liên quan đến các dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, 6 nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho đại biểu.

Nắm bắt đầy đủ hơn tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương

Về công tác giám sát, khảo sát theo chuyên đề: Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, trên cơ sở đề xuất của các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn, Đoàn ĐBQH đã xây dựng chương trình giám sát của Đoàn phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành 02 cuộc giám sát và 04 cuộc khảo sát ngoài kế hoạch nhằm nắm tình hình một số vấn đề đang đặt ra ở địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tham gia phiên thảo luận Tổ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Kết thúc các cuộc giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng báo cáo kết quả giám sát, khảo sát và các văn bản kiến nghị cụ thể; đã chuyển 51 nội dung kiến nghị về các vấn đề còn bất cập, tồn tại trong cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Đồng thời, Đoàn cũng kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, khảo sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ngoài các hoạt động giám sát, khảo sát do Đoàn tổ chức, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn còn tích cực tham gia các cuộc giám sát, khảo sát của các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội như: Ủy ban Văn hoá, Giáo dục; Uỷ ban Quốc phòng và An ninh; Uỷ ban Xã hội; Uỷ ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Hội đồng Dân tộc. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh duy trì có nề nếp việc tổ chức các buổi làm việc với UBND và các cơ quan, Sở, ngành của tỉnh trước các kỳ họp Quốc hội cuối năm (đã tổ chức 03 buổi làm việc). Qua các buổi làm việc đã giúp cho Đoàn nắm đầy đủ hơn tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là những bất cập, vướng mắc được bộc lộ trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, để phục vụ cho việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó là thực hiện tốt hơn trách nhiệm giám sát thường xuyên đối với UBND và các cấp, ngành ở địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH và việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư phản ánh, tố cáo, khiếu nại của công dân do Đoàn ĐBQH chuyển đến.

Về giám sát thông qua hoạt động chất vấn: Tham dự hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21, thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, 6 Quốc hội khóa XV, đã có 19 lượt đại biểu trong Đoàn chất vấn các Bộ trưởng (trong đó có 04 lượt đại biểu tranh luận): Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Các ý kiến chất vấn đề cập đến những vấn đề thời sự, nổi cộm, những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước, cụ thể như: Nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng UBND, Chủ tịch UBND không tham gia đầy đủ việc đối thoại, không tham dự đầy đủ các phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án trong giải quyết các vụ án, vụ việc hành chính; giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập trong việc chiếu xạ quả vải và nhiều loại quả khác ở khu vực phía Bắc để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường một số nước; đề nghị quan tâm, đầu tư xây dựng Cầu Cẩm Lý và Cầu Xương Giang; nguyên nhân chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian tới; giải pháp để cải thiện tín nhiệm quốc gia; giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm… Các ý kiến chất vấn của ĐBQH trong Đoàn đã được các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời cơ bản đầy đủ, thỏa đáng.

Đối với việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Tại các kỳ họp trong năm, cùng với việc tham gia hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát; các ĐBQH trong Đoàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm đại biểu, chủ động tham gia cùng Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng, thận trọng cân nhắc kỹ càng các điều kiện, tình huống; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhân dân lên trên hết; đáp ứng nguyện vọng của cử tri; không để bị tác động, ảnh hưởng của các yếu tố lợi ích nhóm, cục bộ.

Các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: xem xét, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét, quyết định về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Đã có 11 lượt ý kiến tại hội trường; 9 lượt ý kiến tại tổ tham gia đóng góp vào các báo cáo, tờ trình nội dung cụ thể: Đề nghị bổ sung vào Quy hoạch tổng thể Quốc gia về định hướng phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, ưu tiên đầu tư, sớm xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn tốc độ cao để kết nối liên vận quốc tế; đề nghị có biện pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô với mức lãi suất, tỷ suất lạm phát ở mức hợp lý; đề nghị quan tâm củng cố, hoàn thiện, đầu tư tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng; đề nghị có giải pháp tăng quy mô và năng lực của hệ thống ngân hàng thương mại nhằm nâng cao hiệu quả của công cụ điều tiết vĩ mô; đề nghị cần khẩn trương xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; Chính phủ cần có giải pháp để đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước là nhà đầu tư; cần xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Quốc hội cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn và thanh toán cho Dự án Giải phóng mặt bằng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; đề nghị cần quan tâm hơn nữa nguồn lực cho các cơ quan tư pháp…

Tích cực khảo sát nắm tình hình về việc giải quyết đơn thư của công dân phản ánh, kiến nghị

Đối với công tác tiếp xúc cử tri: Trước và sau Kỳ họp thứ 5, 6, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 16 hội nghị tiếp xúc cử tri, trong đó có 10 hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề: (i) Việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của công nhân lao động; (ii) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội; (iii) Tình hình khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đề xuất, kiến nghị với tỉnh, Trung ương; (iv) Tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (07 hội nghị).

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn đóng góp ý kiến cho các dự án Luật tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Các ý kiến cử tri tập trung vào việc đề nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực như: Nhà ở cho công nhân; vệ sinh an toàn thực phẩm; an sinh xã hội, công tác khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội; sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã; chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư xây dựng, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên; sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới năm 2006; việc mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội; giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số đối tượng đặc thù, tăng một số quyền lợi đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng chế độ cho viên chức y tế cơ sở…

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn cho biết: Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, có khoảng 3020 cử tri tới dự, với 172 lượt cử tri phản ánh, kiến nghị 226 nội dung. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 76 kiến nghị của cử tri gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đến nay, hầu hết các kiến nghị của cử tri đã được xem xét, giải quyết theo quy định.

Đối với công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Hoạt động tiếp công dân của Đoàn ĐBQH và của ĐBQH được duy trì, đi vào nền nếp. Cùng với việc tổ chức tiếp nhận và xử lý đơn thư của công dân gửi đến; định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, Đoàn đã cử ĐBQH cùng với Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; thường xuyên cử công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh giúp Đoàn trực tiếp dân thường xuyên vào thứ 3, thứ 5 hàng tuần tại Trụ sở Tiếp Công dân của tỉnh để trực tiếp lắng nghe công dân trình bày, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Đoàn ĐBQH và các ĐBQH trong Đoàn.

Tại phiên tiếp dân định kỳ, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh đã tiếp 280 lượt công dân đến đề nghị giải quyết 224 vụ việc; tại các phiên tiếp dân thường xuyên, đã tiếp 161 lượt công dân đến phản ánh 156 vụ việc. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH trong Đoàn luôn được quan tâm. Năm 2023, Đoàn và các ĐBQH trong Đoàn đã tiếp nhận 164 đơn (tố cáo 52; khiếu nại 20; kiến nghị 89; tố giác 03); đã chuyển 111 đơn, lưu 53 đơn. Các đơn thư của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh được xem xét, xử lý đúng quy định, không có đơn thư tồn đọng. Đoàn thường xuyên đôn đốc cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn thư của công dân theo quy định. Ngoài ra, các ĐBQH trong Đoàn còn tích cực tiến hành khảo sát nắm tình hình về việc giải quyết đơn thư của công dân phản ánh kiến nghị.

Về hoạt động của ĐBQH chuyên trách: Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban, cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Tập trung nghiên cứu, tham gia đầy đủ các nội dung theo chương trình các kỳ họp bất thường và kỳ họp thường kỳ thứ 5, thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Các hoạt động thường xuyên của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được đồng chí Phó Trưởng Đoàn chỉ đạo, điều hành tổ chức, triển khai thực hiện bảo đảm đúng tiến độ theo chương trình, kế hoạch trên các mặt công tác: xây dựng pháp luật; giám sát, khảo sát; tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Khóa XV với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.

Về các hoạt động khác: Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, Đoàn đã tích cực triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Khóa XV với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Chú trọng phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh trong công tác tiếp xúc cử tri, giám sát, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức các hội nghị để nắm bắt tình hình trên các lĩnh vực. Phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh trong công tác tiếp xúc cử tri, giám sát, nắm bắt tình hình Nhân dân. Phối hợp với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh trong công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo hoạt động tham mưu giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đạt hiệu quả, chất lượng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13 và Nghị quyết số 228/NQ-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Tổng hợp các kiến nghị, đề xuất về xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, các vấn đề còn vướng mắc trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, văn bản dưới luật thuộc các lĩnh vực trọng tâm theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15; Báo cáo Kết quả hoạt động giám sát năm 2022, phương hướng hoạt động năm 2023 và đề xuất chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các ĐBQH trong Đoàn cũng đã tích cực tham gia các hoạt động khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban, cơ quan của Quốc hội tổ chức như: tham gia các hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các hoạt động khác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội theo chương trình, kế hoạch, các Đoàn công tác ở trong nước và nước ngoài (Chi Lê, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mỹ…). Đoàn đã có buổi trao đổi, cung cấp thông tin, kỹ năng cho trẻ em tỉnh tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I - năm 2023 nhằm trang bị cho các em kiến thức kỹ năng về Quốc hội, đại biểu Quốc hội...

Trong công tác đối ngoại, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp đón tiếp Đoàn Thượng tướng Su - Von Lương Bun My, uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào đến thăm tỉnh Bắc Giang và một số Đoàn ĐBQH tỉnh đến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Giang...

Về công tác an sinh xã hội: Đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tặng quà một số gia đình người có công và một số trung tâm điều dưỡng thương binh và trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7; tặng quà một số học sinh tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn tại một số trường THPT, THCS, Tiểu học trên địa bàn tỉnh nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024; thăm hỏi các vị đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội ốm đau, từ trần…

Đánh giá về các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang trong năm 2023, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn nhận định: Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu trong Đoàn đã tổ chức và tham gia đầy đủ các hoạt động theo quy định, tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự án luật và các dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp Quốc hội; triển khai đầy đủ, nghiêm túc các hoạt động giám sát theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định; thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội; theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện việc giải quyết đơn thư của công dân và các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ có nhiều đổi mới, sáng tạo: đã kiện toàn đội ngũ chuyên gia ở Trung ương tham gia tư vấn cho hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh. Công tác chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã có những đổi mới theo hướng tích cực và thực chất hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Ngoài các cuộc giám sát theo chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; Đoàn và các đại biểu trong Đoàn chưa tổ chức được nhiều hoạt động giám sát, khảo sát để kịp thời nắm tình hình, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương giải quyết, khắc phục những vấn đề mới phát sinh và một số vấn đề còn tồn tại do chậm được các cơ quan chức năng giải quyết theo ý kiến kiến nghị của cử tri và đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chất lượng tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia vào các dự án Luật trình Quốc hội còn hạn chế. Một số sở ngành liên quan chưa tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến đóng góp vào các dự án luật khi được Đoàn ĐBQH tỉnh xin ý kiến. Một số cơ quan, đơn vị (kể cả ở Trung ương và địa phương) xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và xem xét, trả lời ý kiến cử tri do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến còn chậm.

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là ĐBQH trong Đoàn đa số hoạt động kiêm nhiệm, việc giành thời gian cho các hoạt động tại địa phương còn hạn chế, do vậy khó tham gia đầy đủ các cuộc khảo sát, giám sát của do Đoàn tổ chức; càng khó khăn hơn khi tự đại biểu chủ động giành thời gian để nghiên cứu tự tổ chức hoạt động khảo sát, giám sát của cá nhân đại biểu. Việc gửi dự thảo và văn bản lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật đến Đoàn còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Đoàn ĐBQH gửi đến mặc dù được quan tâm nhưng chưa thực sự quyết liệt./.

Bích Lan