THẢO LUẬN TỔ 19: BẢO ĐẢM KHẢ THI TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN HÌNH THÀNH TỪ DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

17/01/2024

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, thảo luận tại Tổ 19 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Trị, Phú Thọ, Bình Dương về Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu quan tâm đến cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đề nghị rà soát kỹ lưỡng, cân nhắc các phương án để bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công, hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước đồng thời bảo đảm thuận lợi, khả thi trong thực hiện.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Phiên thảo luận tại Tổ 19 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Trị, Phú Thọ, Bình Dương

Khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các địa phương đang giải ngân vốn đầu tư của ba chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị chỉ rõ thực tế trong thực hiện các chương trình là chính sách có, vốn có, nguồn lực có nhưng vì quy định theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu và nhiều luật khác nên khó triển khai, dự án thì manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, Nghị quyết được xây dựng có hướng mở, phân cấp, phân quyền, điều chỉnh, rà soát những vướng mắc có liên quan.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết thêm, việc phân bổ kinh phí thường xuyên ngân sách của Trung ương cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện sau khi Trung ương giao dự toán chính thức cho tỉnh. Nhưng hiện nay kinh phí thường xuyên giao hàng năm rất chậm. Đây là nội dung cần phải đưa vào trong Nghị quyết này. Cùng với đó, địa phương rất bị động trong việc tính toán phương án đối với từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần để đảm bảo việc phân bổ vốn ngân sách trung ương theo đúng nguyên tắc, đúng tiêu chí, định mức do Hội đồng nhân dân tỉnh quy định. Mặt khác một số tiêu chí tính điểm căn cứ vào nhu cầu thực tế đo địa phương báo cáo nên cần nhiều thời gian để tổng hợp, rà soát và trình phương án phân bổ, đưa lên trên Trung ương, các bộ, ngành xem có đúng tiêu chí, rà soát lại trả về, xong đưa lên lại, mất nhiều thời gian. Từ thực tế trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể hơn. Đại biểu đề xuất, tại điểm c khoản 1 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết phân cấp cho Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hoặc có thể phân cấp cho cấp huyện sẽ hợp lý hơn và có tính chủ động.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu

Góp ý về quản lý, sử dụng tài sản hình thành dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ dự án phát triển sản xuất có nhu cầu tiếp tục sử dụng tài sản của chủ dự án và chủ dự án phát triển sản xuất nộp lại ngân sách nhà nước. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng không nên quy định về việc nộp lại.

Đại biểu lý giải, đối với tài sản được hỗ trợ chủ trì liên kết đã đối ứng theo tỷ lệ quy định mức đối ứng cao nhất là 50% đối với các xã bình thường. Hiện nay nhiều chính sách của Trung ương hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ hợp tác xã có thể là quy định đối ứng nhưng không có thu hồi tài sản đã được hỗ trợ. Do vậy nếu chính sách này thu hồi thì sẽ không thống nhất giữa các chính sách khác có liên quan. Nhấn mạnh đối với chính sách hỗ trợ liên kết thì cần phải được khuyến khích để sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, liên kết vùng, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị quy định thêm không thu hồi tài sản mà theo dõi, quản lý để phát huy được hiệu quả trong liên kết phát triển chuỗi sản xuất, liên kết vùng.

Đại biểu Nguyễn Văn Dành – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu

Có chung nội dung quan tâm về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu Nguyễn Văn Dành – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, các dự án được xác định theo hai dạng, một là theo chuỗi giá trị, hai là cộng đồng. Dự án theo chuỗi giá trị có thời gian thực hiện khoảng từ 2 đến 3 năm có phạm vi rộng. Dự án cộng đồng tính theo chu kỳ sản xuất từ 3 đến 6 tháng, cũng có thể là dự án hỗ trợ được từ 2 đến 3 năm. Như vậy thời gian hỗ trợ dự án được xác định tương đối phù hợp với thời gian còn lại của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc hỗ trợ được xác định thông qua 2 hình thức là cấp phát không thu hồi và thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Qua thực tế, đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án 1. Tức thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân. Thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Trong khi đó, đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương lại cho rằng phương án 2 sẽ bảo đảm cụ thể hơn. Theo đó, quy định sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Trong đó: Chủ dự án phát triển sản xuất (là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) liên kết theo chuỗi giá trị có thể nộp lại ngân sách nhà nước phần giá trị còn lại của tài sản hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để được tiếp nhận quyền sở hữu tài sản. Đối với tài sản đã giao cộng đồng người dân sử dụng, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định giao những tài sản để này hỗ trợ cho người dân tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất (tài sản đã chuyển giao không là tài sản công). Đại biểu Lê Văn Khảm phân tích thêm, vấn đề còn băn khoăn hiện nay là xác lập tài sản công như thế nào. Ở phương án 2 quy định rất cụ thể về xác lập được các tài sản công.

Đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu

Ngoài ra, đại biểu Lê Văn Khảm cũng bày tỏ còn có những băn khoăn về các nội dung cụ thể của chính sách về việc sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho sự hoạt động phát triển sản xuất ở khoản 4 Điều 4 dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Lê Văn Khảm chỉ rõ, quy định trường hợp dự án phát triển sản xuất trực tiếp sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi.v.v.... thì sẽ được thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi theo giá thị trường tại địa bàn thực hiện dự án hoặc theo định mức của Hội đồng nhân dân tỉnh, sau đó giao cho cơ quan tài chính cùng cấp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa. Đại biểu Lê Văn Khảm cho biết việc xác định giá thị trường là một việc rất khó khăn, thế nào là giá thị trường và quan trọng là lựa chọn được giá hợp lý của thị trường. Mặt khác ở việc xác định giá thị trường sẽ theo quy mô nào, thị trường theo từng tỉnh, từng khu vực, nhất là cùng loại hàng hóa đó nhưng ở khu vực đồng bằng khác với miền núi, ở tỉnh này khác với tỉnh khác. Trong khi đó, cơ quan tài chính với Ủy ban nhân dân cấp xã thì không thể xác định được giá thị trường.

Hai là, dự thảo Nghị quyết cũng quy định nội dung chi thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, chi phí sản xuất thì liên quan đến cả nhân lực và con người thực hiện việc sản xuất đó. Như vậy cần phải có định mức cụ thể hoặc là có một phương án cụ thể chứ không thể xác định theo giá thị trường được. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng nội dung tại điểm b khoản 4 Điều 4 của dự thảo, đại biểu nên rõ.

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ

Ngoài ra, cũng tại điểm b quy định trường hợp chủ dự án ký kết hợp đồng mua sắm với bên cung ứng hàng hóa thì chủ dự án phát triển sản xuất phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh hoạt động mua sắm bao gồm tài liệu đánh giá, so sánh mức giá bán hàng của bên cung cấp ở 3 nơi cung cấp, giá thị trường để làm cơ sở quyết toán dự án. Như vậy trong cùng điều khoản có 2 cách tiếp cận không tương đồng với nhau. Một là do cơ quan tài chính cùng cấp hoặc Ủy ban nhân dân xã quyết định xác định giá thị trường. Hai là gần như mua theo cách đấu thầu. Theo đại biểu Lê Văn Khảm, điều quan trọng nhất là kiểm soát được chi phí và giá thành của các sản phẩm hàng hóa được mua. Vậy thì các giá trị cuối cùng phải tương đồng với nhau. Trong khi 2 cách tiếp cận này rất khác nhau nên cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 19:

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu điều hành phiên thảo luận Tổ

Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu

Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu.

Bảo Yến

Các bài viết khác