QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 12/01/2024

12/01/2024

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Indonesia; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp giao ban với các vụ, đơn vị; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo qua 40 năm đổi mới..." là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày 12/01/2024.

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 11/01/2024

* Sáng 12/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến lần 2 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Tại cuộc họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập tập trung cho ý kiến về một số nội dung bao gồm: Điều 159, Về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm; Về hiệu lực thi hành, khoản 1 Điều 209; Về quy định chuyển tiếp đối với một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 thể hiện tại khoản 6 và khoản 7 Điều 210; Về đánh giá tác động.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TIẾP TỤC TIẾP THU GIẢI TRÌNH DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

* Chiều 12/01, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội kiến Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo đang có chuyến thăm thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11-13/1 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. 

Tại cuộc hội kiến, hai bên cùng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ hai nước; đồng thời nhất trí hai nước cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các kênh, trong đó có các đoàn lãnh đạo Quốc hội hai nước, nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ HỘI KIẾN TỔNG THỐNG INDONESIA: QUỐC HỘI ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG THÚC ĐẨY QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM - INDONESIA

* Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 3263 /TB-TTKQH ngày 11/01/2024 thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

* Sáng 12/01, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học "Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội – Thực trang và kiến nghị". Đồng chủ trì Hội thảo có Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường và Ủy viên Thường trực Ủy ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chủ nhiệm Đề tài cấp bộ “Giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam”.

Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Thường trực Ủy ban văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, tại Hội thảo lần này, ban tổ chức mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý và thực tiễn của việc thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước các chủ thể giám sát từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc,…

Xem nội dung chi tiết tại đây: HỘI THẢO KHOA HỌC: QUỐC HỘI GIÁM SÁT THI HÀNH PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ TRƯỚC QUỐC HỘI – THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

* Sáng 12/01, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Đức đã tiếp Đoàn nghị sĩ CHLB Đức do nghị sĩ Tino Chrupalla, Chủ tịch Đảng “Sự lựa chọn khác vì nước Đức” (AfD) làm Trưởng đoàn nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. 

Tại cuộc tiếp, hai bên hy vọng thời gian tới Quốc hội hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện thông qua trao đổi đoàn cấp cao, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI ĐÔN TUẤN PHONG TIẾP ĐOÀN NGHỊ SĨ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC

* Chiều 12/01, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp giao ban giữa Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội với lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận, biểu dương tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội đã chủ động, nỗ lực và kịp thời triển khai công tác tham mưu phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như tích cực triển khai các nhiệm vụ thường xuyên của Văn phòng Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP GIAO BAN VỚI CÁC VỤ, ĐƠN VỊ

* Chiều 12/01, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo qua 40 năm đổi mới. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Tọa đàm.

Qua thảo luận, các chuyên gia đều cho rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có nhiều đổi mới. Từ vị trí chỉ là một trong những vấn đề ưu tiên trong chính sách về phúc lợi xã hội, giáo dục trở thành “quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư cho phát triển”. Mục tiêu, sứ mệnh của giáo dục đã phát triển, mở rộng từ “hình thành nhân cách xã hội chủ nghĩa cho thế hệ trẻ” đến “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỌA ĐÀM THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUA 40 NĂM ĐỔI MỚI

* Chiều 12/01, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã chủ trì cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào do Phó Viện trưởng Say-ou Phoum Sa-ly làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Vui mừng chào đón Đoàn đại biểu Viện Nghiên cứu lập pháp Lào do Phó Viện trưởng Say-ou Phoum Sa-ly làm Trưởng đoàn tới thăm và làm việc với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, có mối quan hệ truyền thống và gắn bó lâu đời. Mối quan hệ đặc biệt ấy đã được hình thành qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, được các lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc đặt nền móng, vun đắp.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU NGUYỄN TUẤN ANH CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN ĐẠI BIỂU VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP LÀO

* Theo đánh giá của các đại biểu, thời gian qua, Quốc hội đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả trong việc giám sát đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật, tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn một số vấn đề hạn chế đặt ra. Chính vì vậy, việc thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật là yêu cầu tất yếu đặt ra trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền hiện nay, đáp ứng được các đòi hỏi của thời kỳ mới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ NÂNG CAO HƠN NỮA HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ TRONG THI HÀNH PHÁP LUẬT

* Theo TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và các quy định về hoạt động báo cáo, giải trình trong giám sát nói riêng. Trong đó, để tăng “sức nặng” của hoạt động giám sát, cần nghiên cứu các hệ quả sau giám sát, sau các phiên chất vấn, giải trình.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: TĂNG “SỨC NẶNG” CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT – CẦN NGHIÊN CỨU CÁC HỆ QUẢ SAU GIÁM SÁT

* Đóng góp ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, TS.DS Nguyễn Thị Phương Thúy - Trường Đại học Dược Hà Nội đề xuất bổ sung người có chứng chỉ hành nghề dược tại cơ sở bán lẻ thuốc (dược sĩ cộng đồng) được thực hiện dịch vụ chăm sóc dược tại cơ sở bán lẻ thuốc (dược cộng đồng) theo quy định của Bộ Y tế.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐỀ XUẤT BỔ SUNG NGƯỜI CÓ CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC ĐƯỢC THỰC HIỆN DỊCH VỤ CHĂM SÓC DƯỢC TẠI CƠ SỞ BÁN LẺ THUỐC

* Chiều 11/01, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị giám sát trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tại hội nghị, các cơ quan chuyên môn đã giải trình, làm rõ một số nội dung như: nguyên nhân một số chính sách tín dụng có kết quả triển khai thấp; những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích và Quỹ phát triển khoa học công nghệ; khả năng thu hồi đối với khoản thuế được gia hạn theo Nghị quyết 43. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ

* Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2024, căn cứ tình hình thực tế của địa phương và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và ban hành Chương trình hoạt động giám sát năm 2024.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN SẼ GIÁM SÁT 5 CHUYÊN ĐỀ TRONG NĂM 2024

* Ngày 12/1, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội đã giám sát chuyên đề tại UBND huyện Mê Linh và các cơ quan liên quan về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì cuộc giám sát.

Trước khi làm việc về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 thuộc Tp. Hà Nội”, Đoàn đã khảo sát thực địa công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn xã Văn Khê (huyện Mê Linh).

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TP. HÀ NỘI GIÁM SÁT TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4

* Chiều 12/1, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tham vấn, lấy ý kiến vào một số dự án Luật, Nghị quyết trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ nội dung 2 dự thảo và thực tiễn của Quảng Ninh, các đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng với Đoàn ĐBQH tỉnh. Cụ thể, đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nội dung thảo luận tập trung vào các nhóm vấn đề: Các phương án áp dụng can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, dự phòng rủi ro tổ chức tín dụng; giới hạn cấp tín dụng, thẩm quyền cho vay; xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH LẤY Ý KIẾN THAM GIA VÀO DỰ ÁN LUẬT, NGHỊ QUYẾT TRÌNH QUỐC HỘI

* Chiều 12/1, tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng chủ trì cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành tỉnh đối với các nội dung được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại cuộc họp, đồng chí Lâm Văn Mẫn ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến trao đổi của các đại biểu tại cuộc họp. Đồng thời đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tiếp thu, ghi nhận để có ý kiến kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp tới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH SÓC TRĂNG LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP ĐỐI VỚI CÁC NỘI DUNG TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thế Hà