GÓC NHÌN: AN SINH XÃ HỘI PHẢI BẢO ĐẢM ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN

23/12/2023

Tại Hội nghị Trung ương 8, khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận, phát triển xã hội “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”. Trong giai đoạn hiện nay, việc đảm bảo an sinh xã hội khác căn bản với giai đoạn trước là chuyển nhận thức từ hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh của công dân. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết “An sinh xã hội phải đảm bảo ổn định và phát triển” của TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN CƠ CHẾ BẦU CỬ NHẰM NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VÀ BẢO ĐẢM TỐT HƠN QUYỀN BẦU CỬ CỦA NHÂN DÂN

Trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6, Báo cáo số 578/BC-CP của Chính phủ về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 có nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, các ngành đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, trong đó có các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam ngày càng tăng; năm 2023, theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023, tăng 12 bậc so với năm trước, từ vị trí 77 lên vị trí 65.

Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.

Với chỉ số hạnh phúc 5.8, Việt Nam xếp hạng thứ 65 trên 137 quốc gia.

Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 để hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch. Tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 35.873.422 người lao động, người dân, 394.445 đơn vị sử dụng lao động và 508.391 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.662,502 tỷ đồng; trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 4.730 tỷ đồng cho gần 1,4 nghìn đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động.

Đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình "Ngày chủ nhật yêu thương", khám chữa bệnh và tặng quà cho các đối tượng yếu thế tại Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Kạn.

Ước thực hiện năm 2023, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; trên 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; trên 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời, đạt mục tiêu.

Các cấp, các ngành cũng đã có nhiều nỗ lực tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để phát triển trẻ em toàn diện; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho thanh, thiếu niên; chăm lo và phát huy vai trò người cao tuổi; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tăng cường; bảo đảm duy trì các dịch vụ trợ giúp xã hội và kịp thời phát hiện, giải quyết, thông tin về các vấn đề, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và liên quan đến quyền trẻ em. Công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm.

Cùng với đó, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; tiếp tục hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Tính chung 9 tháng năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8% so với cùng kỳ. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ước thực hiện cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39-40%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%, đạt mục tiêu. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Công tác phát triển nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tính đến ngày 18/6/2023 đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Đến nay, 16 địa phương đã công bố danh mục 44 dự án đủ điều kiện, nhu cầu vay gần 18,4 nghìn tỷ đồng từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, một số dự án đã bắt đầu được giải ngân.

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được tăng cường, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao ở các tuyến. Triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, trong đó có chủ trương về tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế. Công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã được khôi phục sau hơn 03 năm phòng, chống dịch COVID-19, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt trên 90%. Nghiên cứu tiếp tục cập nhập, bổ sung mở rộng danh mục gói các dịch vụ y tế cơ bản tại y tế cơ sở, phù hợp với điều kiện phát triển của hệ thống y tế và tình hình KTXH. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến, nhất là các dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Xây dựng Đề án phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong giai đoạn hiện nay, việc đảm bảo an sinh xã hội khác căn bản với giai đoạn trước là chuyển nhận thức từ hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh của công dân. Chính sách xã hội đã dần gắn với chính sách kinh tế trong từng bước, từng chính sách phát triển; từ thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và chính sách đảm bảo an sinh xã hội; Đảng ta đã mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội. Việc giải quyết các vấn đề xã hội từ Nhà nước đóng vai trò nòng cốt và chủ yếu chuyển sang Nhà nước đóng vai trò chủ đạo đi đôi phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, thị trường, các tổ chức xã hội và ý chí tự lực, tự cường của người dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Trung ương 8, khoá XIII, phát triển xã hội “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”.

Sau 10 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết 15-NQ/TW đã đi vào cuộc sống, đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản hoàn thiện, từng bước tiến tới mục tiêu đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tại Hội nghị Trung ương 8, khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận, phát triển xã hội “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội".

Thành tựu giảm nghèo là kết quả nổi bật, về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và phát triển bền vững của Liên hợp quốc, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam từ một nước có tỷ lệ hộ nghèo gần 60% vào năm 1986, đã ngoạn mục giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022 theo chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều; thu nhập của người nghèo được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 3,5 lần năm 2010.

Thứ hai là, chính sách trợ giúp xã hội đã mở rộng đối tượng, tăng mức hưởng; trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm, đạt 3,3 triệu người năm 2022 (chiếm 3,5% dân số).

Đặc biệt, dấu ấn cảm động từ thực tiễn của công cuộc phòng, chống Covid - 19, cho thấy: Chúng ta đã vững vàng trong cuộc chiến chống dịch gần 2 năm đầu, nhưng đầu năm 2021 cả nước mới thực sự bước vào giai đoạn thách thức, khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát với cường độ mạnh hơn trong đợt bùng phát thứ tư, tốc độ lây nhiễm của chủng mới tăng gấp nhiều lần. Vào thời điểm khó khăn nhất trong cuộc chiến chống dịch, phẩm chất của dân tộc lại một lần nữa được củng cố và phát huy toàn diện. Đầu tháng 6/2021, tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khái quát "trong cuộc chiến chống dịch, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn". Chỉ một tuần sau lễ phát động, cộng đồng doanh nghiệp, người dân khắp trong và ngoài nước đã gửi ủng hộ quỹ với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng. Còn tính tới thời điểm đầu tháng 8, số tiền huy động được cho quỹ đã xấp xỉ 8.500 tỷ đồng. Con số rất lớn đạt được trong thời gian rất ngắn cho thấy sức mạnh của lòng dân. Chính trong thời điểm thách thức nhất đó, mỗi người chúng ta lại được trải nghiệm, chứng kiến một Việt Nam đồng sức, đồng lòng, kiên cường vượt khó khăn. Chúng ta đã thực hiện rất thành công công tác phòng chống đại dịch Covid-19 đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội (trong 3 năm qua đã nhanh chóng, kịp thời triển khai 4 gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ, với số tiền trên 120 ngàn tỷ đồng và trên 200 ngàn tấn gạo hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người).

Thứ ba, chúng ta đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản tập trung theo hướng đảm bảo an sinh xã hội mức tối thiểu cả về thu nhập, đời sống người dân và các dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước: (1) Mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển nhanh, chính sách phổ cập giáo dục bảo đảm phát triển toàn diện cho trẻ em và hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến trung học cơ sở. Trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%. (2) Đến năm 2022 đã thực hiện thành công bảo hiểm y tế toàn dân, với độ bao phủ 92% dân số; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 10,8%; tỷ lệ dân số mắc bệnh lao còn khoảng 176/100.000 người (năm 2021). (3) Đến hết năm 2020, đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, trên 18.000 nghìn hộ phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung, 52.000 hộ dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Cơ bản hỗ trợ dứt điểm đối với 339.116 hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở, đạt 96,7% số hộ cần hỗ trợ sau rà soát. (4) Đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó, 54% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. (5) Từ năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% các xã có đài truyền thanh xã.

Nhà nước đã giành nguồn lực ngày càng lớn chi cho an sinh xã hội. (ảnh minh họa)

Thứ tư, Nhà nước đã giành nguồn lực ngày càng lớn chi cho an sinh xã hội, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn giành gần 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho an sinh xã hội, đồng thời huy động sâu rộng sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chính sách xã hội.

Về công tác xã hội hóa các nguồn lực cho ASXH, từ năm 2012 đến năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tiếp nhận ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân là hơn 57.318 tỷ đồng. Trong đó, ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) hơn 12.394 tỷ đồng và ủng hộ trực tiếp chương trình ASXH ở các địa phương được trên 44.923 tỷ đồng.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có khoảng 500 tổ chức đang hoạt động thường xuyên. Trong đó, hàng trăm tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong các lĩnh vực về ASXH, mỗi năm giá trị viện trợ ước đạt 6 triệu USD (có năm lên tới hơn 10 triệu USD), góp phần tích cực vào cải thiện cuộc sống cho các đối tượng CSXH tại cộng đồng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách tại Tp Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, hàng năm vào dịp Tết đến xuân về, công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” và “Chợ Tết công đoàn” hằng năm  được tổ chức bởi Công đoàn các cấp. Chương trình này giúp công nhân vơi đi nỗi nhớ nhà khi Tết đã cận kề. Hầu hết đoàn viên, công nhân lao động tham gia chương trình được sống trong không khí vui tươi, ngập tràn sắc xuân với cuộc thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, bốc thăm trúng thưởng, chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian có thưởng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được là quan trọng, cơ bản, nhưng vẫn còn những bất cập, tồn tại hạn chế, yếu kém sau: (1) Kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hoá giàu-nghèo có xu hướng gia tăng; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn lớn. (2) Phạm vi bao phủ và khả năng giải quyết rủi ro của các chính sách an sinh xã hội còn thấp. (3) Các dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân. Số lượng và chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.

Căn nguyên chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do: (1) Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của chính sách an sinh xã hội chưa đầy đủ, toàn diện; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. (2) Hệ thống chính sách, pháp luật về chính sách xã hội chưa hoàn thiện, đồng bộ. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ công. (3) Công tác quản lý nhà nước còn bất cập; phương thức quản lý chậm đổi mới. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra ở nhiều nơi chưa được coi trọng. Chậm hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách xã hội. (4) Chưa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là trong quản lý, tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. (5) Nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội còn hạn chế; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực có nơi, có lĩnh vực hiệu quả chưa cao. Chưa liên kết tốt các nguồn lực của chính sách xã hội, an sinh xã hội và nguồn lực xã hội hóa. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “…Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển”. Quan điểm của Đảng ta là mở rộng phạm vi từ an sinh xã hội tập trung cho nhóm yếu thế, mức tối thiểu sang chính sách xã hội toàn dân, và toàn diện các mặt đời sống. Về đối tượng, chuyển sang giai đoạn mới không chỉ lo cho nhóm yếu thế, nhóm khó khăn mà mở rộng, tiến tới phát triển tầng lớp trung lưu mang tính dẫn dắt phát triển xã hội. Chính sách xã hội phải đồng thời gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững; hệ thống an sinh xã hội phải linh hoạt, thích ứng với các cú sốc diện rộng, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau./.

                                 

TS.Bùi Sỹ Lợi,

nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội