ĐBQH ĐÀO CHÍ NGHĨA: CẦN QUY ĐỊNH CÁC CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CỤ THỂ, ĐẢM BẢO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ

05/12/2023

Để xây dựng, phát triển Hà Nội xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, Quốc hội đã xem xét thảo luận tại kỳ hợp thứ 6 Luật Thủ đô (sửa đổi). Trao đổi với đại biểu Ðào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH thành phố Cần Thơ, cho rằng, cần sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng quy định các cơ chế đặc thù cụ thể để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.

THẢO LUẬN TỔ 13: PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN, GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ ĐỂ THỦ ĐÔ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ KHÔNG PHẢI CHỈ RIÊNG CỦA HÀ NỘI MÀ THỰC CHẤT LÀ CHO CẢ NƯỚC

Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội-Thủ đô nghìn năm văn hiến, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia, là trái tim của cả nước. Là một trong hai đô thị loại đặc biệt của đất nước. Sau 9 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật Thủ đô còn nhiều tồn tại, hạn chế trong nhiều lĩnh vực. Trao đổi với đại biểu Ðào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Ðoàn ÐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

Đại biểu Ðào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH thành phố Cần Thơ

Phóng viên: Thưa đại biểu, qua 9 năm thi hành Luật Thủ đô, đến nay qua đánh giá tổng kết đã không còn phù hợp với thực tiễn, quan điểm của đại biểu thế nào?

Đại biểu Đào Chí Nghĩa,  Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH thành phố Cần Thơ: Tôi tán thành với nội dung đánh giá trong tờ trình của Chính phủ là qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật Thủ đô còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: (1) xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị; (2) quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư; (3) cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách thu hút nguồn lực, thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; (4) quản lý dân cư, bảo vệ Thủ đô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; (5) chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường…

Tôi cũng tán thành với nguyên nhân về tồn tại, hạn chế mà chính phủ chỉ ra. Do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô (như Luật Cư trú bãi bỏ khoản 3, 4 Điều 19 Luật Thủ đô). Việc chưa có quy định cụ thể về áp dụng Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành.

Để kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tôi rất tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô hiện hành.

Phóng viên: Thưa đại biểu để đảm các quy định sửa đổi Luật Thủ đô sát với thực tiễn, đại biểu có góp ý cụ thể gì?

Đại biểu Đào Chí Nghĩa,  Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH thành phố Cần Thơ: Tôi xin có một vài góp ý sau. Tại Điều 4 về áp dụng Luật Thủ đô, tại khoản 2 quy định: “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban, hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó”.  Theo tôi, để đảm bảo tính linh hoạt trong áp dụng pháp luật cũng như tạo cơ chế tốt nhất phát triển Thủ đô Hà Nội cũng như tránh tình trạng phải sớm sửa đổi luật, tôi đề nghị quy định theo hướng “Nếu trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành mà có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn so với luật này thì có thể áp dụng các quy định có lợi nhất cho Thủ đô phát triển là phù hợp (có nghĩa là được áp dụng Luật Thủ đô hoặc áp dụng luật, nghị quyết của Quốc hội).

Tại Khoản 1, Điều 5 về trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô quy định: “Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước”. Tôi cho rằng quy định này không cần thiết, vì các nhiệm vụ, trách nhiệm này thì các cấp chính quyền và Nhân dân, cơ quan, tổ chức, các lực lượng vụ trang ở tất cả các địa phương điều phải có nhiệm vụ và trách nhiệm trong xây dựng, phát triển địa phương chứ không riêng gì Thủ đô. Do đó tôi đề nghị bỏ quy định này.

Tại khoản 1, Điều 19 quy định về Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô: “Việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô. Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố Hà Nội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương trong vùng Thủ đô và cả nước”. Tài nguyên thiên nhiên là có giới hạn và chúng ta cần phải sử dụng hợp lý và có biện pháp bảo vệ. Do đó, tôi đề nghị bổ sung nội dung “sử dụng tài nguyên hợp lý và bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước nhằm khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng và phát triển bền vững, đảm bảo xây dựng, phát triển Thủ đô hiện đại và bền vững” nhằm đảm bảo việc sử dụng, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên được hiệu quả hơn.

Tại khoản 5, Điều 20 quy định biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch: “UBND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực TOD so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu, nhưng phải bảo đảm đáp ứng năng lực phục vụ của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”. Tôi đề nghị bổ sung và điều chỉnh như sau: “UBND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc trong khu vực TOD so với quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu, nhưng phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.

Việc quy định UBND thành phố quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc trong khu vực TOD nhằm đảm bảo tính đầy đủ và khái quát các yếu tố như: Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Quy định này sẽ giúp thành phố có thể điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, giảm mật độ xây dựng trong khu vực TOD để khai thác hiệu quả đất đai, dành nhiều diện tích hơn cho giao thông và không gian công cộng.

Tại khoản 1, Điều 21 quy định Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị: “Kiến trúc cảnh quan và xây dựng đô thị của Thủ đô được quản lý theo đồ án quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc; bảo đảm bảo tồn các di sản kiến trúc, di sản thiên nhiên, phát huy các hình thái kiến trúc của các khu vực, công trình có giá trị văn hóa, lịch sử; phát triển không gian xanh, không gian ngầm, khu vực hai bên sông Hồng và các trục cảnh quan khác được xác định trong Quy hoạch chung Thủ đô”. Tôi cho rằng một trong những yếu tố đặt trưng của Thủ đô Hà nội so với rất nhiều Thủ đô, thành phố khác trên thế giới là cây xanh, mãng xanh đã tạo nên nét cổ kính của Thủ đô Văn hiến, nếu không có cây xanh thì Hà nội không có nét đặt trưng này. Do đó, để duy trì, phát triển không gian xanh, tôi đề nghị thay cụm từ “phát triển không gian xanh” thành cụm từ “không gian xanh được quản lý theo quy hoạch, quy chế quản lý cây xanh, trong đó có việc bảo vệ cây xanh có tuổi thọ lâu đời ” để cây xanh có tuổi thọ lâu đời được bảo vệ, duy trì nét cổ kính của Thủ đô.

Về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị tạ Điều 22, tôi đề nghị bổ sung quy định giao UBND thành phố quy định: “Việc lập thiết kế cải tạo, chỉnh trang tuyến đường giao thông trong khu vực đô thị” vì việc lập thiết kế cải tạo, chỉnh trang tuyến đường là nội dung hiện nay chưa được quy định trong hệ thống pháp luật về quy hoạch kiến trúc, xây dựng"

Phóng viên: Thưa đại biểu, cơ chế đặc thù về chế độ cho cán bộ công chức, viên chức các nghành nghề, lĩnh vực là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi sửa đổi Luật Thủ đô lần này, đại biểu có quan điểm thế nào?

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH thành phố Cần Thơ: Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18). Tại Khoản 1 quy định “Thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do thành phố Hà Nội quản lý theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Tổng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố Hà Nội và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”.

Quy định này chưa phù hợp và quy định còn chung chung, vì một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương có số lượng công chức, viên chức rất lớn và đã được hưởng phụ cấp, thu nhập tăng thêm do tính đặc thù, độc hại nghề nghiệp,…như công an, quân đội,… nếu có thêm chính sách này nữa thì sẽ không phù hợp. Dự thảo nên nêu cụ thể ngành nào để có cơ sở thiết kế chế độ, chính sách mang tính khả thi hơn.

Về phát triển giáo dục và đào tạo tại khoản 2, Điều 24 quy định: “Đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí”.

Quy định này còn chung chung, chưa thể hiện cơ chế đặc thù về lĩnh vực này cũng như chưa thể hiện được vai trò quan trọng của giáo dục trong phát triển của Thủ đô. Đề nghị quy định cụ thể hơn như: về tỷ lệ giáo viên, nhà trẻ, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn phường, quận, trên tỷ lệ dân cư,…nhằm đảm bảo việc áp dụng được đồng bộ, thiết thực của chính sách.

Về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại Điều 25. Tại khoản 3 quy định: “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô được hỗ trợ chi phí ươm tạo bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia, nhân công lao động trực tiếp; dịch vụ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung”. Tôi đề nghị bổ sung nội dung “doanh nghiệp khởi nguồn” để đối tượng này được hỗ trợ chi phí ươm tạo, tạo điều kiện cho các Trường đại học, Viện nghiên cứu nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào trong cuộc sống, thương mại.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến