HẢI PHÒNG TẠO PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ VỀ AN SINH XÃ HỘI

04/12/2023

Nửa nhiệm kỳ HĐND thành phố Hải Phòng khoá XVI đã ban hành nhiều nghị quyết mới những cơ chế, chính sách vượt trội, đưa Hải Phòng trở thành địa phương đứng đầu cả nước về lĩnh vực an sinh xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Đó là những điểm nhấn nổi bật mang lại hiệu quả thiết thực qua tổng hết hoạt động tiếp xúc của tri của đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố Hải Phòng từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành.

ĐOÀN ĐBQH TP.HẢI PHÒNG THAM GIA TÍCH CỰC, TRÁCH NHIỆM CAO GÓP PHẦN VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XV

GIÁM SÁT ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM CHỮA BỆNH ĐƯA HẢI PHÒNG TRỞ THÀNH TRUNG TÂM Y TẾ VÙNG DUYÊN HẢI BẮC BỘ

Luôn lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm 

Nét mới trong nửa nhiệm kỳ qua là hoạt động TXCT của Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng theo chuyên đề được chú trọng, tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm. Từ đó ban hành cơ chế, chính sách được tiếp thu khá đầy đủ, kịp thời. Trong đó, đáng chú ý HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết mới những cơ chế, chính sách vượt trội, đưa Hải Phòng trở thành địa phương đứng đầu cả nước về lĩnh vực an sinh xã hội,đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa 16 xem xét, thông qua một số chính sách an sinh mới của Hải Phòng. Trong đó có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025. Người dân thành phố rất vui mừng, phấn khởi trước tin vui này và càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Thêm một lần nữa, Hải Phòng thể hiện quyết tâm: chính sách an sinh luôn đi trước sự phát triển KTXH. Đây cũng là minh chứng cho thấy tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh mẽ của Hải Phòng, cho phép thành phố có điều kiện chăm lo tốt hơn cho cuộc sống nhân dân.

Theo Nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu: đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Theo kết quả rà soát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2021, Hải Phòng là một trong 6 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo (cùng với Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh). Tuy nhiên, để duy trì kết quả giảm nghèo, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù riêng của Hải Phòng để giảm nghèo bền vững là cần thiết. Cụ thể, có chính sách hỗ trợ thu nhập hàng tháng cho người nghèo không còn khả năng lao động, phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025. Với tinh thần đó, HĐND thành phố Hải Phòng đã xem xét thông qua nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng để bảo đảm tổng thu nhập từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ bằng với mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là 1,5 triệu đồng/tháng/người đối với khu vực nông thôn; 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Đây cũng là mức hỗ trợ được áp dụng đối với người nghèo, cận nghèo là trẻ em dưới 16 tuổi, người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, xơ gan giai đoạn mất bù, suy tim độ 4 và người thuộc hộ cận nghèo là người cao tuổi cô đơn, người nhiễm HIV/AIDS không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên đến 80 tuổi) thuôc hộ nghèo, cận nghèo nhưng hoàn cảnh khó khăn, già yếu, ốm đau thường xuyên, chưa đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng… được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo, đồng thời thoát cận nghèo; thành viên hộ cận nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo trong vòng 36 tháng được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ khi được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo. Với chính sách này, trong giai đoạn 2022-2025, nguồn lực từ ngân sách thành phố sẽ chi khoảng hơn 727 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 181 tỷ đồng. Đây là sự quan tâm rất thiết thực và sự chăm lo chu đáo của thành phố để không ai bị bỏ lại phía sau. Như vậy, một lần nữa, Hải Phòng lại gây tiếng vang đối với cả nước vì những chính sách ưu việt, nhân văn, vì nhân dân. Trước đó, Hải Phòng là địa phương duy nhất hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non tới bậc THPT. Sau 2 năm học triển khai Nghị quyết HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp, học sinh toàn thành phố ở cả 3 cấp học được hỗ trợ hơn 340 tỷ đồng học phí từ ngân sách thành phố.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập thăm, tặng quà gia đình Thương binh, liệt sĩ

Ngoài ra, Hải Phòng cũng dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở cho người có công; hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Hải Phòng đi đầu cả nước về nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội; hỗ trợ cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, hải đảo được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Hải Phòng dành hàng nghìn tỷ đồng tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo nhân dịp lễ, Tết. Mức tặng quà bình quân 5 triệu đồng/hộ chính sách; 1-1,2 triệu đồng/hộ nghèo, cận nghèo của Hải Phòng hiện ở mức cao nhất của cả nước, mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho nhân dân.

Chính sách an sinh ưu việt còn được thể hiện rất rõ ràng trong quyết tâm cải tạo, xây dựng chung cư, xây dựng nhà ở xã hội với cách làm riêng của Hải Phòng và quan điểm nhất quán vì người dân. Hơn thế nữa, các công trình phúc lợi công cộng mọc lên ngày càng nhiều, từ Công viên cây xanh Tam Kỳ, Tố Hữu, Nguyễn Trãi tới chương trình mỗi phường 1 công viên cây xanh. Hai bên bờ sông Tam Bạc được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nhanh chóng tạo nên một không gian mới cho người dân thành phố nghỉ ngơi, thư giãn…Để được như vậy, những năm qua, thành phố luôn tập trung cao phát triển KTXH, tăng nhanh tiềm lực kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao; số thu ngân sách nội địa tăng nhanh, bình quân tăng 4.000-6.000 tỷ đồng/năm là nguồn lực cơ bản để thành phố đầu tư phát triển, chăm lo an sinh xã hội. Như thế, người dân thành phố đã cảm nhận rất rõ ràng, sự phát triển của thành phố không phải mơ hồ chung chung mà đã nhìn thấy được, để mỗi phần trăm GRDP tăng trưởng thêm được chuyển hóa vào mức tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; vào mức sống ngày càng được nâng cao của gia đình chính sách, người có công; là nỗ lực giảm nghèo bền vững; là những công trình nâng cao vị thế, hình ảnh Hải Phòng, để rồi khẳng định rõ ràng nhất chân lý: tất cả vì sự lớn mạnh của thành phố, vì cuộc sống nhân dân, người dân được thụ hưởng chính những thành quả mà tăng trưởng kinh tế mang lại.

Để có được quyết sách đi vào lòng dân như vậy, thường trực HĐND thành phố Hải Phòng đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động TXCT ở tất cả các cấp huyện, xã, thường xuyên đổi mới hình thức TXCT như: luân phiên theo từng nhóm vấn đề, nội dung của kỳ họp, đồng thời thay đổi các địa điểm, đơn vị TXCT từ các xã, phường, thị trấn đến các quận, huyện, đơn vị khác nhau theo từng đợt, giảm tỷ lệ cử tri là cán bộ, công chức, tăng số lượng cử tri là người dân các địa phương. Do vậy, các đại biểu lắng nghe được nhiều ý kiến tham gia góp ý vào các vấn đề liên quan nhiều đến các lĩnh vực an sinh xã hội, đóng góp xây dựng các nghị quyết quan trọng tại các kỳ họp HĐND.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập phát biểu bế mạc Hội nghị TXCT với nguyên lãnh đạo thành phố về nội dung Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa XVI

Nét mới trong hai nhiệm kỳ vừa qua là hoạt động TXCT của Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng theo chuyên đề với các nguyên lãnh đạo chủ chốt của thành phố, đại diện cử tri là thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố, MTTQ Việt Nam thành phố, đại diện thành viên Câu lạc bộ Bạch Đằng và một số tổ chức hội chuyên ngành (như Hội Kiến trúc, Hội Xây dựng, Hội Khoa học Kinh tế, Hội Tâm lý giáo dục, Hội Cựu giáo chức…). Qua đó, tiếp thu được nhiều ý kiến tham gia, đóng góp tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm vào nội dung của kỳ họp và gợi mở nhiều giải pháp thiết thực giúp HĐND có những quyết sách đúng, trúng, thiết thực, hợp lòng dân.

Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo các cơ quan giúp việc trước mỗi kỳ họp tổng hợp các kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền thành phố thành 2 báo cáo. Theo đó, đối với những kiến nghị thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng có tính chất rộng, đa ngành, ảnh hưởng nhiều tới hầu hết cử tri và Nhân dân thành phố được tổng hợp thành Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị chung của cử tri. Báo cáo này được gửi tới UBND thành phố trước mỗi kỳ họp thường lệ HĐND thành phố; UBND thành phố có trách nhiệm báo cáo, giải trình đầy đủ, kịp thời tại kỳ họp gần nhất về kết quả thực hiện để cử tri và Nhân dân cùng giám sát.

Đối với những kiến nghị còn lại, nhất là những nội dung có tính chất cụ thể, rõ việc, rõ địa chỉ, liên quan nhiều tới cử tri ở các quận, huyện được tổng hợp thành Báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri; gửi UBND thành phố sau mỗi kỳ họp thường lệ HĐND thành phố. Trước khi kỳ họp lần sau diễn ra, UBND có trách nhiệm báo cáo HĐND thành phố bằng văn bản về kết quả đã giải quyết để đại biểu HĐND thành phố báo cáo kết quả giải quyết với cử tri nơi đại biểu được bầu tại cuộc TXCT trước mỗi kỳ họp thường lệ.

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về an sinh xã hội 

Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được thực hiện dưới nhiều hình thức. Trong đó, một trong những hình thức được đại biểu HĐND và cử tri đặc biệt quan tâm là hoạt động chất vấn. Phiên chất vấn và trả lời tại mỗi kỳ họp HĐND đều hướng vào một số nhóm vấn đề lớn đang gây bức xúc trong Nhân dân và là “điểm nghẽn” cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu HĐND các cấp đã tích cực tranh luận, nêu cao trách nhiệm giám sát, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. Những kiến nghị kéo dài, chưa được giải quyết triệt để, đại biểu HĐND giám sát trực tiếp, có tư liệu minh chứng cụ thể để tái chất vấn, yêu cầu cơ quan chủ trì giải trình, cam kết tiến độ thực hiện.

Đáng chú ý, các kiến nghị cử tri nêu thuộc trách nhiệm của Thường trực HĐND, UBND về ban hành cơ chế, chính sách được tiếp thu khá đầy đủ và kịp thời. Thường trực HĐND đã phối hợp với UBND chỉ đạo xây dựng các đề án trình HĐND cùng cấp quyết định theo thẩm quyền. Nhiệm kỳ vừa qua, HĐND thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều nghị quyết mới về an sinh xã hội với những cơ chế, chính sách đặc thù có tính vượt trội, đứng trong tốp đầu cả nước đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, tạo sự phát triển đột phá về lĩnh vực an sinh xã hội. 

Có thể kể đến các quyết sách: Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố Hải Phòng. Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Nghị quyết số 54/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Nghị quyết số 53/2019/NQ-HĐND về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020 - 2025...

Từ đó, làm cơ sở để HĐND cấp huyện, xã ban hành nghị quyết phù hợp từng địa phương. Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện trong việc ban hành chính sách, Thường trực HĐND thường xuyên đề nghị rà soát, hệ thống hóa các chính sách hỗ trợ để đánh giá hiệu quả thực hiện, những tác động của việc thay đổi chính sách trình HĐND xem xét, quyết định. 

Hải Yến

Các bài viết khác