CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN CẦN QUÁN TRIỆT ĐẦY ĐỦ, SÂU SẮC QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ BẢO ĐẢM TUYỆT ĐỐI TÍNH HỢP HIẾN
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Kết cấu dự kiến của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 05 nội dung lớn: Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; Về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.
Ngoài những nội dung trên, dự thảo Luật còn quy định chặt chẽ về: Tổ chức xét xử; Bảo vệ Tòa án; Điều kiện bảo đảm; Tòa án điện tử; Hợp tác quốc tế; Chế độ khen thưởng, kỷ luật; Điều khoản thi hành;…
Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014, các ý kiến chuyên gia nhấn mạnh, nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Tuân, Hội luật gia Việt Nam cần thể hiện rõ hơn sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, trong đó nhấn mạnh đến: Quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, trong đó cần chỉ ra những kết quả, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế; Kinh nghiệm nước ngoài về hệ thống tòa án.
Về mục đích, quan điểm xây dựng luật, TS. Nguyễn Văn Tuân đề nghị cần làm rõ “tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp”, vì việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 đã được thể hiện trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Còn những quy định nào của Hiến pháp năm 2013 chưa được cụ thể hóa?; làm rõ “bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
TS. Nguyễn Văn Tuân, Hội luật gia Việt Nam
Tán thành việc kịp thời sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014, TS. Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân đánh giá cao nội dung dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật TS. Nguyễn Mai Bộ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát hoàn thiện quy định về “Hội đồng tư pháp quốc gia”, “Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự”;…
Trong đó, TS. Nguyễn Mai Bộ lưu ý, dự thảo luật mới chỉ đề cập tới chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia từ khi nhận được hồ sơ do Tòa án nhân dân cấp dưới đề nghị. Do vậy, việc lý giải tại Tờ trình “Hội đồng tư pháp quốc gia có chức năng … để tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các Tòa án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của Thẩm phán và độc lập giữa các cấp Tòa án; phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử” là chưa thật sự thuyết phục. Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung để bảo đảm sự công tâm, khách quan và tuyển chọn được người có trình độ, năng lực làm Thẩm phán ngay từ khâu phát hiện và trong quá trình đề nghị bổ nhiệm từ cơ sở.
TS. Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân
Tiếp cận dự án luật, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan tới tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân; tiếp tục cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quy định của luật và thực tiễn tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp, góp phần hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, tán thành với 5 quan điểm chỉ đạo về sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được nêu trong Tờ trình, như thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, Tòa án; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và tham khảo có chọn lọc pháp luật, kinh nghiệm quốc tế về tổ chức, hoạt động của Tòa án, mà phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Liên quan đến phạm vi sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, dự thảo Luật lần này được sửa đổi, bổ sung thêm nhiều vấn đề có liên quan đến Tòa án nhân dân. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động các chính sách mới được đề xuất có liên quan đến sửa đổi, bổ sung về tổ chức, các nhiệm vụ, quyền hạn mới của Tòa án nhân dân, trên cơ sở đó nghiên cứu, lựa chọn và quy định vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) những vấn đề thực sự cần thiết, đã được làm rõ về mặt lý luận và kiểm chứng qua thực tiễn, nhằm bảo đảm chất lượng dự án luật, phù hợp với thực tiễn và có tính khoa học, tính khả thi cao.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến
Cùng quan điểm, ThS. Lại Thị Thu Hà, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đề xuất nhiều nội dung mới liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân như: Một là, đề xuất bỏ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính; Hai là, bổ sung 03 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án nhân dân, gồm: Xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật ; Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật; Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử.
Nghiên cứu dự thảo luật, ThS. Lại Thị Thu Hà đề nghị nghiên cứu tiếp tục quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhân dân. Đồng thời, đề nghị quy định rõ, cụ thể nội hàm các vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xét xử của TAND tại khoản 3, khoản 4 Điều 26 dự thảo Luật để tăng cường tính minh bạch, tránh sự trùng lặp với thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác và tạo thuận lợi cho việc đánh giá sâu sắc, sát thực về tác động của chính sách và tính khả thi trong thực tiễn./.