Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các ý kiến cho rằng, sửa đổi nhằm hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay.
Toàn cảnh thảo luận Tổ 13, gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang.
Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến tài sản đấu giá (khoản 1, Điều 1), dự thảo Luật quy định: “1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau: 1. Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:…”. Về quy định này, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy định như trên có thể được hiểu là: tất cả các tài sản trên khi bán đều phải được thực hiện thông qua đấu giá. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay có nhiều tài sản được nhận làm tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá khi xử lý như tiền, giấy tờ có giá…
Ngoài biện pháp đấu giá, tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với bên bảo đảm nhiều biện pháp xử lý khác như tổ chức tín dụng nhận chính tài sản bảo đảm hoặc bán, chuyển nhượng cho bên khác… Do đó, quy định như trên là không hợp lý, đề nghị điều chỉnh lại như sau: “1. Trường hợp pháp luật chuyên ngành về các lĩnh vực sau đây có quy định tài sản phải được bán bằng hình thức đấu giá, thì áp dụng Luật này khi bán tài sản đó, cụ thể:…”.
Về niêm yết việc đấu giá tài sản (khoản 9, Điều 1), theo đại biểu Trần Thị Vân, tổ chức bán đấu giá có thể có những chi nhánh ở các địa phương khác nhau và các chi nhánh của tổ chức này là nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Do vậy, nếu chỉ quy định niêm yết ở trụ sở trong khi không niêm yết ở chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá sẽ không có ý nghĩa trong việc công bố và tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét sửa nội dung tại khoản 9, Điều 1 dự thảo Luật như sau: từ “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức” thành “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở hoặc chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản là tổ chức”.
Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Đại biểu Trần Thị Vân nêu quan điểm, đấu giá quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt, cần phải cho người tham gia đấu giá có thời gian chuẩn bị về năng lực tài chính, cũng như việc kéo dài thời gian sẽ có thể tăng số lượng người tham gia đấu giá… Có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định theo hướng tất cả các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai phải niêm yết trước ngày mở cuộc đấu giá ít nhất là 30 ngày.
Quan tâm đến việc thời gian thông báo công khai việc đấu giá tài sản, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, điểm d khoảng 19 Điều 1 dự thảo luật quy định: “3.Thời gian thông báo công khai quy định tại khoản 1 Điều này ít nhất là 07 ngày làm việc đối với tài sản là động sản, 15 ngày đối với tài sản là bất động sản trước ngày mở cuộc đấu giá. Việc thông báo công khai quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện đồng thời với việc niêm yết đấu giá tài sản quy định tại khoản 1a Điều 35 của Luật này”. Có 02 hình thức phải công khai là trên báo in hoặc báo hình và hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo chưa quy định rõ 07 ngày làm việc hay 15 ngày đối với trường hợp công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia là tính từ lần 1 hay lần 2; đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể nội dung này.
Đóng góp ý kiến về đấu giá trực tuyến hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để tận dụng được lợi ích của đấu giá trực tuyến, dự án luật cần bổ sung các quy định riêng về hình thức này.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chế định về đấu giá trực tuyến, đấu giá công khai là rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng, xét cả ở yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có liên quan trong hoạt động đấu giá, góp phần ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, hạn chế trong hoạt động đấu giá.
Điều 40 Luật hiện hành có liệt kê 04 hình thức đấu giá nhưng chưa quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục của hình thức đấu giá trực tuyến. Do đó, đề nghị bổ sung 01 điều về hình thức đấu giá trực tuyến để quy định chi tiết hơn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá thông qua hình thức trực tuyến (bao gồm cả việc sử dụng và chi phí sử dụng hệ thống đấu giá trực tuyến của Cổng đấu giá tài sản quốc gia).
Đối với đào tạo, bồi dưỡng đấu giá viên, khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung điểm đ1 vào sau điểm đ khoản 2 Điều 19 như sau: “đ1) Tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định;”. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cân nhắc quy định này, đảm bảo mối quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội. Theo đó, cần xem lại quy định đấu giá viên phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá viên hàng năm bởi việc bồi dưỡng nghiệp vụ này là tự nguyện, không nên bắt buộc, vì đã có chứng chỉ hành nghề bắt buộc theo quy định; tránh việc có thể dẫn đến hiểu nhầm rằng việc thêm điểm này vào dự thảo Luật là có yếu tố lợi ích trong hệ thống đào tạo; Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đã là việc phải làm hàng ngày đối với đấu giá viên, để hành nghề và sống được với nghề, nếu không sẽ tự động bị nền kinh tế thị trường đào thải. Đồng thời, bồi dưỡng hằng năm không thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, gây gia tăng chi phí xã hội, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc không chỉ của đấu giá viên tham gia bồi dưỡng mà còn của cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi bồi dưỡng.
Cũng quan tâm đến quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu giá viên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc vẫn quy định theo hướng nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đại biểu cho rằng, muốn trở thành đấu giá viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đấu giá tài sản, các tổ chức đấu giá phải tổ chức bồi dưỡng hành nghề để thưc hiện đúng quy định của pháp luật. Nếu dự thảo luật quy định “nghũa vụ” tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ có thể dẫn tới một số trường hợp không cần tham gia các lớp tập huấn. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa từ “nghĩa vụ” sang “quyền được bồi dưỡng” về chuyên môn nghiệp vụ về đấu giá viên.
Một số hình ảnh tại Tổ 13:
Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 13, gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đại biểu nghiên cứu tài liệu
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị ban soạn thảo làm rõ quy định về thời gian thông báo công khai việc đấu giá tài sản
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung các quy định liên quan đến đấu giá tài sản qua mạng
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp tổ 13.
Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị quy định tiêu chuẩn của đấu giá viên phải đảm bảo chuyên môn, đảm bảo tính độc lập.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị nghiên cứu thêm các chế tài mạnh hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng ko nộp tiền để tránh các nhu cầu ảo.
Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.