Sau 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, đã có 69 đại biểu phát biểu, có 24 đại biểu tham gia tranh luận. Có 5 Bộ trưởng đã tham gia giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bên lề phiên họp, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương xoay quanh các nội dung quan trọng này nhằm nhìn nhận, đánh giá về các vướng mặc, tồn tại, các đề xuất, kiến nghị giải pháp tại nghị trường mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đề cập thẳng thắn tới những vấn đề mang tính thời sự, nhiều trăn trở
Phóng viên: Sau 1,5 ngày Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu đánh giá thế nào về không khí thảo luận tại nghị trường và các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đề cập, kiến nghị?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Như mọi kỳ họp Quốc hội khác, phiên họp thảo luận về kinh tế - xã hội bao giờ cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân trong cả nước; sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ từ báo cáo của Chính phủ, từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, từ thực tiễn cuộc sống, các đại biểu Quốc hội kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những vấn đề cần được quan tâm, tháo gỡ và giải quyết; những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để trong thời gian tới, chúng ta khắc phục được những khó khăn, tháo gỡ được những điểm nghẽn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch năm đã đề ra và tiến tới thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Các nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm tập trung nhiều vào những “điểm nóng” kinh tế - xã hội hiện nay như: vấn đề đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp để đảm bảo cuộc sống người nông dân; vấn đề quản lý chung cư mini như thế nào để tránh những sự cố đáng tiếc gây thiệt hại quá lớn về con người và tài sản như đã xảy ra thời gian qua; vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô như thế nào trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng năng suất lao động; vấn đề đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa; vấn đề phát triển và chấn hưng văn hoá...
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề rà soát văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị công việc này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để phát hiện những chồng chéo, bất cập để sửa đổi.
Những vấn đề liên quan đến y tế, an sinh xã hội... cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đây là những gửi gắm từ ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng của nhân dân, cử tri.
Tôi cho rằng, qua 1,5 ngày, phiên thảo luận kinh tế - xã hội đã đề cập thẳng thắn tới những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề còn nhiều trăn trở. Với không khí sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, các đại biểu Quốc hội rất tâm huyết và trách nhiệm trong thảo luận và tranh luận.
Cử tri và nhân dân trong cả nước theo dõi rất sát phiên thảo luận này qua các phương tiện thông tin đại chúng và có nhiều phản hồi, đánh giá rất tích cực về nội dung, chất lượng các phiên thảo luận kinh tế - xã hội.
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Phóng viên: Để phục hồi và phát triển kinh tế, nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng, qua đó giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi hoàn toàn nhất trí với những ý kiến đó. Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ: 9 tháng đầu năm 2023 đã cắt giảm, đơn giản hoá gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh. Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tuy nhiên, song song với đó, cũng trong 9 tháng đầu năm, chúng ta cũng cập nhật gần 18 nghìn quy định kinh doanh. Đây vẫn là con số khổng lồ. Và bao nhiêu thủ tục, quy định trong số gần 18 nghìn quy định mới cập nhật đó sẽ bị bãi bỏ trong thời gian tới?
Theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp và qua thực tế rà soát, thủ tục hành chính hiện nay của chúng ta vẫn quá "rườm rà", nhiều khi thành điểm nghẽn, là thách thức với các doanh nghiệp.
Trong báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, hiện vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết mặc dù không nhiều.
Tuy nhiên, đợt rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vừa qua được tiến hành khẩn trương nhưng trong một thời gian ngắn (từ sau Kỳ họp 5 đến trước Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV) nên có những nội dung còn chồng chéo, bất cập mà chưa được rà soát hết, chưa được thống kê trong báo cáo.
Vì vậy, theo tôi, trong thời gian tới, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Chừng nào còn những vướng mắc trong quy định thì chừng đó còn sự lúng túng, còn điểm nghẽn khi tổ chức thực hiện.
Nâng cao năng suất lao động là điểm then chốt để tăng thu nhập xã hội
Phóng viên: Trước những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua, đại biểu có kiến nghị giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế - xã hội trong thời gian tới?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Các đại biểu Quốc hội qua thảo luận đã đề xuất rất nhiều các giải pháp thuyết phục và khả thi để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Với cá nhân tôi, tôi rất quan tâm đến các giải pháp để nâng cao năng suất lao động xã hội. Đây là điểm then chốt để tăng thu nhập xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, chúng ta đang có một lực lượng lao động rất dồi dào, nhưng năng suất lao động kém (so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới), gây ra nhiều lãng phí như lãng phí trong đầu tư mà chưa thu được hiệu quả tối ưu, lãng phí trong nguồn lực con người, lãng phí thời gian....
Đi đôi với giải pháp nâng cao năng suất lao động xã hội, tôi còn quan tâm đến những giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ngại khó, ngại khổ, có tư tưởng ỷ lại, chây ỳ, tránh né trong công việc. Tuy đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số cán bộ công chức, viên chức nhưng hậu quả gây ra lại không nhỏ chút nào.
Nếu không sớm có giải pháp chấn chỉnh và chấm dứt hiện tượng này, tôi cho rằng, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Khi khó khăn, trở ngại đến từ chính những con người thực thi công vụ thì tác hại của nó lớn hơn nhiều so với những khó khăn khách quan khác.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.