GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: PHÂN BỔ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN BA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA CÒN MANH MÚN, DÀN TRẢI

30/10/2023

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua hoạt động giám sát tại địa phương và trực tiếp tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương của cả ba Chương trình này còn chậm, pân bổ manh mún, dàn trải.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU NGÀY 30/10: TIẾP TỤC THẢO LUẬN VIỆC TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh Quốc hội giám sát việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia

Giám sát tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Nhờ vậy, kết quả triển khai các Chương trình giai đoạn này bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện.

Chính phủ và các Bộ, ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát liên ngành và riêng từng Chương trình. Đại biểu nhấn mạnh, thông qua hoạt động giám sát, cán bộ các ngành, các cấp, từ Trung ương đến địa phương nhận thức được thực chất, đầy đủ hơn về thực trạng các Chương trình, là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới một cách toàn diện, đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Qua giám sát thực tế tại địa phương cũng như trực tiếp tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện các Chương trình. Đó là hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý, nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện, có nội dung trích dẫn dẫn đến nhiều văn bản khác. 

Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Phần lớn các văn bản ban hành đều có vướng mắc phải sửa đổi, bổ sung, nhất là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình và nhiều thông tư khác quan trọng, liên quan đến quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước, định mức thực hiện một số chính sách sử dụng vốn sự nghiệp còn thấp, chậm được sửa đổi, quy trình thực hiện phức tạp.

Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La khẳng định, lần đầu tiên triển khai đồng loạt ba Chương trình mục tiêu quốc gia và được rất nhiều cử tri, Nhân dân và đại biểu mong chờ, tin tưởng, kỳ vọng. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Với tinh thần Quốc hội đồng hành với Chính phủ, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Qua giám sát phát hiện rất nhiều vướng mắc, trong đó phải kể đến việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Đơn cử, chỉ có ba thông tư hướng dẫn của ba Chương trình nhưng đã dẫn chiếu đến 324 văn bản khác nhau, như vậy rất khó cho địa phương thực hiện. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 và sửa Nghị định 27 và một số thông tư đã được sửa đổi nhưng vẫn còn sáu điểm nghẽn Chính phủ đang trình Quốc hội tháo gỡ tại Kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục rà soát, tính toán thêm về các cơ cấu nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là vốn đầu tư ở các chương trình hiện nay đang được phân bổ manh mún, dàn trải.

Còn đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Gia Lai được hưởng chính sách này rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân của tỉnh đối với nội dung này rất thấp. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét được chuyển nguồn của năm 2023 sang năm 2024 để địa phương tiếp tục triển khai các nội dung đã có trong giai đoạn 2021-2025. Theo đại biểu, nếu không cho phép chuyển nguồn sẽ rất khó khăn để các địa phương đạt được mục tiêu kế hoạch trong chương trình này.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá tiến độ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đồng đều, có nội dung thành phần chương trình như hỗ trợ đất sản xuất chưa đạt được kết quả như mong muốn, trong đó một số địa phương không có quỹ đất, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất; hay tiến độ hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cũng chậm tiến độ.

Theo thống kê, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 03 Chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. Đến 31/01/2023 vốn năm 2022 giải ngân chỉ đạt 42,49% kế hoạch; giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch. Khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn.

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Đại biểu Trần Quang Minh cho biết, giống như nhiều địa phương triển khai Chương trình, tại Quảng Bình cũng đang gặp vướng mắc trong hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo. Đặc biệt, với mức hỗ trợ chuyển đổi nghề chỉ 10 triệu đồng thì khó có thể chuyển đổi nghề bền vững, hơn nữa người nghèo không có thông tin và không có sự tư vẫn chuyển đổi nghề phù hợp. Chưa kể, quá trình triển khai tại địa phương chưa thống nhất, mỗi nơi có hiểu và triển khai thực hiện chính sách khác nhau…

Theo đại biểu Trần Quang Minh cần thành lập bộ máy chỉ đạo, điều hành thống nhất ở địa phương, tuy nhiên hiện mới chỉ có Văn phòng điều phối của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đã được triển khai trong giai đoạn trước. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cử cán bộ chuyên trách giúp việc thực hiện Chương trình.

Đại biểu đề xuất nên gộp tất cả ba Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức thành một Văn phòng để tham mưu trực tiếp cho ban chỉ đạo của tỉnh. Thời gian tới, nếu có các Chương trình mục tiêu quốc gia khác sẽ được tổ chức tại Văn phòng này và cử cán bộ chuyên trách của các sở, ban ngành chuyên ngành để thống nhất đầu mối chỉ đạo, điều hành.

Đối với phân bổ nguồn vốn, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng cần tiến hành phân bổ sớm, nhất là vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần xem xét phân bổ nguồn vốn cụ thể đối với từng địa phương, bởi không phải địa phương nào cũng có đủ nguồn vốn đối ứng thực hiện chương trình như quy định của Trung ương. Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Quan tâm hơn đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở đang gặp nhiều khó khăn về trình độ, năng lực, địa bàn hoạt động rộng, thiếu nhân lực, phương tiện truyền thông còn hạn chế, trong khi năng lực tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số cũng có hạn. Cần có cơ chế huy động và đãi ngộ đối với lực lượng ở thôn bản như già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia cùng với cán bộ chuyên trách tổ chức tuyên truyền chính sách tới từng hộ dân.

Lan Hương - Trọng Quỳnh