TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC

25/10/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

DANH SÁCH 44 NGƯỜI ĐƯỢC QUỐC HỘI LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ; THÔNG QUA DANH SÁCH LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp 

Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung:

8h56: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng nay, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.

Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo.

8h57: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước và cho rằng: việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển Điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành “Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và bổ sung, chỉnh lý Điều 5 “Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước”, chỉnh sửa toàn diện Điều này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để triển khai Đề án 06, thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết; đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong các trường thông tin quy định tại Điều này có 07 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển nội dung đoạn 2 khoản 3 Điều 22 sang Điều 33, theo đó chỉ quy định khi phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử; không yêu cầu phải so sánh, đối chiếu thông tin trong mọi trường hợp.

Về cấp, quản lý căn cước điện tử, Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý lại khoản 12 Điều 3 về “danh tính điện tử của công dân Việt Nam”, lược bỏ Điều 32 dự thảo Luật và chỉnh lý khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật để thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa “danh tính điện tử” và “căn cước điện tử”; chỉnh lý khái niệm về căn cước điện tử tại khoản 16 Điều 3; bổ sung 03 khoản tại Điều 31 quy định cụ thể hơn về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử; chỉnh lý tên Điều 33 thành “Giá trị sử dụng của căn cước điện tử”, bỏ khoản 2 Điều 33, chuyển nội dung này về Điều 34 và thiết kế thành khoản 5 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. 

Về hiệu lực thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trên cơ sở báo cáo, đề nghị của Ban soạn thảo, UBTVQH thấy rằng cơ bản đến ngày 01/7/2024, các quy định của Luật có thể triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan cũng như việc sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính trong thời gian tới; không có nội dung nào cần phải quy định có hiệu lực trước. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát và đầu tư cơ bản, có hiệu quả, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để việc khai thác, sử dụng ứng dụng định danh quốc gia đạt hiệu quả.

Về quy định chuyển tiếp, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 Bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện. Vì vậy, quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31/12/2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân.

9h15: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án luật này. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. 

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo luật hiện có 7 Chương, 46 Điều. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề: dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa, các điều khoản tiếp thu, giải trình đã đảm bảo tính hợp lý chưa; tên gọi của dự thảo luật; nội dung giải thích từ ngữ, đặc biệt là một số khái niệm số định danh cá nhân, tích hợp thông tin… đã đảm bảo đầy đủ, rõ ràng chưa? Quy định về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với việc phân loại thông tin cung cấp bắt buộc và thông tin cung cấp tự nguyện có hợp lý không...

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

9h19: Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Cân nhắc việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt 

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước, cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo Luật này…

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại điểm b khoản 3 Điều 23 Dự thảo Luật. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

9h22: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Tại khoản 5 Điều 6 của dự thảo luật quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước là: cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước. Như vậy cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tỉnh hay cấp huyện đều được cấp căn cước. Tuy nhiên theo Điều 28 của dự thảo quy định thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Do đó cơ quan soạn thảo cần xem xét  định nội dung này thống nhất.

Về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả nhóm máu, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai, và cũng không thống nhất với Luật Cư trú.

9h25: Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu đã đề cập nhiều vấn đề, giải trình nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nêu rõ, tài liệu dự án luật lần này gửi đến đại biểu Quốc hội còn muộn. Đây là dự án luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 80 triệu người dân và có nhiều nội dung có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, với việc gửi tài liệu muộn sẽ gây khó khăn cho các đại biểu trong việc nghiên cứu để tham gia góp ý hoàn thiện dự án luật...

Góp ý về quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ bày tỏ nhất trí với việc cần cấp giấy tờ tuỳ thân, xác định căn cước cho những đối tượng trên để phục vụ quản lý xã hội đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhằm có cơ chế quản lý có hiệu quả đối với nhóm đối tượng này. Qua đó, tạo điều kiện để họ có thể tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu, bảo đảm cuộc sống.

9h32: Nghỉ giải lao (20 phút)

 

9h55: ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chậm gửi tài liệu kỳ họp

Thống nhất với ý kiến đại biểu Nguyễn Phương Thủy phát biểu trước đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan gấp rút gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho biết việc chậm gửi tài liệu sẽ gây khó khăn cho đại biểu nghiên cứu sâu để phát biểu. Do đó, đề nghị rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Đối với các nội dung cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu cho bị theo dõi. Để công dân an tâm, đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này. 

Bày tỏ thống nhất với việc đổi tên là thẻ căn cước song đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình tránh trường hợp như trước đây cấp thẻ căn cước không gắn chíp sau 1 tháng lại áp dụng cấp thẻ căn cước gắn chíp gây ra tốn kém. 

Cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ tán thành với quy định này là cần thiết để bảo đảm quản lý. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa bảo lưu thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước và thẻ căn cước do giám đốc công an tỉnh cấp như quy định trước đây. Đại biểu cho rằng nếu để cho Bộ Công an thực hiện cấp thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kĩ hơn quy định này. 

Cho ý kiến về những nội dung thể hiện trên thẻ căn cược, đại biểu cho rằng bắt buộc có 7 thông tin chính như họ tên, năm sinh, quốc tịch, giới tính v.v. Tuy nhiên, những trường hợp còn lại, đại biểu cho rằng nên thể hiện là không bắt buộc, khuyến khích người dân cung cấp thêm ngoài những quy định bắt buộc để tích hợp vào thẻ căn cước.

10h02: Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Đồng tình với việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước

Góp ý vào dự án Luật Căn cước, đại biểu cơ bản thống nhất cao với dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra về dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về tên gọi của dự thảo luật, đại biểu đồng tình với việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Lương Văn Hùng cho biết, tại Điều 2 dự thảo Luật quy định về đối tượng áp dụng là “…người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch;..”, nhưng tại khoản 17 Điều 3 dự thảo Luật chỉ giải thích từ ngữ đối với Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; đồng thời, trong dự thảo luật không có đề cập, quy định gì đến người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, chỉ quy định đối với Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét, làm rõ và quy định lại cho thống nhất nội dung này.  

Cũng tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người”. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét, nghiên cứu thay thế cụm từ “cơ bản” bằng cụm từ “chính xác” để quy định mang tính chặt chẽ hơn. Do vậy, khoản 1 Điều 3 đề nghị sửa thành:“Căn cước là thông tin chính xác về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người”. 

Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 19), tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét bỏ quy định “Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”, vì đối với trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi không tự mình thực hiện được các giao dịch dân sự; trường hợp được cấp thẻ căn cước thì việc thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ, nội dung này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính và các chi phí thực hiện.

Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước quy định tại khoản 1 Điều 30, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, về mặt quản lý nhà nước thì quy định này chưa xác định được việc “sinh sống liên tục” là có đăng ký (thường trú, tạm trú) với cơ quan Nhà nước hay không. Trường hợp yêu cầu phải có đăng ký (thường trú, tạm trú) thì đề nghị xem xét, bổ sung cho phù hợp; trường hợp không cần phải có đăng ký (thường trú, tạm trú) thì đề nghị xác định rõ cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác định việc sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên trong quy định trên là cơ quan nào để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và dễ áp dụng thực hiện.

10h07: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo luật

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành tên gọi Luật Căn cước, vì tên gọi này thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật, bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo luật.

Đại biểu cũng cho rằng, tên gọi Luật Căn cước cũng thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta. Việc thay đổi tên thẻ cũng đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Theo đại biểu, việc sửa đổi tên Luật cũng hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho Hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực. Nếu để tên thẻ là thẻ Căn cước công dân thì chưa đảm bảo tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của quốc tế, có thể phát sinh khó khăn nhất định khi dùng thẻ ở các quốc gia khác, hoặc dùng thẻ với mục đích hội nhập quốc tế. 

Điều 46 của dự thảo Luật quy định rằng, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Quy định về căn cước công dân, chứng minh nhân dân tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước được cấp theo quy định của Luật này. Đại biểu cho rằng, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thêm thủ tục, chi phí đổi thẻ đối với người dân, làm tăng chi ngân sách nhà nước.

10h14: Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.

10h18: Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư

Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao dự thảo trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có nhiều bước đổi mới trong quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước.

Đại biểu nhấn mạnh, việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước là phù hợp, vì đối tượng áp dụng của luật không chỉ là công dân Việt Nam, mà còn là người gốc Việt, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, cơ sở, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thể là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung nghĩa vụ phải chấp hành quyết định và xử phạt hành chính người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm về thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước. 

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các thông tin sau vào Điều 9 dự thảo luật, gồm sổ bỏ hiểm xã hội, sổ thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, giấy tờ hộ tịch được cấp, để cập nhật đầy đủ các thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dân cư.

10h23: Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Khẳng định tính pháp lý thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật nhằm hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, khắc phục các nhược điểm thiếu sót của pháp luật căn cước hiện hành. Đại biểu cũng đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước; đồng thời bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật Căn cước như Tờ trình của Chính phủ. (còn tiếp)

Đại biểu cũng góp ý về tích hợp thông tin vào căn cước, dự thảo bổ sung quy định về tích hợp thông tin mang tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân, giúp giảm giấy tờ, thực hiện cải cách hành chính, nhưng hiện nay công dân vẫn phải sử dụng hai hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân. Điều này có thể dẫn tới tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc. Đại biểu đề xuất cần có giải pháp tích hợp, kết nối kịp thời và khẳng định tính pháp lý thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử. 

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng cho rằng, tránh việc lạm dụng đánh cắp cơ quan của công dân, cơ quan soạn thảo nghiên cứu cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

10h28: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Bổ sung định danh điện tử đối với người Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này cơ bản đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; đánh giá cao về sự chủ động, tích cực của Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cũng như cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đại biểu chỉ rõ, dự án Luật đã xác định rõ đối tượng điều chỉnh của dự án luật là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống trên đất nước Việt Nam, đây là hai đối tượng đã được xác định tại Điều 2 dự thảo Luật...

Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định tại Điều 3 quy định về định danh điện tử. Theo đó, đại biểu đề xuất bổ sung định danh điện tử đối với công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là hoạt động xác thực điện tử đối với danh tính điện tử của công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; là hoạt động xác nhận, khẳng định tính chính xác của danh tính điện tử thông qua khai thác, đối chiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, chế định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật đối với căn cước cũng như giấy chứng nhận căn cước đối với công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam phải có chế định về phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật

10h35 Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu tranh luận

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh về việc đưa đối tượng người không có quốc tịch nói chung vào đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng này nhằm quản lý các thông tin về căn cước, việc quản lý việc cư trú chứ không để thực hiện các chính sách xã hội khác.

Liên quan đến việc cấp đổi thẻ căn cước cho công dân tại các đơn vị hành chính mà thực hiện thay đổi địa giới hành chính, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng thông tin về nơi cư trú là thông tin động, nên việc thay đổi nơi cư trú thì người dân không phải thay đổi thẻ căn cước.

10h38: Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước tạo thuận lợi hơn cho người dân

Bày tỏ, thống nhất với dự thảo Luật và đánh giá cao sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật một cách toàn diện trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước trong dự thảo luật đã có những thay đổi cải tiến tạo thuận lợi hơn cho người dân. 

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung chỉ rõ, nội dung thể hiện trên thẻ căn cước được sửa đổi, bổ sung theo hướng được bỏ vân tay, sửa đổi quy định về thông tin số thẻ, căn cước, dòng chữ Căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ thẻ căn cước nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú. Đại biểu cho rằng thay đổi, cải tiến như trên tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ Căn cước, hạn chế việc cấp đổi thẻ Căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ Căn cước.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng, mỗi công dân Việt Nam được cấp duy nhất một số định danh cá nhân không trùng lặp với nhau nên dự thảo Luật quy định nơi đăng ký khai sinh là phù hợp, thống nhất với số định danh mà công dân đã được cấp. Do đó, không nhất thiết phải điều chỉnh thành nơi đăng ký khi sinh lần đầu. 

Việc chỉnh lý thông tin nơi thường trú in trên thẻ Căn cước công dân thành nơi cư trú in trên thẻ Căn cước là phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ Căn cước, đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Từ các quy định của dự thảo Luật, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cũng cho rằng việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước hay chi phí của xã hội.

Về quản lý người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở nước ta, theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được nhà Nhà nước xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, do họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không có hộ chiếu, không căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong việc quản lý. Do vậy, theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, dự thảo quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chứ không phải cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp. Quy định này thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước ta và cũng là cơ sở để người gốc Việt Nam có điều kiện để thực hiện được trách nhiệm với xã hội, với địa phương nơi đang sinh sống.

10h43: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thấy, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, giải trình rõ ràng và chỉnh lý nhiều nội dung so với trước đây.

Về khoản 2 Điều 7, đại biểu cho rằng nên gộp vào hành vi giữ thẻ căn cước vào khoản 1 các hành vi bị nghiêm cấm thành cấp đổi, cấp lại, giữ, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

Đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đối với các nội dung làm rõ hơn các quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu, tính bảo mật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước - được xác định là cơ sở dữ liệu duy nhất của Nhà nước được Chính phủ đầu tư bài bản cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm được quản lý giám sát bởi đội ngũ chuyên môn, về công nghệ thông tin, an ninh mạng. Do đó, việc truy xuất thông tin được thực hiện theo quy trình kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ, bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin. 

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng bày tỏ đồng tình với quy định sử dụng thẻ căn cước gắn chip được tích hợp thông tin nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch khác, không xung đột với các quy định chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên, không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước có liên quan với các giấy tờ đang quản lý trong điều kiện bảo đảm bảo và mật an toàn thông tin cho đối tượng có thẻ.

Liên quan đến việc sử dụng thẻ gắn chip song song với sử dụng mã QR, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ sử dụng chip điện tử trên thẻ căn cước là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự mà không nên tích hợp mã QR cùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

10h49: Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Cân nhắc kỹ lưỡng trong chọn lựa thông tin cố định lưu trữ, mã hóa, tích hợp trong thẻ căn cước

Đánh giá cao nhiều nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung cho biết, Điều 5 về quyền và nghĩa cụ của công dân có quy định, công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ sau đây: Làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước. 

Cùng với đó, công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật. Nộp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định tại Luật này.

Tuy nhiên, dự thảo luật không bổ sung quy định quyền yêu cầu cơ quan quản lý về căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin tại khoản 1 Điều 5. Như vậy, công dân không có quyền và trách nhiệm chủ động đến cơ quan quản lý căn cước để cập nhật khi thông tin trong thẻ căn cước thay đổi, trong khi thông tin trong thẻ căn cước có nhiều thông tin động, thay đổi thường xuyên. Điều đó dẫn đến nảy sinh nhiều sai lệch thông tin trong giao dịch, khi công dân sử dụng thẻ căn cước, gây thiệt hại cho người dân, tổ chức liên quan. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong chọn lựa thông tin cố định lưu trữ, mã hóa, tích hợp trong thẻ căn cước.

10h56: Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận

Tranh luận về giá trị của giấy chứng nhận căn cước, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận thấy việc bổ sung này chủ yếu liên quan đến thông tin của cơ sở dữ liệu và thông tin trong giấy chứng nhận, chưa làm rõ được địa vị pháp lý của nhóm người gốc Việt Nam.

Theo đại biểu, nhóm người gốc Việt Nam không có trong đối tượng của Luật Quốc tịch cũng như Luật Hộ tịch, họ được làm gì và không được làm gì, có được cấp giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn như một số đại biểu phát biểu hay không? Đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị phải làm rõ; hoặc quy định mang tính nguyên tắc ngay trong luật này để tránh khi có hiệu lực phát sinh vướng mắc, bất cập.

Về thông tin sinh trắc học quy định 2 trường hợp, đại biểu đề nghị chỉ nên giợ hạn thu thập thông tin trong trường hợp tố tụng, hình sự, người bị áp dụng biên pháp xử lý hành chính. 

Về tên gọi của thẻ, mặc dù cơ quan chủ trì soạn thảo có lý giải lý do nhưng đại biểu cho rằng không cần thiết đổi thẻ.

10h58: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Đổi tên thành Luật Căn cước là quyết định hợp lý

Đồng tình với tên gọi của dự thảo luật là Luật Căn cước, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc lược bỏ cụm từ “công dân” không tác động đến chủ quyền quốc gia, quốc tịch, cũng như địa vị pháp lý của công dân, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung khi Việt Nam thỏa thuận với các nước khi dùng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu. 

Về đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, đại biểu cho rằng đây là quy định hợp lý, vì thẻ căn cước là giấy tờ mang những thông tin về căn cước của công dân, giúp phân biệt nhân thân, xác định danh tính trong thực hiện giao dịch, không tác động đến địa vị pháp lý và quốc tịch của công dân. Việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện hội nhập quốc tế.

Về cấp giấy chứng nhận căn cước, Luật Căn cước công dân 2014 không có quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Vì thế, những người này không đủ điều kiện để cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của pháp luật, không được tham gia giao dịch… Với lý do đó, dự thảo đã quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là phù hợp với chính sách pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. 

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước, dự thảo luật quy định cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm cấp, quản lý căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này. Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa bao quát hết các trường hợp, đề nghị cần rà soát lại để đảm bảo quy định đầy đủ hơn.

11h02: Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Đề xuất chuyển một nội dung sang Luật Quốc tịch 

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được Ban soạn thảo đã tiếp thu rất tích cực, tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị chuyển một nội dung của dự thảo Luật này sang Luật Quốc tịch. Cụ thể là khái niệm quy định tại Khoản 8, Điều 3 trong dự thảo Luật Căn cước sẽ chuyển sang quy định tại Khoản 6 Điều 3 của Luật Quốc tịch.

11h08: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tranh luận

Tranh luận về cấp giấy chứng nhận căn cước với đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn Tp.Hồ Chí Minh và đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn Hải Dương, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng cho rằng, trong thực tiễn, điều kiện cần và đủ đó là Luật Cư trú và Luật Quốc tịch.

Đây là vấn đề cần kích hoạt trong Luật Căn cước lần này để cấp giấy chứng nhận căn cước công dân, khẳng định địa vị pháp lý của người Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam mà thực tiễn đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, rất khó xác định thường trú, tạm trú trên một địa giới hành chính cụ thể, ví như như có những người dân sống ở rừng trải dài trên nhiều địa giới hành chính khác nhau. Qua khảo sát 231 hộ, có 698 nhân khẩu trên 14 tuổi không thuộc nhóm điều chỉnh được. Do đó, triển khai Nghị quyết 88 để đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu cho rằng, chúng ta cần xác định những vùng có cơ quan thẩm quyền nhà nước phê duyệt thì xác định đó là nơi thường trú, tạm trú của công dân, kích hoạt vào trong Luật Căn cước, do đó có thể xác định được địa vị pháp lý của người Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam trên 20 năm.

11h11: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Đánh giá cao việc dự thảo Luật có quy định về việc thay đổi thông tin giới tính

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao ban soạn thảo tích cực tiếp thu chỉnh sửa, đồng ý cao với báo cáo của cơ quan thẩm tra. 

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, thông tin về nguyên quán cần được thêm vào thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin của căn cước. Đại biểu làm rõ nguyên quán, quê quán, nơi sinh có khi giống nhau nhưng không phải là 1. Do đó, có thông tin về nguyên quán mới thuận lợi cho công dân.

Về chuyển đổi giới tính, dự thảo Luật đưa vào khá rõ ràng tạo thuận lợi hơn trong quá trình soạn thảo Luật Chuyển đổi giới tích khi đã có quy định về người chuyển giới

Để tiếp tục hoàn thiện về quy định này, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị rà soát quy định về trình tự thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước mà thông tin đó chưa được cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người cần cấp thẻ phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp những thông tin đã được thay đổi để thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đại biểu cho rằng nội dung này hay nhưng để thực hiện được thuận lợi cho công dân và người cần cấp thẻ thì cần có thêm trường thông tin trong dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước.

11h14: Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu tranh luận

Bày tỏ nhất trí với ý kiến của Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về mã QR và chíp điện tử, đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị Bộ Công an và Ban soạn thảo quan tâm tới vấn đề này. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân. 

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, mã QR rất dễ bị lộ thông tin cá nhân do đó đại biểu đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước. Đại biểu cũng nhất trí với tên Luật Căn cước như các đại biểu đã góp ý tại phiên họp.

11h17: Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Làm rõ hơn nội hàm về thẻ căn cước điện tử

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung cho biết, quy định tại dự thảo Luật về thẻ căn cước có lưu trữ, mã hoá, tích hợp rất nhiều thông tin của công dân, người dân có thể sử dụng thẻ này để thực hiện nhiều giao dịch theo nhu cầu. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan, tổ chức phải sử dụng thiết bị chuyên dùng để đọc thông tin trong thẻ vật lý. Như vậy, thiết bị này có do cơ quan nhà nước cung cấp cho các cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan hay không để đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin,...

Đại biểu nêu rõ, nếu trường hợp cơ quan nhà nước không cung cấp mà thực hiện bằng hình thức xã hội hoá, có một chủ thể khác cung cấp thì chủ thể cung cấp thiết bị này có phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Nếu là điều kiện thì cần phải làm rõ để đảm bảo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn,... để người dân, doanh nghiệp có thể áp dụng, thực hiện mà không cần "giấy phép con".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Nhung cũng cho rằng, nội hàm về thẻ căn cước điện tử cũng khó hiểu, phức tạp khi người dân tiếp cận luật. Mặt khác, mục tiêu hiện nay trong việc xây dựng luật là phải dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ áp dụng. Tại Điều 31, thẻ căn cước điện tử được hiểu bao gồm có danh tính điện tử, một số thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước và thông tin tích hợp. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ, nên tiếp cận theo hướng căn cước điện tử cũng là căn cước, phạm vi thông tin như nhau, chỉ khác nhau về hình thức thể hiện để dễ hiểu, dễ áp dụng.

11h20: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận 

Phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thông tin trong thẻ căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, tính bảo mật của thông tin của công dân, thẩm quyền khai thác, thu thập thông tin của công dân, thẩm quyền cấp, cấp đổi, đổi thẻ căn cước, về giấy chứng nhận căn cước, tên gọi dự thảo, giải thích từ ngữ…

Đối với vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip, Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân. Bộ Công an khẳng định sẽ đảm bảo an toàn, an ninh không để xảy ra tình trạng này.

Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

11h26: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại buổi thảo luận tại Hội trường sáng nay có 16 đại biểu đăng ký phát biểu, 5 đại biểu đăng ký tranh luận, không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ. Các ý kiến có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn rõ ràng, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu đối với dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như cơ quan soạn thảo, khẩn trương tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự thảo luật qua tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo tiếp thu, giải trình. Nhiều vấn đề đã được các đại biểu đánh giá, phân tích và đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cần khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan để tổ chức tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội xem xét thông qua bảo đảm chất lượng, đúng chương trình Kỳ họp và tạo được sự đồng thuận cao.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội