THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM, KHÔNG ĐỂ CÁC DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN, XÂY DỰNG CHẬM TRIỂN KHAI KÉO DÀI

24/10/2023

Đưa ra những giải pháp để khắc phục những tồn tại trong phát triển kinh tế-xã hội, nhiều ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm, nhiều dự án bất động sản bị xây dựng dở dang, chậm triển khai là sự lãng phí lớn nên Quốc hội cần sớm chỉ đạo, rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn và nhanh chóng khơi thông...

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: TIẾP TỤC CÁC GIẢI PHÁP HỮU HIỆU THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ với phần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các vấn đề liên quan.

Thảo luận tại Tổ 1 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội, đa số các đại biểu váo Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nền kinh tế- xã hội của nước ta vẫn còn những hạn chế, cần được tháo gỡ, đưa ra những giải pháp hữu hiệu khắc phục.

Các đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội bày tỏ quan tâm đến 2 nhóm vấn đề. Đó là việc tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và phát huy nguồn lực đất đai hiện nay, không để các dự án bất động sản bị xây dựng dở dang.

Thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ thời gian tới, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự băn khoăn: Tín dụng đang rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được nguồn vốn. Đây là có phải điểm mấu chốt để tháo gỡ không? Nếu tháo gỡ được vấn đề này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch. Đây là vấn đề cần được xem xét, tìm hướng giải quyết...

Đề cập về thị trường bất động sản bị xây dựng dở dang, chưa hoàn thành đúng tiến độ, ĐBQH Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay. Cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản nằm bất động. Thành phố Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha. Nhiều dự án nằm đấy cả chục năm, 20 năm rồi khiến người dân bức xúc, là điểm nóng về mất an ninh trật tự nên phải rà soát xử lý.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng, nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Để giải quyết những bất cập trên, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm: Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Đối với những dự án chậm triển khai, cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Còn đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng thực hiện phải giải quyết dứt điểm, không để các dự án xây dựng chậm triển khai kéo dài.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Cùng quan tâm về nội dung trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nợ đọng thuế phí về đất đang gia tăng, nhất là nợ đọng trong các dự án bất động sản.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước không chỉ được tính ở các dự án đã triển khai, vận hành, mà nguồn lực đó còn nằm ở các dự án chậm triển khai. Nguồn lực bị tồn đọng ở đây rất lớn và đang bị lãng phí, cần có giải pháp để khơi thông.

Cần sớm có các cơ chế, chính sách để các trường đại học tự chủ có thêm nguồn thu khác

Liên quan đến việc tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan Trung ương đã ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, song đến nay việc triển khai trên thực tế vẫn còn lúng túng. Đặc biệt, việc tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân như y tế, giáo dục.

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hà Nội khi triển khai việc tự chủ trong các trường học. Cụ thể, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Năm học 2023-2024 đã có 296 đơn vị đăng ký thí điểm, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã. Mục tiêu quan trọng của nghị quyết thí điểm này là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua cơ chế đặt hàng cho các trường, từ đó các trường hướng đến việc tự chủ hoàn toàn.

Đại biểu Quốc hội Lê Quân.

Bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề tự chủ của các trường đại học hiện nay, trong đó có vấn đề tự chủ về tài chính, đại biểu Lê Quân nêu thực trạng thời gian qua các trường đại học tự chủ gặp nhiều khó khăn khi nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí. Một số quy định về pháp luật chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ đại học. Tình trạng này sẽ còn khó khăn hơn khi thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2024, bởi nguồn thu của các trường không tăng nhưng chi cho lương và các chi phí khác sẽ tăng theo.

Các trường đại học tự chủ hiện không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà còn bị cạnh tranh nguồn nhân lực với khu vực tư nhân rất lớn. Bởi một tiến sĩ được đào tạo về công nghệ thông tin ở nước ngoài về Việt Nam làm việc phải trả mức lương 40 đến 50 triệu/tháng. Các trường đại học rất khó để thu hút nhân tài với cơ chế trả lương hiện nay. Vì thế, Quốc hội cần sớm có các cơ chế, chính sách để các trường đại học tự chủ có thêm nguồn thu khác, chứ không chỉ trông chờ vào tăng học phí.

 Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cảm ơn sự đóng góp của các ĐBQH đối với phần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những lĩnh vực liên quan. Đây là những ý kiến đóng góp thiết thực, quý báu để Ban soạn thảo tổng hợp báo cáo kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại phiên họp toàn thể tại Hội trường.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những nội dung đóng góp và các đề xuất để chuẩn bị cho phiên họp tại Hội trường lần tới một cách thuyết phục hơn./.

Bích Lan

Các bài viết khác