ĐBQH NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG, XEM XÉT THẤU ĐÁO CÁC DỰ ÁN LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6

21/10/2023

Một trong những nội dung trọng tâm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là công tác lập pháp. Theo đánh giá của ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, các dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng; chất lượng tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật không ngừng được nâng lên…

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc trọng thể vào sáng 23/10 

Theo Chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và chính thức khai mạc trọng thể vào sáng ngày 23/10 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 (15 ngày), từ ngày 23/10-10/11; đợt 2 (7 ngày), từ ngày 20-28/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.

Để tổ chức thành công Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị chu đáo nội dung, chương trình và các điều kiện bảo đảm tổ chức hiệu quả Kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thực hiện khối lượng công việc rất lớn, xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong đó, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 01 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ….

ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật

Phóng viên: Thưa đại biểu, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23/10 tới đây. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về khối lượng công tác lập pháp tại kỳ họp lần này?

ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật: Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thông qua 09 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết. Do đó, ngay sau khi kỳ họp thứ 5 kết thúc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khẩn trương chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ.

Đồng thời, tại các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng tiến hành thảo luận, cho ý kiến vào từng nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án luật. Theo đó, những vấn đề mang tính chính sách, những vấn đề thể chế, nghị quyết của Đảng, đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hết sức cụ thể. Tiếp đó, sau mỗi phiên họp, đều có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung cho ý kiến để các cơ quan có liên quan làm căn cứ tiếp thu, hoàn thiện.

Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tạo sự đồng thuận cao đối với những vấn đề, nội dung còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau được đưa ra sửa đổi.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể khẳng định, đến thời điểm này, về cơ bản các dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan hoàn thiện một cách đầy đủ theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đã tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội để thảo luận ở địa phương.

Mặc dù đã hoàn thiện, tuy nhiên trong quá trình thảo luận không thể tránh khỏi còn có ý kiến, quan điểm khác nhau. Do đó, nếu còn ý kiến khác, theo nguyên tắc tập thể tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Những vấn đề không tiếp thu sẽ có giải trình một cách đầy đủ, thấu đáo nhất để Quốc hội xem xét, quyết định trước khi biểu quyết thông qua.

Phóng viên: Theo dự kiến Chương trình, Luật Đất đai ( sửa đổi) là 1 dự án luật đặc biệt quan trọng sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đại biểu có thể chia sẻ về quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này thời gian qua đã được triển khai như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật: Dự án Luật đất đai (sửa đổi) là dự án luật vô cùng quan trọng, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, ở mỗi một chính sách đưa ra sửa đổi, Quốc hội đều yêu cầu rất cao và đây là một trong những nội dung thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về công tác quản lý đất đai. Với tầm quan trọng của dự luật, Quốc hội đã quyết định thông qua theo quy trình ba kỳ họp, tức là tại kỳ họp thứ 4, kỳ họp thứ 5 Quốc hội tiến hành thảo luận và đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận để dự kiến xem xét, thông qua.

Ngay sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách  nhiệm khẩn trương rà soát, tiếp thu chỉnh lý đồng thời nhiều lần cho ý kiến trực tiếp tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể thấy, dây là dự án luật nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và Nhân dân cả nước, đến thời điểm này vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, những nội dung còn ý kiến khác nhau sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội đầy đủ để Quốc hội tiếp tục thảo luận, từ đó sẽ có những phúc quyết một cách chính xác nhất, đảm bảo tính khả thi và khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Phóng viên: Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị kỳ họp đã hoàn tất, đại biểu có đánh giá như thế nào về những cải tiến, đổi mới, linh hoạt trong các kỳ họp Quốc hội thời gian gần đây?

ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật: Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong bối cảnh đại dịch covid 19 diễn biến phức tạp, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội đã tham mưu Quốc hội thực hiện nhiều cách thức đổi mới, cải tiến trong thực hiện Chương trình kỳ họp. Đơn cử như, việc tổ chức kết hợp giữa họp trực tiếp vào họp trực tuyến; mỗi kỳ họp bố trí thành 02 đợt có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội. Cách thức bố trí như vậy, đảm bảo nâng cao chất lượng trong tác tiếp thu, giải trình trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, đối với hoạt động chất vấn cũng có nhiều thay đổi, mang lại hiệu quả thiết thưc. Cụ thể: quan tâm tới việc giám sát, chất vấn lại những nội dung đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ; chú trọng tới việc xem xét việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành trước Quốc hội, cử tri và những nội dung đã được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước;…

Ngoài ra, công tác thư ký, công tác tổng hợp, công tác thông tin tuyên truyền cũng đều có những đổi mới tích cực, toàn diện. Tất cả những kết quả đạt được đều có sự chỉ đạo rất sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như là của Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Thùy Linh - Phạm Thắng