ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH TIẾP XÚC CỬ TRI NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Đại biểu tham dự hội nghị.
Các đồng chí: Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh; Huỳnh Thị Hằng Nga, ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh, Bí thư Huyện ủy Càng Long; Lê Văn Hai, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Trà Vinh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và đại diện lãnh đạo 20 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị.
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức các cuộc hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tượng chịu tác động của dự án Luật để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.
So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 208 điều (tăng 03 chương và 13 điều), có tổng số 160 điều sửa đổi, trong đó có 91 điều sửa đổi nội dung; 69 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản; bổ sung 32 điều; bãi bỏ hoặc chuyển, gộp vào nội dung của điều khác 19 điều; giữ nguyên 16 điều.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung đóng góp dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với nhiều ý kiến sâu sắc, sát thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đóng góp ý kiến tại hội nghị.
Đại diện Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Hưởng ý kiến: theo toàn văn nội dung Điều 195 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án là “Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.”
Đề xuất bổ sung nội dung Điều 195 như sau: bổ sung điều kiện áp dụng biện pháp kê biên tài sản bảo đảm “nếu người phải thi hành án không còn tài sản nào khác và giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án” thì tài sản bảo đảm có thể được kê biên để thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
Bởi vì, tài sản bảo đảm tại tổ chức tín dụng được ưu tiên xử lý cho tổ chức tín dụng đó, chỉ khi người phải thi hành án không còn tài sản nào khác và giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm, chi phí cưỡng chế để thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì mới có thể xử lý tài sản bảo đảm.
Việc bổ sung nội dung trên nhằm ưu tiên thanh toán, đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn vay cho tổ chức tín dụng. Đồng thời, nội dung đề xuất bổ sung có sự phù hợp với Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hưởng đề xuất bổ sung trường hợp ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm tại Điều 196 của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) như sau: trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở duy nhất của bên bảo đảm mà nhận thấy sau khi thanh toán các khoản chi phí xử lý tài sản bảo đảm, nghĩa vụ nợ mà bên bảo đảm không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trích một khoản tiền từ tiền bán tài sản bảo đảm để bên bảo đảm thuê nhà phù hợp với giá thuê trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm.
Nội dung này đã được quy định tại khoản 1, Điều 47, khoản 5, Điều 115 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Việc bổ sung quy định trên tại Điều 196 Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có tác dụng: một mặt tạo tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật với nhau, mặt khác thể hiện sự nhân văn, chia sẻ một phần khó khăn cho bên bảo đảm chỉ có 01 nhà ở duy nhất nhưng bị xử lý để thu hồi nợ.
Đồng chí Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thạch Phước Bình tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh chọn lọc, tổng hợp ý kiến gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời nghiên cứu thêm một số luật có liên quan, làm cơ sở tham gia ý kiến tại diễn đàn Quốc hội trong Kỳ họp thứ 6, để khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành mang tính khả thi cao.