HÀ NỘI: CẦN THỐNG NHẤT CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU TRƯỜNG, THIẾU LỚP TẠI CÁC QUẬN NỘI ĐÔ

17/10/2023

Tại phiên giải trình của thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông diễn ra ngày 17/10, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất giải pháp, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập, ưu tiên bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các quận, huyện khó khăn để nâng tỷ lệ trường công đạt chuẩn, khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp tại các Quận nội đô.

BÍ THƯ THÀNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HÀ NỘI TIẾP XÚC CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 2

HÀ NỘI NHIỀU BƯỚC TIẾN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

Tình trạng thiếu trường học tại khu vực nội đô vẫn chưa có lời giải

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau 10 năm thực hiện quy hoạch, đến nay, toàn thành phố có 1.632 trường đạt chuẩn trên tổng số 2.244 trường, đạt tỷ lệ 72,7%. Trong đó, mầm non đạt 71,9%; tiểu học 68,3%; trung học cơ sở 80,1%; trung học phổ thông 66,9%.

Toàn cảnh phiên giải trình

Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố Hà Nội vẫn còn thiếu quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học trong các quận nội đô và một số vùng tập trung đông dân cư (tại các khu đô thị, khu công nghiệp...); các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí ngày càng cao (tăng quy định về điều kiện diện tích đất/học sinh, tăng số phòng học bộ môn/trường) dẫn đến nhiều bất công trong công tác xây dựng mới và công nhận lại trường chuẩn quốc gia của thành phố. Vẫn còn 35 phường thuộc 8 quận thiếu 43 trường học (không đạt chỉ tiêu tối thiểu của Quy hoạch mạng lưới), tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô. Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ...) bị giới hạn về mật độ xây dựng, tầng cao theo quy định của Luật Đê điều. Quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số; tình trạng thiếu trường, lớp học, số học sinh tăng cao dẫn đến nhiều trường không giữ được chuẩn quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà báo cáo tại phiên giải trình

Lãnh đạo UBND thành phố đã trực tiếp kiểm tra giám sát để giải quyết kịp thời khó khăn tại một số địa bàn thiếu nhiều trường hộc như Quận Hoàng Mai, Cầu Giấy. Theo đó, UBND thành phố đa cho phép Quận Hoàng Mai bổ sung mới 4 ô đất xây dựng trường học công lập do Tổng công ty HUD bàn giao. Bên cạnh đó, cũng cho phép quận Cầu Giất bổ sung một số ô đất trường học chậm triển khai để xem xét thu hồi giao quận đầu tư trường công lập; giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát cập nhật bổ sung xây dựng trường học trong Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Đến hết tháng 9-2023, đã có 599/648 dự án (92,4%) được phê duyệt chủ trương đầu tư; 489 dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư; 421 dự án đã khởi công thực hiện; 144 dự án đã hoàn thành; dự kiến năm 2023 hoàn thành thêm 194 dự án. Ngoài thực hiện kế hoạch đầu tư thuộc Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, thành phố đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ cấp huyện đầu tư các dự án trường học thuộc Chương trình mục tiêu nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng số kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng thực hiện 57 dự án.

Ngân sách cấp huyện đã dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện các dự án trường học: Dự kiến 37.783,6 tỷ đồng thực hiện 1.172 dự án. Giai đoạn 2021-2023 đã bố trí 15.203,3 tỷ đồng, đầu tư xây dựng và hoàn thành 387 dự án. Dự kiến ngân sách thành phố chi 20.526 tỷ đồng thực hiện 648 dự án trường học.

Toàn cảnh phiên giải trình

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập, giải pháp khắc phục tình trạng “quá tải” trường học nội đô

Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024. Không chỉ thiếu trường, diện tích bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em (đối với cấp mầm non); tối thiểu 10m2 cho một học sinh (đối với trường tiểu học và THCS) cũng là áp lực việc bảo đảm đủ phòng học.

Thiếu trường gây quá tải và áp lực tuyển sinh đầu cấp. Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ rõ, Hà Nội đang thiếu 49 trường tại 8 quận (Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai). Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 vừa qua, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai và Đống Đa..

Tại địa bàn quận Hai Bà Trưng có 303.856 dân thì cần có 6 đến 10 trường THPT công lập, nhưng hiện tại chỉ có 3 trường. Tại quận Hoàn Kiếm có 212.921 dân thì cần 4 đến 7 trường THPT nhưng hiện tại chỉ có 2 trường. Chính sự thiếu trường lớp đã tạo nên áp lực cho ngành giáo dục. Còn Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố với khoảng 700 nghìn người, trong đó hơn 100 nghìn cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4 nghìn học sinh dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập; trong đó có năm phải thực hiện bốc thăm tuyển sinh các cháu mầm non.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên giải trình

Ứng phó với tình trạng này, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận đã tập trung chủ yếu vào 4 giải pháp: Lập kế hoạch tuyển sinh cụ thể; triển khai tuyển sinh trực tuyến; đẩy nhanh các dự án xây dựng trường học; khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập. Cụ thể, quận điều tra số trẻ vào đầu năm học, từ đó phân luồng, phân tuyến tuyển sinh; công khai tuyển sinh của từng trường và việc tuyển sinh được đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến; 100% đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Trong 3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới được 23 trường học, cải tạo sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập có số học sinh theo học chiếm 19% tổng số học sinh trên địa bàn cũng giúp giảm tải áp lực cho các trường công lập.

Hiện nay, quận Hoàng Mai thiếu 43 trường học, cần có đất và vốn để triển khai. Đến nay, quận đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề xuất thành phố quan tâm, hỗ trợ quận trong triển khai đầu tư xây dựng trường học. Khi thành phố phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu này. Bên cạnh đó, khi thành phố tích hợp và điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô lần này, cần sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Còn theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa - Lê Tuấn Định, hiện quận cần 7 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia. Quận đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định. Thực tế, quận Đống Đa có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp, hiện nay, 1 trường có khoảng 60 lớp, với 40-60 học sinh/lớp.

Về giải pháp, Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định, quận sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới; đồng thời, có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu tại phiên giải trình

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, để nâng cao chất lượng giáo dục và hoàn thành chỉ tiêu trường công lập đạt chuẩn, thành phố cần có thỏa thuận với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng nhu cầu.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương nêu quan điểm, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000-50.000 học sinh, đòi hỏi thành phố triển khai xây dựng trường học mới cả công lập và ngoài công lập là 30-40 trường/năm mới đáp ứng đủ nhu cầu. Theo đó, để hoàn thành chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt từ 80-85%, ông Trần Thế Cương cho biết, để đến năm 2025 đạt 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, thì giai đoạn 2023-2025, toàn thành phố phải công nhận mới 410 trường đạt chuẩn, công nhận lại 1.150 trường.

Qua phiên giải trình cho thấy, những năm qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trường học công lập bảo đảm đạt chuẩn quốc gia luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cũng như các cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia từ 80 đến 85%.

Để đạt được các mục tiêu trên, HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết về quy hoạch hệ thống giáo dục, mạng lưới trường học và các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 02 về kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. UBND thành phố, các cấp, các ngành, quận, huyện cũng đã bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực. Cơ bản mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở công lập, phục vụ nhu cầu học tập của địa phương. Tuy nhiên với tăng dân số cơ học nhanh, việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp và công nhận đạt chuẩn đối với các trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Công tác quản lý, đánh giá, giám sát đầu tư tại một số dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả, dẫn tới nhiều dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian dài nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, theo chủ trương đầu tư được duyệt, trong đó, đặc biệt là các công trình xây dựng trường học (qua báo cáo, khảo sát mới có 117/393 trường đã và đang thực hiện, đạt 30%, còn 269 (khoảng 70%) trường học các cấp chưa được đầu tư xây dựng theo tiến độ tại các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố theo quy hoạch được phê duyệt...).

Cùng với đó, tiến độ thực hiện một số dự án trường học công lập theo Nghị quyết số 02 của HĐND thành phố còn chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc. Còn 182 trường công lập chuẩn quốc gia đã quá hạn công nhận nhưng chưa công nhận lại, có 463 trường công lập các cấp trong danh sách chuẩn quốc gia nhưng có số học sinh vượt so quy định, 180 trường có số lớp vượt so với quy định.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn được chỉ ra tại phiên giải trình, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra, UBND thành phố cần tập trung rà soát tổng thể, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện, trong đó, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, lộ trình, giải pháp thực hiện. Hoàn thành kế hoạch trong tháng 11-2023, báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp thứ mười bốn - đầu tháng 12-2023.

UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học, đặc biệt là trường công lập bảo đảm đạt chuẩn quốc gia. Rà soát, thu hồi quyết định và bằng công nhận trường chuẩn quốc gia đối với các trường không giữ được các tiêu chuẩn đã công nhận, xác định tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia một cách khách quan, thực chất. Bổ sung chỉ tiêu công nhận lại trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào kế hoạch hằng năm.

Ba là, chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập theo Nghị quyết số 02 của HĐND thành phố, đặc biệt là các dự án xây mới để sớm khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; ưu tiên cân đối, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các quận, huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp so với bình quân chung của thành phố.

Bốn là, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư. Yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương, nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học trên địa bàn thành phố.

Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để giao UBND quận, huyện, thị xã lập dự án xây dựng trường học công lập.Chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội, trong đó, ưu tiên xây dựng các trường học phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân. Các vướng mắc, khó khăn, UBND thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ hiệu quả, lưu ý những việc khó khăn vượt thẩm quyền, khẩn trương đề xuất để tháo gỡ có hiệu quả.

Hải Yến