LÂM ĐỒNG: THIẾU SINH VIÊN THEO HỌC CÁC NGÀNH KHOA HỌC CƠ BẢN

11/10/2023

Hiện nay, có một thực trạng của nền giáo dục đào tạo đại học và sau đại học, nhất là tại khu vực Tây Nguyên là tỷ lệ sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản ngày càng ít. Đó cũng là vấn đề được đội ngũ cán bộ, giảng viên trường ĐH Đà Lạt phản ánh đến Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng trong hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6.

LÂM ĐỒNG: TRƯỞNG BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG PHAN ĐÌNH TRẠC TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI ĐÀ LẠT

LÂM ĐỒNG: CỬ TRI TP BẢO LỘC KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM TỚI ĐBQH

Tại Hội nghị, lãnh đạo trường Đại học Đà Lạt cho biết, trong đợt tuyển sinh năm nay, trường đã đón 2.800 tân sinh viên theo học các ngành nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ các sinh viên, nghiên cứu sinh theo học các lớp trình độ đại học và sau đại học về ngành khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hoá chiếm tỷ lệ rất ít, thậm chí có khoá chỉ có 2-3 em theo học. Đây là một thực trạng đáng báo động trong những năm gần đây.

Việc ngày càng ít sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản tại Lâm Đồng được đưa ra Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 (ảnh minh họa).

Ông Võ Tuấn Tú - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, trường Đại học Đà Lạt phản ánh: “Căn cứ vào thực trạng tuyển sinh tại các trường đại học tại Việt Nam nói chung và đại học Đà Lạt nói riêng, tôi nghĩ không phải do lỗi của cán bộ giảng dạy hoặc do chương trình đào tạo lạc hậu mà đại đa số đạt chuẩn quốc tế hết rồi nhưng vẫn rất ít người học dù ngành này rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của một quốc gia”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vấn đề các chính sách hỗ trợ chưa đủ khuyến khích nhân tài, đây là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, bản thân các em sinh viên cũng phải có đam mê và tâm huyết vì ngành khoa học cơ bản đòi hỏi trình độ học vấn và tư duy sáng tạo rất cao.

Ông Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt.

Ông Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt đề nghị: “Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cần quan tâm hơn nữa bằng những chính sách cho cán bộ giảng viên và sinh viên ngành khoa học cơ bản. Nếu được thì phải giống như ngành đào tạo sư phạm, vì ngành sư phạm hiện nay ngoài miễn học phí thì mức hỗ trợ sinh hoạt phí cũng cao hơn đối với một cử nhân mới ra trường”.

Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận trách nhiệm cho thực trạng này trước tiên thuộc về Nhà nước: “Làm sao để các em đam mê nghiên cứu khoa học, say mê vào các ngành khoa học cơ bản và các thầy dạy khoa học cũng phải đam mê. Niềm  đam mê đó cũng phải dựa trên những điều kiện đảm bảo về cuộc sống tối thiểu nếu không là chúng ta thất bại. Đây là bài toán cần các cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp kịp thời”.

Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích giáo dục đào tạo cho vùng Tây Nguyên, trong đó mới nhất là Nghị quyết 23/2022 của Bộ Chính trị về ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa được đồng bộ nên chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài theo ngành khoa học cơ bản. Mặc dù đây là quốc sách hàng đầu và là nền tảng trong các ngành khoa học hàn lâm về nghiên cứu phát triển công nghệ, khoa học hạt nhân của vùng Tây Nguyên./.

Ngọc Duy – Việt Bảo