QUỐC HỘI CẦN GIÁM SÁT ĐỂ HIỆN THỰC HOÁ CHÍNH SÁCH “ĐÒN BẨY” TẠO ĐỘNG LỰC CHO ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC KHCN ĐÓNG GÓP CHO ĐẤT NƯỚC

04/10/2023

Dự kiến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ diễn ra vào ngày 23/10, sẽ xem xét thông qua 09 dự án luật, 02 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 08 dự án luật và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Trước thềm kỳ họp, đội ngũ các trí thức khoa học công nghệ đã gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng đến các đại biểu Quốc hội trong đó, mong muốn hiện thực hoá những cơ chế, chính sách "đòn bẩy" để đội ngũ trí thức phát huy hết khả năng, năng lực, đóng góp cho đất nước.

1.887 KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI TỚI KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

15 năm qua, Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết 27-NQ/TW) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo ra động lực quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Những đóng góp của đội ngũ trí thức được thể hiện rõ nét thông qua các thành quả tích cực trong phát triển của các ngành, lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ, GDP mới chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới thì đến năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Cùng với đó, với chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, Hệ thống sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa… Từ những chuyển biến tích cực đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tuy nhiên, so với yêu cầu của đất nước, sự phát triển của đội ngũ trí thức nước ta hiện còn một số hạn chế, bất cập. Tại hội nghị lấy ý kiến trí thức khoa học và công nghệ trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 2/10. TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, để các trí thức, nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước nhà rất cần những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, phát triển đội ngũ trí thức hiện nay và trong tương lai để ngang tầm với yêu cầu nhiêm vụ mới như khát vọng lớn lao của một dân tộc Việt Nam trí tuệ, anh hùng. Theo đó, cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, thu hút lực lượng trí thức, khoa học công nghệ, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính cho phát triển khoa học, công nghệ cũng như cho doanh nghiệp, đặc biệt là về chính sách thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng.

TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam

Cũng gửi gắm kỳ vọng đến kỳ họp Quốc hội thứ 6, TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn cần hiện thực hoá chính sách đãi ngộ với các trí thức KHCN. Hiện, chính sách đối với đội ngũ trí thức có nhiều, như Nghị định số 40/2014/NĐ-CP về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam…Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quân, đến nay, hầu như chưa có nhà khoa học nào được hưởng các chế độ chính sách này. Vì vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận rõ về vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển đất nước. Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, TS Nguyễn Quân cho rằng có 3 việc cần làm. Một là, lãnh đạo phải tin tưởng trí thức, bằng cách thường xuyên lắng nghe một cách chân thành. Hai là cần giao việc cho trí thức. Ba là, tạo điều kiện tốt nhất cho trí thức được cống hiến, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đặc biệt là phải trao cho họ quyền tự chủ như được chi tiền cho thực hiện đề tài ra sao, được mời những ai cùng tham gia nghiên cứu, thủ tục hóa đơn chứng từ cần phải đơn giản hóa vì hiện nhiều nhà khoa học rất mệt mỏi về thủ tục giải ngân quá phức tạp.

Cùng với đó, để thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển, TS Nguyễn Quân mong muốn Quốc hội cần rà soát, đánh giá để đưa Luật thực sự đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, Luật Khoa học Công nghệ quy định chi 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học và công nghệ, nhưng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2022 chỉ chi có 0,82%, lúc cao nhất lên tới 1,52%. Quốc hội cần làm rõ, giám sát để bảo đảm các quy định luật phải được thực thi, như thế mới mong khoa học công nghệ phát triển, phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức.

Quan tâm đến hiện thực hoá chính sách cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Seed cho rằng, đất nước muốn phát triển thì doanh nghiệp phải phát triển, trong đó các doanh nghiệp khoa học công nghệ đóng vai trò là động lực quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động rất yếu cả về trình độ, cơ sở vật chất cũng như cơ chế chính sách. 

Ông Trần Mạnh Báo nêu rõ, khác với các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp gặp phải nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, vòng quay vốn dài song lợi nhuận lại thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nông nghiệp chịu thuế giống như doanh nghiệp tài chính ngân hàng, viễn thông, bất động sản là 20% thì có phù hợp không? Hay có 3 người lập công ty về nông nghiệp, khi có lợi nhuận đã phải nộp 20% thuế, sau đó chia cổ tức lại phải nộp thêm 35%. Do đó, Ông Trần Mạnh Báo mong muốn Quốc hội xem xét, quan tâm đến phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, thông qua việc ban hành những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.

Ông Trần Mạnh Báo cũng kiến nghị cần gỡ vướng quy định liên quan đến hoàn thuế VAT. Theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, để được hoàn thuế phải nộp tất cả bản sao của những người góp vốn, nhưng công ty đã cổ phần hóa từ năm 2003, bây giờ bắt phải nộp hồ sơ từ năm 2003 mới được hoàn thuế thì doanh nghiệp rất khó đáp ứng và đành chấp nhận bị “treo” số tiền hoàn thuế. Vì thế, cần gỡ chính sách về hoàn thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KHCN.

TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Cũng gửi gắm những kỳ vọng đến kỳ họp thứ 6, TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, mong muốn Quốc hội sẽ đánh giá kỹ hơn chất lượng tăng trưởng GDP 9 tháng qua và năng suất lao động hiện nay để có giải pháp căn cơ hơn cho kế hoạch và giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024, cần tập trung đánh giá kỹ lưỡng, phân tích, mổ xẻ những vướng mắc, để có giải pháp tháo gỡ kịp thời cho giải ngân vốn đầu tư công. TS Đặng Văn Thanh cũng rất quan tâm đến việc sửa đổi chính sách thuế, trong đó có sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân, chính sách hoàn thuế cho đối tượng được khấu trừ giảm trừ gia cảnh. Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội nên bàn thảo, đưa ra giải pháp đưa Luật vào cuộc sống.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ xem xét thông qua 09 dự án luật, 02 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 08 dự án luật. Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ; chất vấn và chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 4.

Hải Yến