NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI

27/09/2023

Cho rằng công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có vai trò quan trọng, nhiều chuyên gia đề nghị cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; lựa chọn hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng.

Nghiên cứu về vấn đề này, ThS.Cao Thị Hồng Minh, Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu rõ, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác PBGDPL, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này, đặc biệt là PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi là nhóm đối tượng quan trọng. Điều này được khẳng định trong Hiến pháp 2013 và cụ thể hoá trong Nghị định số 5/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc quy định tại Điều 18 về chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, trong đó quy định rõ: “1. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật; 2. Chính quyền các cấp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng và địa bàn vùng DTTS; 3. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số”.

ThS.Cao Thị Hồng Minh, Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Theo ThS. Cao Thị Hồng Minh, để pháp luật đi vào cuộc sống, đưa pháp luật đến với người dân, phát huy hiệu lực thực tế, thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật của người dân thì bên cạnh các yêu cầu về chất lượng và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò rất quan trọng vì đây là hoạt động tác động trực tiếp vào chính ý thức của con người.

Bàn về một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, miền núi, các chuyên gia chứng chỉ rõ, cần giải quyết tốt vấn đề xung đột giữa luật tục của đồng bào DTTS, miền núi và pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình tuyên truyền, PBGDPL cần phải giúp đồng bào DTTS, miền núi hiểu và nhận thức được pháp luật bảo vệ sự trong sáng của luật tục, bảo đảm cho luật tục tiến bộ, là công cụ hỗ trợ đặc biệt cho luật tục tiến bộ tồn tại và phát triển.

Tuyên truyền để người dân hiểu rằng việc chấp hành pháp luật cũng là chấp hành luật tục tiến bộ và ngược lại, nhằm hình thành trong cộng đồng niềm tin vào pháp luật, xóa dần khoảng cách giữa pháp luật và luật tục. Từ đó họ có tâm lý yên tâm để tập trung vào việc học hỏi và tiếp thu kiến thức pháp luật, xóa bỏ tư tưởng đối phó pháp luật. Đa dạng hóa nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS, miền núi. Tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật ở các vùng đồng bào DTTS, miền núi phải lựa chọn hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, kết hợp thực hiện lồng ghép có hiệu quả với các chương trình công tác dân tộc và chính sách dân tộc có liên quan.

Đối với cán bộ, công chức người DTTS, miền núi, sử dụng các hình thức giáo dục cơ bản như hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật, lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, thi tìm hiểu pháp luật. Đối với đa số người dân là đồng bào DTTS, miền núi có thể sử dụng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù họp đặc thù vùng DTTS như tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các làng, thôn, nhất là tuyên truyền miệng, phổ biến bằng ngôn ngữ, tài liệu bằng tiếng DTTS; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các loại hình văn hóa, văn nghệ, bằng các hình ảnh, truyền thanh, truyền hình; tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được biên soạn bằng tiếng dân tộc; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tủ sách pháp luật được đặt tại nhà Rông/nhà sinh hoạt cộng đồng của các làng, bản có đồng bào DTTS sinh sống. Hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật dành cho đồng bào DTTS, miền núi.

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, trong đó quy định 3 hình thức trợ giúp pháp lý gồm tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng mà không quy định hình thức trợ giúp pháp lý khác. Tuy nhiên, Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 “Ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình” có quy định liên quan đến hình thức truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở chưa phù hợp với các hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg để đồng bộ với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và tăng chi phí hỗ trợ hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở. Nghiên cứu quy định về cơ chế chi tài chính cho hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý theo hướng linh hoạt hơn (quy định lấy tiền dư tại điểm gần dùng chưa hết để chi cho điểm xa còn thiếu để thực hiện truyền thông). Nghiên cứu quy định người thực hiện báo cáo truyền thông được hưởng tiền thù lao như báo cáo viên, hiện nay chỉ quy định Báo cáo viên mới được hưởng tiền thù lao này.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, miền núi. Các tổ chức chính trị-xã hội có vai trò quan trọng trong việc vận động người dân tham gia, là tổ chức gắn liền với việc đại diện và bảo vệ quyền lợi, họp pháp, chính đáng của người dân, thúc đẩy sự tham gia của người dân ưong quá trình xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, các tổ chức CTXH đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Vì vậy, tiếng nói của các tổ chức CTXH mang tính đại diện, thúc đẩy quyền lợi chính sách cho người dân.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, với cơ cấu mạng lưới 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức CTXH thành viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đẩy mạnh vai trò của Mặt hận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nói chung, đồng bào vùng dân tộc, thiểu số nói riêng cũng là cách thức đê nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, góp phần đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật phù hợp, thiết thực, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vùng đồng bào DTTS.

Hồ Hương