Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị.
Sau nhiều năm thi hành, Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được còn tồn tại những vướng mắc, bất cập. Hệ thống tòa án đang đứng trước những thách thức lớn, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm lớn. Số lượng vụ việc phải giải quyết tăng với tính chất đa dạng, phức tạp cần tăng cường chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, các cơ chế pháp lý cơ chế bảo vệ cho các thẩm phán, tòa án cần bổ sung đầy đủ để xây dựng và triển khai tòa án điện tử...
Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 151 điều, được bố cục thành 9 chương, trong đó bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều, so với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023. Dự thảo Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND, về thẩm phán, hội thẩm và các chức danh khác trong TAND, về tổ chức xét xử và bảo đảm hoạt động của TAND.
Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất quan điểm việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính. Hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Các đại biểu cũng nhất trí với bố cục của dự thảo Luật gồm nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, Hội đồng Tư pháp Quốc gia, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND, hội thẩm, tổ chức xét xử, bảo đảm hoạt động của TAND, điều khoản thi hành. Các ĐBQH tỉnh cũng tập trung cho ý kiến về quan điểm, nguyên tắc phạm vi sửa đổi Luật, nội hàm quyền tư pháp, về hoàn thiện tổ chức, bộ máy của TAND, việc đổi tên TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử và việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt…
Những ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được TAND tỉnh tổng hợp để trình TAND Tối cao tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.